(Tổ Quốc) - Công việc kinh doanh bị đình trệ, mỗi tháng mất tới 4-5 tỷ vì dịch bệnh, nhưng thời điểm mà Hoa hậu Thu Hoài cảm thấy khó khăn, áp lực nhất, lại chính là lúc mọi thứ khởi động lại hậu đại dịch Covid-19.
Từng tay trắng lập nghiệp ở Đài Loan, ly hôn với chồng cũ rồi để mất tất cả. Hoa hậu Thu Hoài đã hơn một lần khởi nghiệp từ đôi bàn tay trắng. Trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống như vậy, nhưng chị vẫn phải thừa nhận, Covid-19 là lần đầu tiên trong đời, chị cảm thấy mình bất lực…
Nhiều người cũng đã biết, những ngành dịch vụ không thiết yếu là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt dịch Covid-19 vừa qua. Đối với chị, công việc kinh doanh đã bị ảnh hưởng như thế nào?
HH Thu Hoài: Như các bạn cũng đã thấy, thẩm mỹ viện là nơi phải tạm ngưng hoạt động đầu tiên, và được cấp phép hoạt động trở lại gần như sau cùng. Quãng thời gian ngưng hoạt động dài hơn phần lớn phần lớn các ngành nghề, dịch vụ khác đã đem tới cho chúng tôi quá nhiều khó khăn. Mỗi tháng, tôi sẽ mất chừng 4-5 tỷ đồng nếu như công việc kinh doanh bị đình trệ như thời gian vừa qua.
Rất nhiều kế hoạch, dự án mới đã phải gác lại. Ví dụ như việc đưa công nghệ làm đẹp mới về nước, các chiến lược kinh doanh, hay thậm chí, các kế hoạch có liên quan tới giải trí, truyền thông… cũng đều phải dừng lại.
Nói chung, đã có một khoảng thời gian dài, tôi chỉ có thể xem phim và nấu ăn, thay vì làm việc! Nhưng tôi cũng hiểu, đây là điều cần thiết phải làm giữa lúc dịch bệnh bùng lên.
Những ngày mà chị chỉ có thể ngồi nhà xem phim, nấu ăn thay vì làm việc, hẳn là chị đã cảm thấy rất bức bối, áp lực?
HH Thu Hoài: Thực ra, trong đợt dịch vừa qua, tôi đã trải qua tới 3 giai đoạn, với tâm lý, cảm xúc rất khác nhau.
Thời điểm đầu tiên, khi ngành làm đẹp phải tạm ngưng hoạt động, tôi đã tự động viên mình rằng, đây là kỳ nghỉ hiếm hoi, tôi có thể xả hơi đôi chút và thực hiện những điều mình mong muốn.
Nhưng rất nhanh chóng, tôi không còn giữ được tâm lý thoải mái đó nữa khi dịch bệnh tiếp tục kéo dài và nghiêm trọng hơn. Tôi lo lắng và dần cảm thấy hoang mang, có lúc còn thấy mình yếu đuối, bất lực.
May mắn, tôi có một thói quen tốt: luôn dự phòng trước mọi tình huống có thể xảy ra. Nhờ tinh thần ấy, tôi nhanh chóng chuyển sang giai đoạn 3, dành thời gian lên kế hoạch chi tiết cho những tình huống tệ hại nhất có thể xảy ra. Lúc đó, tôi cảm thấy mình đã sẵn sàng đối mặt với những thử thách, bất kể chúng là gì!
Và thử thách, khó khăn lớn nhất mà chị phải đối mặt là gì vậy?
HH Thu Hoài: Thử thách khó nhất trong đợt dịch này, nghe hơi khó tin, nhưng lại chính là lúc hoạt động kinh doanh khởi động trở lại.
Hậu đại dich Covid-19, hoạt động trở lại có nghĩa rằng bạn sẽ buộc phải sòng phẳng trong mọi thứ, từ tiền thuê nhà, phí mặt bằng, thu nhập của nhân viên... Trong khi đó, cuộc sống chưa thể nào phục hồi như cũ, thói quen của khách hàng cũng không thể một sớm một chiều quay lại như xưa.
Rồi chị đã vượt qua khó khăn hậu đại dịch Covid-19 này như thế nào?
HH Thu Hoài: Như tôi vừa nói, là chúng tôi đã lên kế hoạch đối mặt với những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Thậm chí nếu phá sản, tôi sẽ phải bắt đầu lại tất cả như thế nào! Cùng với đó, tôi cũng lên kế hoạch cắt giảm những khoản chi không cần thiết, tập trung tiền bạc để giải quyết công việc và dự phòng cho những khó khăn sắp tới.
Nhiều doanh nghiệp trong đợt dịch vừa qua chọn cách cắt giảm nhân sự, giảm lương nhân viên… Còn cách của chị là gì khi đối diện với việc quản trị nhân sự lúc khó khăn?
HH Thu Hoài: Tôi triệu tập cuộc họp cùng tất cả nhân viên, chia sẻ với họ những khó khăn mà công ty đang phải đối mặt, muốn họ cùng tôi tìm kiếm con đường chính xác nhất. Tất cả nhân viên đều tình nguyện cắt giảm tiền lương. Nhưng cuối cùng, tôi đã quyết định chỉ cắt giảm lương của những nhân sự cấp cao - những người vốn có thu nhập tốt và hưởng nhiều ưu đãi tại vị trí của mình. Riêng về những nhân sự cấp thấp, tôi vẫn giữ nguyên lương cho họ để họ có thể trang trải cuộc sống trong mùa dịch bệnh.
Tôi tự hào rằng trong thời điểm khó khăn nhất, tôi vẫn có thể bảo đảm cuộc sống cho những nhân viên đang làm việc cho mình. Không một nhân sự nào của công ty phải ra đi vì lý do dịch bệnh hay đóng cửa.
Tự hào vì không bỏ lại nhân sự nào phía sau trong lúc khó khăn, luôn có kế hoạch sẵn sàng đối mặt với tình huống xấu nhất… Vậy đã có việc nào trong đợt dịch vừa qua mà chị không làm được, khiến chị từng cảm thấy bất lực, yếu đuối?
HH Thu Hoài: Với tôi thì thời điểm tôi thấy mình yếu đuối nhất không phải là chuyện công ty gặp khó khăn, mà chính là lúc tôi và con gái phải ở cách xa nhau nửa vòng trái đất.
Dịch bệnh bùng nổ tại Mỹ, các cha mẹ đều cố hết sức đưa con về Việt Nam. Nhưng con gái tôi lại chọn ở lại, sau khi cân nhắc rất nhiều. Tôi biết con bé không muốn mang thêm phiền phức tới cho gia đình, cho xã hội, nhưng tôi vẫn bị rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng hơn mọi lúc.
Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình bất lực như thế, khi chỉ có thể nhìn con qua video và động viên con bằng lời nói. Tiền bạc tôi có thể kiếm lại được, nhưng con cái thì không.
Chị vừa nói mình đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, có thể là doanh nghiệp phải phá sản. Vậy lúc đó, với đôi bàn tay trắng, chị nghĩ mình sẽ bắt đầu lại như thế nào?
HH Thu Hoài: Tôi luôn có một suy nghĩ thường trực trong đầu: Miễn là còn động lực và sự nỗ lực, mình sẽ gây dựng lại được tất cả. Thậm chí tôi còn nghĩ, mình vẫn có thể khởi nghiệp lại khi 50, 60 hoặc 70 tuổi. Đó không phải vấn đề lớn. Điều quan trọng nhất là bạn có dám buông bỏ và bắt tay làm lại từ đầu?
Tôi thì luôn sẵn sàng. Tôi có thể bán căn nhà tiện nghi, chuyển sang sống ở một phòng trọ nhỏ thiếu thốn để lấy vốn kinh doanh. Tôi có thể bắt tay vào buôn bán từng món đồ thu vài ngàn tiền lãi, nếu như cuộc sống đòi hỏi vậy.
Nhưng đó là dự trù cho những tình huống xấu nhất. Còn lại thì tôi không bao giờ để mình rơi vào hoàn cảnh tồi tệ như thế. Ít nhất, tôi vẫn sẽ giữ lại được cho mình cuộc sống không thiếu thốn, nhờ quá trình chuẩn bị suốt nhiều năm.
Điều gì đã giúp chị có được tinh thần lạc quan và tính thích nghi với hoàn cảnh cao như thế?
HH Thu Hoài: Tôi nghĩ là vì hoàn cảnh sống từ khi còn nhỏ. Tôi sinh ra trong gia đình giàu có, những những bước ngoặt trong cuộc sống đã đưa tôi tới những hoàn cảnh sống khác nhau. Từ nhà lầu tới nhà hẻm, từ nhung lụa tới xóm nghèo, từ đủ đầy tới thiếu thốn.
Tất cả những điều đó đã cho tôi khả năng thích nghi, con mắt nhìn đời thực tế và khát vọng thoát nghèo từ khi còn rất nhỏ. Ngay khi còn là một đứa trẻ, tôi đã tập cho mình tính cách biết lo xa, tính toán cho cuộc sống. Tôi không muốn mình bị động trong bất cứ chuyện gì, dù nhỏ nhất!
24-25 tuổi, đổ vỡ hôn nhân ở Đài Loan, không giành lại được tài sản, trở về nước gây dựng lại sự nghiệp, nhưng rồi cuộc hôn nhân thứ 2 cũng đổ vỡ. Chị nghĩ vì sao một người lạc quan, có khả năng thích nghi và biết lo xa như chị vẫn thường gặp phải nhiều trắc trở?
HH Thu Hoài: Tôi nghĩ chắc một phần vì mình dễ tin người. Nhưng dù nhận ra điều đó thì tôi vẫn sẽ tin tưởng, hết lòng, vẫn sẽ đối xử như gia đình đối với những người tôi yêu quý. Dù nhận lại rất nhiều chua chát, nhưng những đổ vỡ đã qua không phải lý do tôi bắt mình sống khác đi.
Chỉ là dần dần, tôi học được cách sẽ chọn lựa kĩ hơn. Tôi muốn những điều mình cho đi phải thật xứng đáng, chứ không phải vô ích và nhận lại toàn là hậu quả. "Tử tế không bao giờ là điều đơn giản" - đó là câu tôi vẫn để trên facebook của mình, như một cách nhắc nhở bản thân hãy sống tử tế với những người xứng đáng!
Từ nghèo khó, khi đã trở thành người phụ nữ độc lập, có thể sống theo cách mình muốn thì chị thấy cuộc sống của mình thay đổi như thế nào?
HH Thu Hoài: Khi có tiền thì rất nhiều thứ trước kia chỉ là ao ước như một bộ đồ đẹp, thỏi son cho tới những chuyến du lịch… đã được tôi hiện thực hóa. Tôi cảm thấy, mình có quyền hưởng thụ những gì mình muốn, từ nguồn thu nhập mình tự tay kiếm được. Đó cũng là niềm vui.
Nhưng tất cả điều này không khiến tôi vui bằng việc có thể giúp đỡ nhiều người khác, giúp thay đổi cuộc sống của họ bằng sự hỗ trợ của mình. Tôi có thể đưa ra lời khuyên, bài học, giúp đỡ họ bằng vật chất - những điều mà trước đây tôi không thể nào thực hiện.
Nhìn lại thì tôi nghĩ, sau nhiều biến cố, từ lúc tay trắng, có tiền rồi lại trắng tay, rồi lại có tiền thì tôi vẫn luôn là tôi. Giàu hay nghèo, tôi vẫn làm việc hết sức mình và chưa bao giờ cho phép mình ngơi nghỉ.
Giàu có hơn nữa thì tôi vẫn chỉ ăn 2 bữa cơm mỗi ngày, ngủ 6 tiếng và làm việc suốt tuần. Tôi vẫn đối xử với mọi người theo đúng tính cách của mình, vẫn duy trì rất nhiều thói quen cố hữu trong cuộc sống.
Trương Thu Hường