(Tổ Quốc) - Họa sỹ Trần Hòa Bình, ở thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, được nhiều người biết đến là tác giả vẽ gần 1 nghìn bức chân dung Bác Hồ.
16 tuổi có bức tranh về Bác đầu tiên
Chúng tôi đến thăm phòng vẽ của họa sĩ Hòa Bình nằm mặt phố Phát Diệm, vào ngày cuối năm, lúc này ông đang say sưa hoàn thiện những tác phẩm để giao cho khách hàng.
Trong căn phòng nhỏ xinh, rất nhiều bức dung Bác Hồ đã hoàn thiện đang được đặt trang nghiêm trên kệ.
Họa sỹ Trần Hòa Bình chia sẻ niềm tự hào về những bức tranh Bác Hồ
Tâm sự về sự thành công với hơn 700 bức ảnh chân dung về Bác đã được nhiều đơn vị tổ chức, cá nhân đặt mua, họa sĩ Hòa Bình cho hay, cố họa sĩ Nam Phong – cha của ông chính là người đã truyền cảm hứng, đam mê và chỉ dạy cho ông tỉ mỉ từng nét vẽ đầu tiên.
Theo ông, ngay từ nhỏ đã được chứng kiến hàng nghìn bức tranh về Đạo của cha, ông luôn có ấn tượng rất sâu sắc và kỳ lạ đối với những bức tranh truyền thần về Bác mà cha đã vẽ.
"Nhưng tôi nhớ nhất những lời mà bố nói rằng, vẽ tranh về Bác không đơn giản là đẹp hay xấu, giống hay không mà quan trọng là cái thần, là cảm xúc, là sự kính trọng của chính người vẽ dựa trên hình ảnh chân thực về Bác. Bố tôi dặn là phải vẽ thật vững những ảnh khác thì mới vẽ chân dung Bác", họa sỹ Hòa Bình chia sẻ.
Họa sĩ Hòa Bình chia sẻ thêm, sau rất nhiều lần "vẽ đi, vẽ lại" cho đến năm 1971 (lúc đó 16 tuổi) ông mới có bức tranh truyền thần đầu tiên về Bác, cha của ông rất khen ngợi.
Chính bức tranh đầu tiên của ông về Bác đã được đánh giá cao và đem lại cho ông giải thưởng hội họa của huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình lúc bấy giờ.
Tác phẩm đã được ông tặng UBND thị trấn Phát Diệm treo tại trụ sở. Đây cũng chính là động lực để họa sĩ Hòa Bình tiếp tục hành trình vẽ tranh truyền thần về Bác nhiều hơn.
Những tác phẩm tranh truyền thần được họa sĩ Hòa Bình vẽ chủ yếu trên chất liệu sơn dầu, khổ ảnh trung bình (68 x 88cm), với nhiều đề tài như Bác Hồ với thiếu nhi, Bác Hồ ngồi trên ghế sofa...
Trong đó, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi trên ghế sofa trong chuyến thăm và làm việc tại xứ sở Bạch Dương được họa sĩ Hòa Bình truyền thần nhiều nhất, với trên 700 bức tranh. Đây cũng là bức chân dung được nhiều người yêu thích.
Mặc dù vẽ số lượng khá lớn tranh về Bác, nhưng mỗi bức vẽ ông đều đầu tư tâm sức, trí tuệ, sự tỉ mỉ tới từng đường nét để có thể lột tả sinh động khí chất của vị lãnh tụ vĩ đại, với ánh mắt luôn lo nghĩ cho nhân dân, đất nước, mà vẫn giữ được vẻ giản dị và gần gũi.
Theo họa sĩ Hòa Bình, từ năm 2000 trở lại đây, mỗi năm số lượng người đặt ông vẽ chân dung Bác nhiều hơn, nhưng không phải vậy mà "chạy đua" với thời gian, mà đó là dành trọn tâm huyết cho một tác phẩm làm sao tạo độ sâu trong các bức vẽ, tạo phong cách riêng có, cũng như sức hút mạnh mẽ với người yêu tranh.
Nhiều năm qua, tranh truyền thần do họa sĩ Hòa Bình vẽ được trưng bày không chỉ trong tư gia, văn phòng trong nước, mà còn được trưng bày trong tư gia tại nước ngoài.
Thừa hưởng một di sản vô giá từ cha
Tâm sự thêm về người cha kính yêu của mình, họa sĩ công giáo sống tốt đời đẹp đạo cho hay, bức tranh "Đức mẹ Việt Nam" của cố họa sĩ Nam Phong được vẽ từ những năm 1953. Bức tranh nổi tiếng nhờ những nét vẽ với màu sắc và đường nét rất tinh sảo, đặc biệt là hình ảnh "Đức mẹ" trong bức tranh mang đậm nét của người phụ nữ Việt Nam.
Theo họa sĩ Hòa Bình, năm 1953 tại thị trấn Phát Diệm có tổ chức cuộc triển lãm tranh, các họa sĩ khắp mọi miền đến tham gia. Lúc đó họa sĩ Nam Phong không có ý định mang bức tranh mình mới vẽ ra triển lãm mà định chỉ để treo ở nhà làm kỉ niệm. Sau đó với ý nghĩ là mang bức tranh ra trưng bày để mọi người ngắm và góp ý. Nhưng không ngờ mọi ánh mắt đổ về bức tranh, kèm theo là những lời khen không ngớt về bức tranh.
Bức "Đức mẹ Việt Nam" của ông nổi tiếng từ đó. Biết tin, Đức Cha phụ trách giáo phận Phát Diệm lúc bấy giờ chuẩn bị sang Tòa thánh Vatican (Italia) đã ngỏ lời xin đưa bức tranh này để trưng bày. Được họa sĩ Nam Phong đồng ý ngay, bức "Đức Mẹ Việt Nam" sau đó được đưa sang Ý và được những họa sĩ nổi tiếng thế giới đánh giá rất cao bởi là bức tranh đặc biệt về Đức mẹ Maria nhưng lại mang đậm nét dân tộc Việt Nam.
"Kể từ lúc bức tranh của cha tôi treo bên đó là bức tranh nổi tiếng trên khắp thế giới, mọi người ai cũng muốn mua một bản in về làm kỉ niệm. Hơn một năm sau Đức Cha đưa tranh đi đã gửi lại cho bố tôi 2 vạn tiền Đông Dương tiền lãi in tranh và 100 bản in về cho cha tôi làm kỉ niệm", họa sĩ Hòa Bình tự hào kể lại.
Do chiến tranh nên bức tranh từ đó không có tin tức gì, cho mãi đến năm 1978 biết tin Đức hồng y Trịnh Văn Căn mới sang bên đó về. Họa sĩ Nam Phong bắt xe lên Hà Nội gặp hồng y Trịnh Văn Căn để hỏi về bức tranh và được người cho biết là bức tranh hiện đang được treo tại phòng tiếp khách của Đức Giáo Hoàng.
"Hồi đó cha tôi vui lắm và biết được bức tranh của mình đang được treo trong phòng tiếp khách của Đức Giáo Hoàng ông tự hào lắm. Do lúc đó bên đấy người ta không biết được tác gỉa của bức tranh nên số tiền nhuận bút đó được cho vào quỹ từ thiện. Cha tôi càng vui hơn dù sao mình cũng làm được việc có ích", anh Bình nói.
Chỉ biết thông tin về bức tranh như vậy và mãi đến đầu những năm 1990, một ngày tình cờ ông gặp Đức cha Bùi Chu Tạo, chủ giáo phận Phát Diệm lúc bấy giờ sắp có chuyến sang Vatican công tác. Họa sĩ Nam Phong đã viết một lá thư gửi cho những người đang lưu giữ bức tranh với mong muốn được biết tin về "đứa con" thất lạc của mình.
"Không lâu sau đó, Đức cha Tạo báo về, bức tranh "Đức mẹ Việt Nam" của bố tôi hiện vẫn trưng bày tại thành Rome và được bảo quản rất cẩn thận. Năm 1994, trước khi qua đời bố tôi đã đồng ý bán bức tranh lại cho bảo tàng với giá 5.000 USD. Đây điều mà gia đình tôi rất tự hào nhất", anh Bình vui vẻ chia sẻ.
Một trong những điều khiến ông cảm thấy may mắn và hạnh phúc là ba người con của ông (2 trai, 1 gái) đều nối nghiệp ông cha. Các con ông cũng là những họa sĩ chuyên vẽ tranh truyền thần tại Hà Nội, trong đó có nhiều bức tranh về Bác như một cách gìn giữ nét đẹp truyền thống của gia đình.
Thêm một vinh dự lớn đối với họa sĩ Hòa Bình, mới đây Tòa giám mục Phát Diệm thuê nghệ nhân tạc tượng theo bức ảnh Đức mẹ Việt Nam của họa sĩ Nam Phong. Bức tượng này hiện nay đang được đặt tại trung tâm của công trình mới đưa vào sử dụng.
Minh Ngọc