(Tổ Quốc) - "Tôi bị stress hoài. Tôi stress không ngủ được luôn. Trước và sau khi họp báo phim, tôi đều bị stress rất nặng nhưng không ai biết", Hoàng Mập chia sẻ.
Bộ phim "Chiều nghiêng" của Hoàng Mập đang được chiếu vào giờ vàng hàng ngày trên kênh SCTV14. Phim thu hút người xem bởi câu chuyện kịch tính và dàn diễn viên tên tuổi như Cao Minh Đạt, Phương Dung, Tiểu Bảo Quốc, Ngân Quỳnh, Thùy Trang, Nguyệt Ánh, Huỳnh Thảo Trang...
Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông chủ hãng phim Hoàng Thần Tài xung quanh hậu trường làm bộ phim này.
"Tôi bị stress hoài, stress không ngủ được luôn"
Từ lúc "Chiều nghiêng" chưa lên sóng, tôi đã thấy cả dàn diễn viên tham gia phim đều rất háo hức và chờ đợi. Điều gì đã khiến mọi người nôn nao đến vậy, thưa anh?
Nói ra thì có lẽ tất cả mọi người, ai cũng thích vai của họ. Dù lớn dù nhỏ, vai ai cũng có số phận. Kể cả cô cave tên Ly của Thiên Trang dù rất ít phân đoạn nhưng cũng có số phận. Ly bỏ nhà ra đi, bị HIV rồi lây cho ba Lúa (Tiểu Bảo Quốc đóng), ba Lúa treo cổ tự tử chết.
Hay vai của Thùy Trang cũng là một dạng vai hay, lạ nhất trong sự nghiệp diễn xuất của Trang từ trước tới nay. Trang vào vai một bà cô ế chồng ở trong nhà thờ họ, chăm sóc người chị ba Hường do Phương Dung đóng. Bà ba Hường ngồi xe lăn bị giật méo miệng nhưng đụng tí là chửi thề.
Hoàng Mập bấm máy phim Chiều nghiêng. (ảnh trong bài do NVCC)
Vừa là nhà sản xuất, đạo diễn, Hoàng Mập còn đảm nhận một vai nhỏ trong phim.
Vai của nghệ sĩ Ngân Quỳnh cũng vậy. Chị Ngân Quỳnh vào vai bà Năm xôi, một người chuyên đánh mướn đánh ghen trong xóm. Chửi thề, cho vay nặng lãi nên con trai bà Năm xôi cũng y chang như mẹ. Hai mẹ con nói chuyện với nhau như giang hồ. Tôi phải cắt bớt rất nhiều từ ngữ nhạy cảm và đài cũng phải cắt bớt nữa.
Vai của Đông Dương hay Khánh Trinh cũng thế. Mỗi người một màu sắc. Vì nhân vật của mỗi người đều có sự hấp dẫn riêng nên họ mong đợi phim lên sóng.
Thứ hai là quay phim này rất cực. Kịch bản chỉ ghi một dòng "Bi chạy trong cơn nghiện" nhưng cảnh chạy đó, đoàn quay nửa ngày mới xong, chạy trên mương, qua cầu, lội sông... Diễn viên chạy như thế nào thì ê-kíp chạy theo thế đó. Diễn viên xuống sông, quay phim cũng xuống sông. Anh em hiện trường, thiết kế, ánh sáng cũng xuống sông.
Nói chung, chỉ những ai thích nhân vật đó thì mới làm được. Đông Dương thích vai nên không nề hà mương nước, sinh bùn. Đông Dương chạy cả nửa ngày, chạy đi chạy lại để lấy cận, lấy trung, lấy toàn.
Với một bộ phim như anh nói, ngôn ngữ rất đời, tới anh là đạo diễn cũng phải tiết chế bớt những từ ngữ nhạy cảm. Vậy khâu kiểm duyệt có gian nan không?
Dĩ nhiên là có. "Chiều nghiêng" là phim lên sóng nhanh nhất. Phim quay hồi tháng 6 mà tháng 12 đã phát. Tuy nhanh nhưng khâu kiểm duyệt lại rất gian nan, tôi phải chỉnh sửa cực nhất. Phim bị cắt 4 tập. Tôi phải quay lại 2 ngày để tuyến kịch tròn hơn. Những gì đời quá như nghiện ma túy, đâm chém, chửi thề mình phải cắt bớt.
Phim quy tụ dàn diễn viên cực kỳ "cứng tay nghề". Trong đó phải kể đến những gương mặt như Cao Minh Đạt,
Cắt đồng nghĩa với phim bị hụt tập, đường dây liên kết kịch bản cũng sai lệch và phải sửa lại, chia lại. Cắt một chút cũng phải coi lại từ đầu để liên kết đường dây kịch bản cho khỏi sai. Chỉ cần cắt một câu, một đoạn nhưng đôi khi làm lại phải mất tới nửa tháng.
Tôi ví dụ ngay như quy định cấm hút thuốc lá, rượu bia trên phim. Mình quay cảnh giang hồ thì phải làm sao? Không lẽ, giang hồ ngồi uống sinh tố? Giang hồ từ xưa tới giờ là phải có hình xăm, hút thuốc, chửi thề, đánh lộn... Không lẽ trước khi đánh nhau lại bảo, "tui đánh bạn nghe" thì sao lọt tai được. Có những quy định thật sự gây hạn chế cho anh em làm phim.
Vậy đối với dòng phim giang hồ đang rất thịnh hành ở chiếu rạp và Youtube thì sao?
Mọi người nói phim chiếu rạp được gắn mác C16, C18 nên kiểm soát được đối tượng người xem, còn phim truyền hình thì không.
Tuy nhiên có một thực tế là, phim chiếu rạp sau một thời gian cũng đều đưa lên tivi chiếu lại. Còn phim trên mạng, bọn trẻ vẫn xem được hết, đâu có ai quản lý. Cho nên mới nói, đây là quy định bất cập.
Làm phim cực nhọc như thế, gặp bao nhiêu vấn đề như thế, anh có bị stress không?
Tôi bị stress hoài. Tôi stress không ngủ được luôn. Trước và sau khi họp báo phim, tôi đều bị stress rất nặng nhưng không ai biết. Có những chuyện động trời nhưng tôi không nói. Còn phim bị cắt gọt là đương nhiên, cắt ít cắt nhiều thôi. Không có phim nào không bị cắt.
Kịch bản có gửi duyệt trước cũng vậy. Phim là hình ảnh. Ngôn ngữ hình ảnh khác ngôn ngữ văn bản. Có những nơi kiểm duyệt rất gắt, từng cảnh quay một. Mỗi người mỗi ý, mỗi người có cách nhìn nhận khác nhau. Nếu bắt được tần số thì rất dễ, không bắt được tần số, rất dễ chông chênh. Mệt lắm.
Huỳnh Thảo Trang, Đông Dương
Khóc hù hụ khi con gái đóng cảnh bị hiếp
Anh có kỷ niệm đặc biệt nào khi quay phim này?
Quay phim này nhiều kỷ niệm đặc biệt lắm. Cảnh Lượm đốt lửa ở cánh đồng do sơ sẩy, lửa cháy sang vườn chuối, vườn mía của người dân. Cả đoàn bê đồ chạy hết. Lấy cả mấy thùng nước uống ra dập lửa. Cũng may là kế bên có mương nước.
Trong tình huống đó, cái xe của thư ký trường quay còn khóa cổ, mở không được, anh em trong đoàn phải hú nhau khiêng xe chạy, la làng quá trời. May là không phải đền bù gì.
Rồi cảnh Mai Thu do Khánh Trinh (con gái Hoàng Mập – PV) bị hiếp. Tôi không dám ngồi coi mornitor. Hai lần quay cảnh đó, tôi khóc hù hụ cả hai vì mình chịu không được. Tôi phải đi chỗ khác. Tới cảnh Mai Thu ở viện vì sang chấn tâm lý cũng thế. Tôi cũng khóc.
Tôi bị nghẹn. Mai Thu là cô gái rất trong sáng, hồn nhiên và tốt bụng. Mối thù của dòng họ không dính dáng gì tới con bé nhưng nó lại trở thành nạn nhân. Nếu người khác đóng, có thể tôi không khóc nhưng vẫn nghẹn.
Giống như phim Dương thế bao la sầu, Quỳnh Lam đóng cảnh bị hiếp. Tôi chịu không nổi. Phim đó, Quỳnh Lam khóc nhiều tới chảy máu mũi. Tôi sợ Quỳnh Lam chết phải cho cả đoàn nghỉ sớm, không quay tối nữa. Mình xót thôi.
Anh đánh giá như thế nào về diễn xuất của con gái Khánh Trinh trong phim này?
Tôi không dám nói Khánh Trinh diễn hay, xuất sắc nhưng con bé bắt nhịp được, tôi yên tâm là nó không bị chê. Hồi Khánh Trinh đóng "Nhà ông Hoàng có vàng", tôi sợ lắm, sợ người ta chê nó. Tôi sợ nó không làm tròn vai vì mọi người biết, tôi giữ hãng phim Hoàng Thần Tài là vì con gái.
Khánh Trinh đóng phim xưa mà tâm lý lúc nào cũng chống đối với chính số phận của nó ở trong phim. Nó luôn nghĩ, "cực quá, chịu không được thì bỏ đi, mắc mớ gì phải chịu bị hành hạ hoài". Nhưng tới vai này thì khác.
Vai diễn của Khánh Trinh lần này cũng làm Hoàng Mập hài lòng
Dù vậy, thời gian đầu Khánh Trinh đóng phim, anh rất lo cô bé bị chê.
Mọi người cứ thắc mắc là tại sao không giữ nhà cửa mà giữ hãng phim làm gì. Nhưng mình có giữ nhà thì mai mốt cũng cho con.
Trong khi tuổi xuân của con có nhiêu đâu. Mình giữ hãng phim, con mình được đóng phim, được vui với những gì nó đang vui. Mình vui thì làm thôi. Chừng nào hết vui thì ngưng. Mà một năm, tôi cũng chỉ làm 1, 2 phim chứ không làm nhiều. Vui được rồi. Mình để tiền, để nhà cho con, sau này nó lấy chồng, liệu nó có vui không.
Vợ chồng tôi quan niệm ngộ lắm. Bà Dung (vợ Hoàng Mập – PV) hay nói: cứ cho nó đi chơi đi, nó ngoan thì đi đâu cũng ngoan, nó hư thì giữ trong nhà vẫn hư. Cháu ngoại là cháu mình. Nó có bầu thì mình nuôi. Không chồng cũng được.
Còn tôi ưa nói với con, sau này lấy chồng, chỉ cần chồng táng một bạt tai là về nhà liền. Đàn ông đã đánh được một lần là nó đánh suốt đời. Không bao giờ cho nó đánh. Có gì thì từ từ nói chuyện, không nói chuyện được thì chia tay. Con tôi, tôi còn không đánh mà rể đánh là chết với tôi.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Cao Thanh Hương