(Tổ Quốc) - Không chỉ sữa mà bỉm, xăng và loạt nhu yếu phẩm đều trên đà tăng giá khiến không ít gia đình phải thay đổi kế hoạch chi tiêu.
Từ đầu tháng 3, Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A, đơn vị nhập khẩu và phân phối sữa Abbott thông báo tăng giá 45 mặt hàng của nhãn hiệu Abbott Grow, Similac, Pediasure. Trước đó, Công ty TNHH Frieslandcampina Việt Nam thông báo giá bán lẻ mới, 21 sản phẩm sữa dinh dưỡng công thức cho trẻ từ 0-6 tuổi đều tăng giá trong phạm vi 5%.
Không chỉ sữa mà nhiều mặt hàng thiết yếu như gạo, đồ uống, thực phẩm đồ hộp, đồ gia dụng... cũng đồng loạt tăng giá bán khiến không ít gia đình cảm thấy chóng mặt. Lương không tăng nhưng vật giá cứ ùn ùn leo dốc, đặc biệt với những gia đình nuôi con nhỏ thì số tiền chi ra mỗi tháng là không hề nhỏ.
Hội mẹ bỉm tung bảng chi phí nuôi con trong 1 tháng
Trước tình hình giá cả leo thang, nhiều mẹ bỉm đã bắt đầu có kế hoạch thay đổi chi tiêu sao cho phù hợp. Cùng điểm qua một số bảng chi tiêu nuôi con của các mẹ bỉm để xem họ quyết định cân nhắc các khoản tiền nong ra sao.
Gia đình chị Phương Hoa (25 tuổi, sống tại Hải Phòng) hiện đang bỏ ra khoảng 12,5 triệu cho việc nuôi con gái trong 1 tháng. Chị Hoa hiện đang dùng dòng sữa Pediasure trước có giá 1.045.000 đồng, giờ đã tăng lên 1.158.300 đồng. Vị chi tăng thêm 100.000 đồng. Mỗi tháng c dùng cho con 2 hộp, nghĩa là tiền sữa tăng lên 200.000/ tháng, 1 năm tăng khoảng gần 2,5 triệu đồng. Nhìn tưởng là con số nhỏ nhưng không chỉ sữa mà các đồ dùng khác cũng đang trên đà tăng giá.
Trước tình hình này, chị Hoa đang có ý định đổi cho con sang dòng sữa nội có giá vừa phải hơn mà vẫn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho con.
Gia đình chị Hà Linh (32 tuổi, sống tại Hà Nội) hiện đang bỏ ra khoảng 16 triệu mỗi tháng cho việc nuôi con nhỏ. Hàng tháng, chị Linh chi ra 2,7 triệu tiền sữa cho con gái, hiện giá sữa tăng thì mỗi tháng tốn thêm khoảng vài trăm nghìn. Bà mẹ này tâm sự vẫn sẽ giữ nguyên mức chi tiêu này vì dù có tăng nhưng cũng không đáng kể.
Chị Hải Yến (sinh năm 1985, sống tại Nam Định) cũng đang bỏ ra khoảng 4 triệu đồng tiền sữa mỗi tháng. Chị cho biết sữa hay bỉm là những mặt hàng khó mà chi tiêu tiết kiệm lại được vì muốn đầu tư cho con những gì tốt nhất. Tuy nhiên sang năm khi con hơn 1 tuổi, chị Yến cũng đang lưỡng lự chuyển cho con sang uống dòng sữa tươi có giá cả phải chăng hơn.
Không giống như nhiều mẹ bỉm khác, chị Hòa hiện đang cho con dùng sữa tươi thay vì các dòng sữa công thức. Theo chị từ khi bé hơn 1 tuổi, để tiết kiệm một cách tối đa chị đã chuyển luôn cho con sang dùng sữa tươi. Hiện tại, tiền tiêu mỗi tháng cho bé vẫn giữ nguyên, tuy nhiên, các nhu yếu phẩm khác thì buộc phải chi trả vì không thể không dùng.
Mẹ bỉm ở Hà Nội này có mức chi tiêu tiết kiệm nhất cho con. Tuy nhiên, khi vật giá thay đổi thì chị cũng buộc phải nâng mức chi tiêu hàng tháng lên từ 500-700.000 đồng/ tháng.
Kết lại
Mỗi gia đình lại có một mức chi tiêu khác nhau cho con cái, cuộc sống. Ai cũng mong đem đến những điều tốt nhất cho con, tuy nhiên phụ thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh gia đình mà hội mẹ bỉm phải cân nhắc, tính toán sao cho đảm bảo nguồn thu chi, vừa để cả nhà có cuộc sống thoải mái nhất.
Vật giá tăng cao không chỉ bỉm, sữa mà nhiều nhu yếu phẩm khác cũng khiến nhiều gia đình đau đầu. Trong khi một số gia đình dư giả hơn quyết định vẫn giữ nguyên mọi khoản chi thì đa số cho biết đang có kế hoạch thay đổi như chuyển từ bỉm đắt sang bỉm vừa tiền hơn, chuyển từ sữa ngoại, sữa công thức sang sữa tươi, sữa nội...
Tăng từ 2-3 triệu/ năm cho tiền sữa nhìn qua có vẻ là một con số không nhỏ nhưng với nhiều gia đình thì cần phải cân nhắc và tính toán thật kỹ. Bởi nếu tính ra tất cả các khoản chi tiêu thì con số có thể đội lên cả chục triệu/ năm. Chính vì vậy, thay đổi ra sao còn tùy thuộc vào khả năng tài chính của từng gia đình.
San San