(Tổ Quốc) - Thông qua phương pháp ghi chép Kakeibo mới thấy người Nhật coi trọng từng chi tiết nhỏ, chú tâm và tận tụy để tạo ra những thay đổi tích lũy theo thời gian.
Năm 2017, Sarah Harvey quyết định nghỉ việc ở một công ty xuất bản ở London và chuyển đến Nhật Bản. "Tôi thích công việc của mình và có một cuộc sống tuyệt vời, nhưng lại khao khát một cái gì đó mới mẻ và khác biệt hơn", Sarah Harvey cho biết.
Sau khi sống ở Tokyo được sáu tháng, Sarah Harvey đã bị mê hoặc bởi những chi tiết nhỏ và những thay đổi trong chính cuộc sống của cô. "Nó không giống như bất cứ điều gì tôi từng trải qua và nó khuyến khích tôi sống chậm lại và thực hiện một số cải thiện lối sống. Đặc biệt, trong thói quen chi tiêu phù phiếm và bốc đồng của mình. Vì vậy, khi tôi nghe về một phương pháp chi tiêu của Nhật Bản gọi là kakeibo, tôi đã bị thu hút và quyết định thử nó".
‘Kakeibo’: Phương pháp tiết kiệm tiền của Nhật Bản
Kakeibo, phát âm là kah-keh-boh, tiếng Anh dịch là sổ tài chính hộ gia đình. Được phát minh vào năm 1904 bởi một người phụ nữ tên Hani Motoko (đáng chú ý đây là nữ nhà báo đầu tiên của Nhật Bản), kakeibo là một cách tiếp cận đơn giản, không rườm rà để quản lý tài chính của bạn.
Một số người sẽ luôn phải đấu tranh với việc bội chi hoặc sống thoải mái với những điều được coi là cần thiết trong cuộc sống. Nhưng Sarah Harvey tự nhận, mình không nằm trong số đó. Cô có thói quen mua sắm khi cảm thấy buồn chán hoặc căng thẳng và không hài lòng về một điều gì đó. Sarah Harvey cũng sẽ mua sắm khi đang ở tâm trạng vui mừng và muốn ăn mừng điều gì, trong trường hợp này khoản chi sẽ thường vượt quá khả năng của cô ấy.
Như nhiều người đồng ý, việc thay đổi thói quen tài chính xấu không dễ thực hiện, một phần vì thói quen chi tiêu của chúng ta bị ảnh hưởng sâu sắc vào thói quen hàng ngày và hành động chi tiêu cũng bao gồm trong đó một khía cạnh cảm xúc khó tách rời.
May mắn thay, trong 116 năm qua, kakeibo đã có hiệu quả trong việc giúp mọi người đưa ra quyết định tài chính thông minh hơn.
Không có công nghệ, chỉ có một quyển sách và chiếc bút
Giống như tất cả các hệ thống ngân sách, ý tưởng đằng sau kakeibo là giúp bạn hiểu mối quan hệ của bạn với tiền bằng cách giữ một cuốn sổ và ghi chép mọi thứ chi tiêu.
Tuy nhiên, điều làm nên sự khác biệt của kakeibo là nó không liên quan đến bất kỳ phần mềm, ứng dụng hoặc bảng tính ngân sách nào. Tương tự như nhật ký, nó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc viết ra, như một cách thiền để xử lý và quan sát thói quen chi tiêu của bạn.
Theo phương pháp kakeibo, bạn phải tự hỏi mình những câu hỏi sau đây trước khi mua bất kỳ mặt hàng không thiết yếu nào hoặc những thứ bạn mua theo cảm quan, nhưng có thể không nhất thiết cần:
- Tôi có thể sống mà không có mặt hàng này?
- Dựa trên tình hình tài chính của tôi, tôi có đủ khả năng không?
- Tôi thực sự sẽ sử dụng nó?
- Tôi có không gian cho nó không?
- Trạng thái cảm xúc của tôi nói chung trong ngày hôm nay là gì? (Bình tĩnh? Căng thẳng? Vui vẻ hay Cảm thấy tồi tệ về bản thân?)
- Khi mua nó tôi sẽ cảm thấy như thế nào? (Hạnh phúc? Vui mừng? Vô tư? Và cảm giác này sẽ kéo dài bao lâu?)
kakeibo có hiệu quả, buộc Sarah Harvey phải suy nghĩ về việc mua hàng của mình và điều gì thúc đẩy cô phải mua chúng. Nói cách khác, cuối cùng cô đã có thể chinh phục nỗi sợ phải hoàn toàn trung thực về “nhu cầu” và “mong muốn” của mình. Nhờ đó, Sarah Harvey trở nên tốt hơn trong việc đưa ra các quyết định, hợp lý hơn về việc có nên chi tiền cho một mặt hàng cụ thể hay không.
Làm thế nào để cắt giảm chi tiêu nhiều hơn
Để thấy kết quả đáng kể trong khoản tiết kiệm của bạn, điều quan trọng là bạn phải luôn cam kết đặt câu hỏi đúng trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch mua không thiết yếu nào.
Dưới đây là một số chiến lược theo chủ đề kakeibo đơn giản để đảm bảo rằng bạn chi tiêu hợp lý hơn:
- Suy nghĩ mua hàng trong 24 giờ: Điều này là cần thiết cho dù bạn thực sự muốn hay không. Nếu bạn vẫn nghĩ về món hàng vào ngày hôm sau và có thể mua được thì hãy mua. Bạn sẽ cảm thấy hài lòng hơn về quyết định của mình.
- Đừng để “doanh số giảm giá” cám dỗ bạn: Sarah Harvey đã từng là một người thường xuyên bị cám dỗ bởi các chương trình giảm giá. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa là cô sẽ chi tiền cho các mặt hàng mà ít hoặc không sử dụng. Vì vậy, đối với mỗi mặt hàng mà bạn có trong giỏ hàng hãy tự hỏi liệu bạn có nên mua nó nếu giá chưa giảm hay không.
- Kiểm tra số dư ngân hàng của bạn thường xuyên: Kiểm tra số dư của bạn sẽ giúp bạn kiểm soát tài chính của mình tốt hơn vì nó tập trung vào số tiền bạn phải bỏ ra. Bây giờ, điều đầu tiên Sarah Harvey làm mỗi sáng là kiểm tra số dư của mình. Lúc đầu, đây là một thói quen đáng sợ, nhưng thật tuyệt vời khi dần cô đã quản lý được nỗi lo lắng của mình.
- Chi tiêu bằng tiền mặt: Cách tiêu tiền kiểu vật lý thay vì chỉ vô tư quẹt thẻ khiến bạn ý thức hơn về những gì bạn đang chi tiêu và bạn sẽ quản lý ngân sách dễ hơn. Hãy thử lấy ra một lượng tiền mặt được tính toán để sử dụng trong tuần và chỉ chi tiêu những gì bạn có.
- Đặt lời nhắc trong ví của bạn: Bạn của Sarah Harvey đã nảy ra ý tưởng tuyệt vời về việc gắn một nhãn dán vào thẻ tín dụng của cô ấy với lời nhắn: “Bạn có THỰC SỰ cần điều này không?”. Bất cứ điều gì khiến bạn lùi lại một bước trước khi mua hàng sẽ giúp bạn đưa ra quyết định thông minh hơn.
kakeibo không đòi hỏi bạn làm điều gì đó quyết liệt để thay đổi thói quen xấu của bản thân, ngược lại, nó chỉ cần bạn bình tâm, tĩnh lại và thay đổi một cách dần dần.
Nhờ đó, số tiền tiết kiệm của Sarah Harvey đang tăng với tốc độ nhanh hơn cô từng tưởng tượng. Quan trọng hơn, Sarah Harvey đang đưa ra quyết định khôn ngoan hơn về cách đầu tư số tiền đó cho những thứ thực sự quan trọng.
Sarah Harvey là tác giả của cuốn sách "Kaizen: Bí mật Nhật Bản để thay đổi lâu dài". Trước đây, cô làm tư vấn cho một nhà xuất bản ở Tokyo, một nơi giúp cô yêu văn hóa Nhật Bản. Sarah hiện đang sống ở London và làm việc trong một nhà sách văn học.
Theo cnbc
NH