(Tổ Quốc) - Ứng dụng quản lý tài sản, cho vay ngang hàng do MC nổi tiếng Uông Hàm làm đại diện bị tố lừa đảo, tổng số tiền lên tới 230 tỷ tệ (khoảng 8.000 tỷ đồng).
Ứng dụng quản lý tài sản nổi tiếng Trung Quốc bị tố lừa đảo
Gần đây, có rất nhiều cư dân mạng xứ Trung phàn nàn bị mất tiền vì app quản lý tài sản P2P "iQianjin" (Yêu tiền). Đây là một ứng dụng cho phép vay và cho vay trực tuyến nổi tiếng quốc gia tỷ dân có MC Uông Hàm làm đại diện hình ảnh.
Uông Hàm là một trong những MC nổi tiếng của giới Hoa ngữ, quen thuộc với khán giả từ các chương trình truyền hình thực tế “đắt show” Super Heroes, Happy Boys…
Theo thông tin trên MXH Weibo, có đến 370.000 người bị lừa, tổng số tiền lên tới 230 tỷ nhân dân tệ (khoảng 8.000 tỷ đồng). Rất nhiều cư dân mạng bức xúc, bình luận dưới các bài đăng về iQianjin đều là đòi tiền: "Trả lại tiền xương máu cho tôi!”.
Thậm chí, một số người bị lừa còn tụ tập, cầm banner có nội dung yêu cầu nam MC - người làm đại diện hình ảnh của ứng dụng này trả tiền: "Uông Hàm mau ra đây trả tiền xương máu cho chúng tôi”, “Uông Hàm mau trả lại phí đại diện đi".
iQianjin là ứng dụng gì, hoạt động như thế nào?
iQianjin được ra mắt vào năm 2014. Tính đến tháng 6 năm 2019, ứng dụng này đã có hơn 16 triệu người dùng.
iQianjin là ứng dụng trung gian giúp kết nối người cho vay và người đi vay với chi phí dịch vụ thấp hơn so với chi phí dịch vụ cho vay theo kiểu truyền thống.
Nhờ đó, nhà đầu tư (người cho vay) sẽ thu được lợi nhuận cao hơn so với gửi tiết kiệm hay đầu tư vào bất cứ một sản phẩm nào khác của ngân hàng. Trong khi đó, người vay lại được hưởng lãi suất thấp hơn (cho dù công ty cho vay ngang hàng đã khấu trừ chi phí xây dựng hệ thống kết nối và đánh giá tín nhiệm online).
Hình thức vay ngang hàng (P2P) tiềm ẩn những rủi ro gì?
P2P - cho vay ngang hàng có tên quốc tế là peer-to-peer lending, thường được viết tắt là cho vay P2P. Một mô hình kinh doanh sử dụng các dịch vụ online để kết nối nhà đầu tư với cá nhân hay doanh nghiệp muốn vay.
Các công ty, ứng dụng P2P online sẽ cung cấp gói vay từ tín chấp, thế chấp đến mua trả góp như: Vay tín chấp theo lương; vay trả góp theo ngày; vay theo sổ hộ khẩu, hóa đơn điện nước, đăng ký xe máy, ôtô; vay cầm cố tài sản, vay cầm cố ôtô đang thế chấp ngân hàng; vay mua ôtô, nhà trả góp...
Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính - ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu, các công ty P2P chưa được pháp luật quy định và tổ chức không chặt chẽ như ngân hàng; thường hoạt động dưới hình thức công ty tư vấn tài chính và không chịu sự điều chỉnh bởi Luật Các tổ chức tín dụng.
Các công ty này sử dụng công nghệ thông tin, hệ thống chi nhánh và số lượng nhân viên giới hạn nên chi phí hoạt động rất thấp. Do đó, nếu có tranh chấp xảy ra, bị xù nợ, công ty phá sản… cả người đi vay và người cho vay nhận sự rủi ro rất cao.
M52