Hơn 11.000 tỷ đồng xây cao tốc nối TP.HCM với Mộc Bài

(Tổ Quốc) - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tây Ninh cho biết, đơn vị vừa trình HĐND tỉnh phê duyệt dự thảo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư tiểu dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đoạn qua địa phận tỉnh Tây Ninh thuộc dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.

Theo đó, đoạn qua địa phận các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu và Bên Cầu, thuộc tỉnh Tây Ninh dài 26,3 km có tổng diện tích đất bồi thường, giải phóng mặt bằng là 231,04 ha, (trong đó, diện tích đất công 7,22ha, diện tích bồi thường, giải phóng mặt bằng 223,82ha), với tổng mức đầu tư dự kiến 987.314 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Thời gian thực hiện dự án là 5 năm, 2020-2024.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tây Ninh cho biết thêm tuyến đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 01/3/2016 về phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 2055/QĐ-TTg ngày 23/11/2015 về điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 08/4/2013 về quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.

Đây là tuyến đường kết nối vùng với hành lang kinh tế Đông - Tây, với các nước láng giềng như Campuchia và Thái Lan, là tuyến giao thông đường bộ kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP.HCM với Campuchia qua cặp cửa khẩu quốc tế Mộc Bài - Ba Vet.

Do đó, việc thực hiện tiểu dự án Bồi thường, giải phóng mặt bằng đường cao tốc TP. HCM - Mộc Bài đoạn qua địa phận tỉnh Tây Ninh để làm cơ sở triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực Đông Nam Bộ nói chung, tỉnh Tây Ninh và TP.HCM nói riêng.

Bên cạnh đó, tuyến cao tốc góp phần làm giảm tình trạng ùn ứ giao thông trên tuyến đường Xuyên Á (Quốc lộ 22) hiện nay, tháo gỡ nút thắt về hạ tầng giao thông, kiềm chế sự phát triển của tỉnh Tây Ninh trong thời gian qua, và là động lực to lớn để phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Tây Ninh và cả vùng Đông Nam Bộ trong thời gian tới.

Ngày 14/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao UBND TP.HCM làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.

Theo kế hoạch, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được thực hiện song song với công tác khảo sát lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, đồng thời tiến hành cắm mốc giải phóng mặt bằng, xác định sơ bộ diện tích đất thu hồi, chủ hộ bị ảnh hưởng... tiến hành ngay công tác thông báo thu hồi đất. Đo đạc, trích đo bản đồ địa chính, xác định diện tích đất thu hồi, cây trái, hoa màu, vật kiến trúc... bị ảnh hưởng để làm cơ sở lập phương án đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Thời gian dự kiến bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư trong tháng 3/2021.

Tuyến cao tốc TP.HCM- Mộc Bài có chiều dài khoảng 50 km, điểm đầu từ nút giao với đường Vành đai 3 (huyện Hóc Môn, TP.HCM) đến điểm cuối kết nối Quốc lộ 22 (tại Km53 850), cách cửa khẩu quốc tế Mộc Bài khoảng 2km. Chiều dài tuyến qua địa phận TP. HCM là 23,7 km, chiều dài tuyến qua địa phận tỉnh Tây Ninh là 26,3Km. Cấp hạng 120 theo TCVN 5729:2012, kết cấu mặt đường bê tông nhựa nóng, vận tốc thiết kế 120Km/h.

Dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT, có sự hỗ trợ của Nhà nước để đảm bảo tính khả thi của phương án tài chính. Trong đó, nhà nước hỗ trợ toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng thuộc địa phận TP.HCM và tỉnh Tây Ninh.

Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 khoảng 11.119 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị 5.252 tỷ đồng. Riêng chi phí giải phóng mặt bằng và rà phá bom mìn 2.952 tỷ đồng (đoạn thuộc TP.HCM 1.965 tỷ đồng; đoạn thuộc tỉnh Tây Ninh 987 tỷ đồng). Dự kiến thời gian hoàn vốn đầu tư 20 năm 6 tháng. Như vậy, so với ban đầu là 33 năm 7 tháng, thời gian thu phí cao tốc TP. HCM- Mộc Bài được rút ngắn 13 năm.

Tuyến cao tốc TP.HCM- Mộc Bài sẽ được khởi công vào năm 2021 và dự kiến đưa vào sử dụng giai đoạn 1 vào năm 2025. Được biết, trước đó tập đoàn Sungroup đã làm việc với cả hai địa phương TP.HCM và Tây Ninh với mong muốn là nhà đầu tư toàn tuyến cao tốc này.

Nam Phong

Tin mới