(Tổ Quốc) - Liệu có phải lũ cướp biển đem rắn độc lên đảo để canh giữ kho báu khổng lồ của chúng?
Nếu là "fan cứng" của dòng phim phiêu lưu, chắc hẳn ai cũng từng biết đến những bộ phim lấy cảm hứng từ trăn khổng lồ hoặc rắn độc ăn thịt người. Sự tàn bạo và ngoại hình "ghê rợn" của lũ bò sát trên phim ảnh quả thực khiến chúng ta thấy ám ảnh vô cùng.
Đối với team sợ rắn rết thì gặp 1 con đã đủ chết khiếp, nhưng đã bao giờ bạn dám tưởng tượng mình đứng giữa hòn đảo có hàng trăm nghìn con bò lúc nhúc khắp nơi như phim kinh dị chưa? Sự thật là trên thế giới có tồn tại một nơi giống hệt địa ngục, song "thần chết" nơi đó không phải quái thú, hổ báo, khủng long hay ma quỷ gì, mà chính là loài rắn!
Là địa danh cực kỳ nổi tiếng nhưng đảo rắn Ilha da Queimada Grande ở Brazil lại không hề có bóng người sinh sống. Kể cả người gan dạ nhất cũng không thể "dung thân" ở chốn này bởi số lượng rắn quá áp đảo. Theo ước tính, cứ mỗi mét vuông trên đảo có 1 - 5 con rắn độ, nghĩa là bước chân lên đảo bạn không thể tránh việc đi đâu cũng dẫm phải rắn!
Thông tin "lạnh gáy" này đã giúp Ilha da Queimada Grande trở thành hòn đảo nguy hiểm bậc nhất thế giới, khiến chính phủ Brazil phải ra quy định cấm người dân đặt chân lên đảo. Chỉ có Hải quân Brazil, các nhà nghiên cứu được chọn bởi Viện Bảo tồn đa dạng sinh học Chico Mendes và đơn vị bảo tồn Liên bang Brazil được phép lên đảo, nhưng phải xin phép và phục vụ cho mục đích khoa học.
Đảo rắn có diện tích 43ha, nằm ở Nam Đại Tây Dương và cách bờ biển bang Sao Paulo khoảng 35 km. Được biết hiện tại trên đảo có khoảng 400.000 con rắn cực độc thuộc nhiều loài khác nhau, nhưng đứng đầu là rắn hổ lục đầu vàng (Golden lancehead viper) - một trong những loài rắn độc bậc nhất thế giới. Nọc độc của nó được xếp vào dạng kinh hoàng, có thể làm tan chảy thịt da. 90% các ca tử vong do bị rắn cắn tại Brazil đều là tác phẩm của loài sinh vật này.
Vài năm trước, Tara Brown - một nữ du khách người Úc đã mất 6 tháng để xin cấp phép thám hiểm hòn đảo cùng ekip sản xuất của chương trình "60 minutes". Nhóm của Tara được trang bị đầy đủ thiết bị và có một đội y tế đi cùng. Xe cứu thương, máy khử rung tim, mặt nạ chống độc và y bác sĩ túc trực trên đất liền luôn "bật" chế độ chờ, nhưng may mắn là không có tai nạn nào do rắn cắn xảy ra. Hầu hết lũ rắn đều ở trạng thái ngủ hoặc không đe dọa ai.
Lý do vì sao lũ rắn hổ lục đầu vàng có nọc độc kinh khủng như vậy vẫn là một bí ẩn khiến các nhà khoa học đau đầu. Trên thực tế loài rắn này có một số họ hàng ở đất liền, nhưng không loài nào có được nọc độc kinh khủng như hổ lục đầu vàng. Tara cũng đã chạm trán trực tiếp với loài rắn này, tuy sợ hãi nhưng cô đã liều mình để được ngắm "huyền thoại" không chân trên đảo Queimada Grande.
Một số giả thuyết được đặt ra để giải thích việc rắn hổ lục đầu vàng chỉ xuất hiện trên đảo Queimada Grande, trong đó có nhắc đến là việc nước biển dâng cao vào 11.000 năm trước đã khiến hòn đảo trở nên tách biệt. Lũ rắn mắc kẹt tại đây với một nguồn thức ăn hạn chế, do đó chúng buộc phải tiến hóa để tạo ra một loại độc kinh khủng hơn, cho phép giết chết con mồi chỉ bằng một nhát cắn.
Rắn hổ lục đầu vàng khi trưởng thành có thể dài hơn nửa mét và nọc độc mạnh gấp 5 lần so với nọc rắn trong đất liền. Chỉ một cú táp của chúng thôi cũng giết chết một người trưởng thành khỏe mạnh sau khi phá hủy cơ thể và làm "tan chảy" da thịt nạn nhân.
Mặc dù nọc độc của rắn hổ lục đầu vàng vô cùng nguy hiểm, nhưng các nhà khoa học nhận thấy chúng rất hữu ích trong việc sản xuất huyết thanh chống độc và ứng dụng trong việc phát triển các loại thuốc mới trong tương lai.
Những bức ảnh hiếm hoi về loài rắn tử thần độc bậc nhất thế giới.
Theo nhiều nguồn tin để lại thì đảo rắn vẫn có người sống trong khoảng từ năm 1900 - 1920, nhưng vì lũ rắn phát triển quá nhanh nên chúng đã trở thành chủ nhân hòn đảo. Vô số truyền thuyết và tin đồn gắn với lũ rắn độc được người dân kể cho nhau, trong đó có câu chuyện kỳ bí về người cuối cùng trông giữ ngọn hải đăng. Cả gia đình ông ta đã mất mạng khi một con rắn lọt vào nhà qua cửa sổ và cắn chết mọi người. Từ đó đến nay, ngọn hải đăng trên đảo không còn ai ghé qua.
Một tin đồn gây ám ảnh khác về loài rắn "tử thần" là chuyện về người đánh cá vô danh lên đảo để tìm kiếm chuối. Thi thể ông được phát hiện trong thuyền của mình, giữa vũng máu, với vết rắn cắn chi chít trên cơ thể.
Truyền thuyết nổi tiếng nhất gắn với đảo Queimada Grande là lũ rắn được cướp biển mang theo để bảo vệ kho vàng bạc châu báu của họ, nhưng trên thực tế số lượng rắn của đảo đã phát triển qua hàng ngàn năm mà không có sự can thiệp của con người.
Thật may mắn vì hòn đảo rắn kia nằm biệt lập ngoài khơi xa, nếu ở trên đất liền thì có lẽ... À mà thôi, sẽ không ai muốn tưởng tượng ra sau đó đâu các bạn ạ...
Aries (T/H)