(Tổ Quốc) - Khi đối mặt với tranh chấp, nếu vợ chồng có thể suy nghĩ vấn đề từ góc độ của nhau, thay vì đổ lỗi cho nhau, khi khó đạt được thỏa thuận, hãy thỏa hiệp với nhau.
Ở nhà mùa dịch chắc hẳn có rất nhiều câu chuyện hay ho, dở khóc dở cười mà cũng có thể khiến những cặp vợ chồng chỉ muốn nhanh chóng kết thúc chuỗi ngày giãn cách để được "sổ lồng".
Trong tưởng tượng: Vợ chồng cùng nhau dậy sớm, tập môn thể thao yêu thích, cùng vào bếp nấu ăn, chăm con, đọc sách thưởng trà hay cùng nhau xem 1 bộ phim...
Trên lý thuyết: Đây là cơ hội hiếm hoi để vợ chồng có thêm thời gian sống chậm, để hiểu nhau hơn.
Nhưng thực tế thì: Tôi muốn ly hôn...
Câu chuyện thứ nhất
Nghe tin Hà Nội có thêm 15 ngày giãn cách nữa mà cả 2 vợ chồng Thu đều thở dài. Căn nhà gần 100m2 cũng trở nên quá chật chội vì ngày nào họ cũng phải nhìn thấy nhau. Trước kia chỉ muốn chồng ở nhà 1 ngày mà cũng khó. Vậy mà bây giờ cô lại muốn anh ta nhanh chóng đi làm hoặc đi đâu đó cho "khuất mắt".
Cuộc sống trở nên đảo lộn khi họ quá nhàn rỗi, chỉ ăn với ngủ. Có nhiều thời gian quá chồng cô lại lười. Vợ sai thì làm mà không lại làm đâu hỏng đấy. Đến bữa cũng phải gọi mãi mới ra ăn cơm. Giờ người ta đi ngủ thì chồng cô thức mà giờ người ta sinh hoạt, làm việc thì chồng cô ngủ. Nếu có nói anh lại càu nhàu: "Chẳng phải em cũng rảnh rỗi đấy thôi, làm đi khỏi phải kêu chán".
Thế nhưng, chỉ cần anh ta rửa bát, Thu phải đi sau để úp lại ngay ngắn. Anh ta quét, Thu phải lau lại. Anh ta gấp quần áo cô cũng phải gấp lại vì anh ta cẩu thả vô cùng. Cho đến khi Thu cáu đến phát khóc lên vì sự vô tâm của chồng thì sáng hôm ấy, cô thấy anh dậy sớm nướng bánh mì, pha cafe, ung dung ngồi ban công đọc báo.
Chồng đã nói với cô đúng 1 câu: "Chỉ cần em bớt càu nhàu, việc gì anh cũng sẽ làm được".
Câu chuyện thứ hai
Cũng như nhà Thu nhưng vợ chồng Lan phải trông cả 2 đứa con nhỏ. Sự bận rộn của họ còn nhiều hơn ngày thường vì có đến 5 người ở nhà cùng nhau. Mẹ chồng Lan cả ngày ngồi xem tivi rồi than thở.
Còn chồng Lan, anh vẫn phải làm việc online nên có thời gian rảnh mới trông được con nhỏ, việc nhà không khác ngày thường là mấy. Thấy vợ bí bách vì ở nhà lâu, không được tụ tập bạn bè, 2 đứa con thì nghịch nên chồng Lan rất thông cảm với cô.
Thi thoảng anh xung phong cầm phiếu đi chợ rồi cố mua cho vợ cốc trà sữa hoặc hộp ô mai. Chiều đến 3 mẹ con làm bánh ngon dở thế nào anh cũng khen. Đặc biệt là các món ăn vợ nấu. Biết cô bị áp lực kinh tế nên cũng thắt chặt chi tiêu, anh chẳng đòi hỏi mà cách anh "chê" vợ cũng rất tinh tế: "Món này trông ngon nhỉ mà bớt muối đi tí nữa thì hoàn hảo em ạ", "Gà nướng thơm quá, giá món dưa góp chua tí nữa thì quá hợp nhau...".
Có lẽ bởi thói quen ấy nên Lan chẳng bao giờ trách chồng được 1 câu. Vì cách anh ấy nói về những thiếu sót của vợ khiến cô nể phục vô cùng. Anh kiếm nhiều tiền hơn vợ nhưng chưa bao giờ để Lan mặc cảm vì khoảng cách ấy. Ngược lại anh còn biết ơn vì có cô chăm sóc mẹ anh, con anh chu đáo anh mới tập trung cho sự nghiệp được.
Câu chuyện thứ ba
Khác hẳn với những cô vợ khác, quan điểm của Nga là tôn trọng mọi thứ từ đối phương. Không thể hòa hợp, không thể cùng nhau làm việc nhà, cùng nói chuyện... thì sao phải cố để thêm bực mình? Tại sao không tận hưởng sự riêng tư tự do và bớt kì vọng, sống phụ thuộc cảm xúc vào đối phương?
1 ngày ở nhà của Nga trôi qua không đến nỗi "khó thở" lắm. Cô sẽ làm những gì cô muốn và chồng cô cũng vậy. Đến bữa 2 người cùng ăn, nói vài 3 câu. Nga nấu rồi thì chồng cô rửa bát. Sau đó mỗi người lại về với không gian riêng của mình. Anh ấy chơi game còn Nga xem phim... Cứ như vậy chẳng ai ảnh hưởng ai, tối vẫn ôm nhau ngủ hòa thuận, hạnh phúc.
Kể cả lúc phải tranh luận hay xung đột, mỗi người bảo vệ ý kiến của riêng mình, giải quyết theo cách bản thân thấy thoải mái nhất. Ví dụ, chồng Nga thích xem bóng đá, cô muốn xem 1 bộ phim. Cả 2 không thể thống nhất nên quyết định việc ai người ấy làm. Vấn đề vẫn tồn tại nhưng nó không đủ để khiến họ sứt mẻ tình cảm vì những khác biệt trong sở thích.
Vì vậy, khi đối mặt với tranh chấp, nếu vợ chồng có thể suy nghĩ vấn đề từ góc độ của nhau, thay vì đổ lỗi cho nhau, khi khó đạt được thỏa thuận, hãy thỏa hiệp với nhau.
Từ lâu, bạn đã tin rằng nỗi bất hạnh của mình xuất phát từ việc bạn đời không muốn thay đổi. Nhưng nếu nhìn ở một góc độ khác, có thể nói mọi bế tắc của bạn đều xuất phát từ nỗi ám ảnh về những nhiệm vụ bất khả thi và việc bạn không muốn chấp nhận thực tế. Nhìn đi, bạn vẫn đang hạnh phúc hơn rất nhiều xung quanh đấy!
VV