(Tổ Quốc) - Chị Minh Phương đã tự mình tìm kiếm, lựa chọn nguyên vật liệu và hoàn thành không gian phòng bếp trong sự ngưỡng mộ của nhiều chị em.
Để tự lên ý tưởng thiết kế và sắp xếp cho không gian nhà bếp đòi hỏi chị em phải bỏ rất nhiều công sức và tiền bạc. Không chỉ căn chỉnh sao cho nội thất phù hợp với không gian, sử dụng màu nào là hợp lý hay không gian quá nhỏ thì làm cách nào để ăn gian... Ti tỉ thứ cần lo nên khi nhiều chị em nảy ra ý tưởng này đều chùn chân vì lo sợ.
Tuy nhiên, một mẹ đảm tại Hà Nội đã vô cùng tự tin khi tự mình lên ý tưởng, thiết kế, lựa đồ và sắp xếp từng góc không gian cho phòng bếp của gia đình. Chị Minh Phương cho biết: "Tuy công việc đòi hỏi quá nhiều thời gian, công sức của mình nhưng bù lại, thành quả không gian nhà bếp khiến chị hoàn toàn ưng ý".
Không gian phòng bếp nhà chị Minh Phương tuy nhỏ nhưng nhờ được thiết kế thông minh nên không có cảm giác chật chội, khó chịu.
Ban đầu, khi lên ý tưởng cho căn bếp này, chị Phương cũng giống như nhiều chị em nghiệp dư khác đều phải tìm tòi, nghiên cứu từ các nguồn tham khảo. "Mình thích phong cách tối giản của Nhật lắm luôn. Diện tích bếp nhà mình lại bé, nên phải rất cẩn thận trong việc sắp xếp để tránh tạo cảm giác bức bí, chật chội. Mình lựa chọn sử dụng tủ dưới ngăn kéo và tủ trên kịch trần để ăn gian diện tích. Cũng phải chịu khó mày mò đi tìm và nhìn tận mắt sờ tận tay các loại gạch lát và ốp bếp, ray âm giảm chấn cho ngăn kéo để lựa được loại ưng ý nhất".
Sau khi hoàn thành thiết kế nhà bếp, chị Minh Phương cũng rút ra rất nhiều kinh nghiệm cho bản thân và mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm này đến các chị em khác cũng đang có suy nghĩ muốn tự thiết kế cho không gian bếp của mình.
Đầu tiên, chị em nên liệt kê tất cả các đồ mình có, từ máy móc thiết bị, đồ dùng rồi định hướng cho bên thiết kế những khu mình muốn làm. Sau đó đưa kích thước máy móc để họ lên bản vẽ. Khi chốt thiết kế, bản thân phải đọc kĩ lại bản vẽ một lần nữa, đọc chi tiết từ kích thước tủ đến vật liệu mình chọn, tránh về sau sai bản vẽ, 2 bên thiệt hại. Trường hợp này rất nhiều chị em mắc phải và chính bản thân chị Minh Phương cũng gặp khó trong nhiều lần.
Ngăn kéo tủ lưu trữ giúp giấu được nhiều đồ đạc hơn.
Với tủ bếp, chị Phương sử dụng gỗ MDF lõi xanh chống ẩm cho bếp dài khoảng 3,2 m. Chi phí tổng là 17 triệu. Trên thị trường hiện nay có loại thêm vật liệu mới có tên gọi là plywood, cũng đang được nhiều nhà thầu tư vấn sử dụng nên chị em cũng có thể tham khảo dòng này.
Với gạch bếp chị Phương lại mê dòng đá terrazzo nên đi lùng gạch kiểu đó và sử dụng loại gạch lát nền của Vitto 60x60.
Bồn rửa chị chọn loại inox 304 của Gegrob to nhất 78cm. Giá 3 triệu.
Vòi nước cho bồn rửa chị chọn của Hafele. Loại này có thể di chuyển vòi xung quanh chậu, rất tiện vệ sinh. Giá bán là 1,7 triệu.
Tủ bếp dưới nhà chị lắp loại có chiều dài 89cm giúp việc nấu nướng, rửa rau cỏ, chế biến thức ăn rất thoải mái.
Gạch ốp tường chị dùng gạch thẻ men khô, dùng keo chít mạch. Làm cách này sẽ không sợ ố bẩn, bền với thời gian và rất nhiều màu cho chị em lựa chọn. Đặc biệt sẽ không bị hằn vết nước nếu dùng ốp kính, mỡ bắn cũng lau sạch. Chị em có thể mua của dòng Daisan vì gạch thẻ có mẫu mã khá đa dạng, chi phí hợp lý.
Để giảm thiểu chi phí phụ kiện bếp, chị Phương mua ray âm ngăn kéo để đựng đồ, trừ khu mắm muối gia vị chị dùng bằng inox. Ray hiện tại chị đang dùng là Hafele. Vừa rẻ hơn mà chịu được trọng lượng lớn.
Hút mùi bếp và bếp từ chị mua của Panasonic vì tiếng ồn máy chạy nhỏ, cực kì dễ vệ sinh. Thêm một chiếc lò nhỏ nướng đồ ăn. Chị Phương cũng khuyên chị em nên tính tới không gian máy rửa bát. Vì thời gian đầu thiết kế chị không quan tâm lắm, đến khi mua về phải dịch chuyển tủ lạnh để cho hợp lý.
Vì không muốn để nhiều đồ lên mặt bàn bếp đặc biệt là cắm dao khi nấu ăn, chị Phương đã tham khảo cả thanh hút nam châm, cắm dao trên mặt bàn. Cuối cùng chị lựa chọn cái giá nhựa nhỏ nhắn dính lên tường. Độ dài đủ để che lưỡi dao cắt bánh mỳ dài nhất của gia đình để tránh nguy hiểm.
Kệ bếp chị mua của Ikea igood giá 1,4 triệu. Kệ chịu được trọng lượng 25kg. Bộ gia vị thì dùng của Tupperwar, khá tiện lợi khi có thìa múc gắn ngay trên nắp hộp.
Đá bếp chị dùng đá solid surface LG, dày có 1,2cm, mỏng hơn dòng đá Vico. Loại đá này có ưu điểm là không bị ố khi dính nước chè, xôi gấc. Bo viền đá cũng rất đẹp. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là dễ xước và không chịu được nhiệt độ cao.
Cùng ngắm thêm không gian phòng khách của gia đình chị Minh Phương.
NuNu