(Tổ Quốc) - Những review chi tiết đến từ một mẹ bỉm hiện đại đã dùng bỉm vải một thời gian khá dài hy vọng sẽ giúp các mẹ hiểu thêm về ưu/nhược điểm của loại bỉm này.
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, bỉm được coi như một đồ dùng thiết yếu và không thể thiếu đối với bất kì bà mẹ nào đang nuôi con nhỏ. Bên cạnh khá nhiều bậc phụ huynh lựa chọn bỉm giấy hay còn gọi là bỉm dùng 1 lần thì một số mẹ bỉm sữa khác lại trung thành với loại bỉm vải.
Một bà mẹ sống tại Hà Nội có nickname là Ann Hoàng (sinh năm 1989) cũng là một trong số những người theo đuổi chăm sóc sức khoẻ và làm đẹp không hoá chất 3 năm nay và sử dụng bỉm vải được hơn 5 tháng. Với chị Ann Hoàng, bỉm vải là điều tốt đẹp mà chị dành cho con gái của mình.
Cô bé Sâu được mẹ gọi với cái tên trìu mến là em bé bỉm vải bởi Sâu dùng loại bỉm này từ khi lọt lòng tới hiện tại hơn 5 tháng tuổi. Mới nhỏ tí xíu thôi nhưng Sâu đã sở hữu cho mình một bộ sưu tập bỉm vải hoa lá cành đầy đủ màu sắc rực rỡ, vừa đáng yêu lại gọn gàng, đẹp mắt.
Dưới đây là review chi tiết của chị Ann Hoàng về những ưu/nhược điểm của loại bỉm này để các mẹ cùng tham khảo.
Review các loại bỉm vải
Lý do dùng bỉm vải
Tình cờ một lần xem youtube Rapper Suboi, mẹ thấy em bé nhà cô Suboi dùng bỉm vải, mẹ đã thấy cưng rồi. Sau đó mẹ cháu tìm được hội nhóm Chung tay sử dụng tã vải và được mở ra thế giới bỉm vải xinh đẹp. Sau khi lặn ngụp trên nhóm thì mẹ cháu đã quyết định dùng bỉm vải cho cháu với lý do:
- Giúp bé tránh được 30 loại hoá chất không tốt cho bé trong bỉm giấy.
- Tiết kiệm 10-30 triệu tiền bỉm giấy 1 năm. Mẹ cháu tính dùng bỉm giấy hữu cơ nên đắt quá.
- Bỉm vải xinh đẹp và dễ thương. Ngồi xếp bỉm như chơi đồ hàng. Cute hết sức.
- Quan trọng nhất là: Bỉm vải có chống trào ngược nhưng không khô hẳn như bỉm giấy. Bé tè 1-3 bãi là bé sẽ khóc lên để mẹ thay. Bằng cách này bé không coi bỉm là cái nhà vệ sinh và nhanh bỏ được bỉm. Tới 12 hay 18 tháng bé sẽ có khả năng ra hiệu khi muốn đi toilet, và không muốn đi vào quần hay tã đâu vì sợ bẩn.
Bộ sưu tập bỉm vải của em bé Sâu, vừa rực rỡ vừa đáng yêu phải không mọi người?
Dùng bỉm vải như thế nào?
- Bỉm vải không dùng lâu như bỉm giấy, khoảng 2 tiếng sau 2 lần tè là mình thay cho con.
- Bỉm bé tè mình sẽ ngâm vào chậu nước với nước giặt Enzyme bồ hòn Huna home hoặc Enzyme lên men từ vỏ trái cây Fuwa3e. Với bỉm đi nặng thì mình xịt hết chất bẩn vào bồn cầu xong mới ngâm.
- Một ngày thì sẽ cho hết vào giặt đồ 1-2 lần bằng máy giặt. Các mẹ thì cẩn thận giặt riêng chứ mình thì chung tất, do nhà mình dùng giặt Enzyme hoặc túi giặt Magie không hoá chất nên không cần chia ra đồ người lớn hay đồ trẻ con.
- Đợt mấy tháng đầu bé dễ ngủ hơn mình dùng cả đêm bỉm vải (có thay lúc bé dậy ti), còn giờ lớn hơn mình dùng bỉm giấy ban đêm cho bé ngủ sâu giấc. Các mẹ thì vẫn dùng cả ngày lẫn đêm tuỳ vào từng bé.
Nói chung mình và gia đình thấy tiện, ổn, sạch sẽ thơm tho, tiết kiệm. Không có vấn đề gì đáng ngại.
Hạn chế
Cá nhân mình thì thấy ít hạn chế, có chăng là phải giặt thay vì bỏ đi luôn sau 1 lần sử dụng mà thôi.
Bên cạnh đó, khi bé lớn bé đi vệ sinh sẽ có mùi thì dùng bỉm vải sẽ có mùi nặng hơn bỉm giấy. Nhưng chính vì thế mà mình biết bé tè và thay chứ không cần căn giờ đồng hồ. Giặt xong là thơm tho, sạch sẽ.
Với chị Ann Hoàng, bỉm vải là điều tốt đẹp mà chị dành cho con gái của mình.
Trên đây là review chi tiết của bà mẹ trẻ đã theo đuổi chăm sóc sức khoẻ và làm đẹp không hoá chất 3 năm nay và sử dụng bỉm vải được hơn 5 tháng. Dĩ nhiên, mỗi mẹ bỉm sữa lại có những quan điểm và yêu cầu riêng trong việc sử dụng bỉm cho con, vì vậy mẹ hoàn toàn có quyền lựa chọn bỉm vải hoặc bỉm giấy sao cho phù hợp với các bé và gia đình của mình.
San San