(Tổ Quốc) - 1 tuần đi làm sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán, anh P đã tốn tới 7 triệu đồng chỉ để mua que test vì bạn bè xung quanh liên tiếp là F0.
Sau dịp Tết Nguyên đán nghỉ dài ngày với số lượng ca mắc Covid tăng lên đáng kể tại Hà Nội thì câu chuyện "nổ F" chắc chắn là đề tài hot nhất thời điểm này ở mọi gia đình, mọi chốn công sở và mọi group chat. Người nhiễm covid cũng khổ mà người tiếp xúc với bệnh nhân mắc covid cũng "lận đận" không kém trong việc phải đương đầu với việc mua que test nhanh liên tục.
Anh P, nhân viên văn phòng đang làm việc tại một công ty truyền thông tại Hà Nội cho biết chỉ sau 1 tuần đi làm sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán đã phải chi tới 7 triệu đồng để mua que test.
Tổng cộng anh P đã mua hết 4 box que test nhanh cho bản thân, ngoài ra còn mua thêm cả cho người thân và bạn bè của mình ship đi nữa. Giá một que test đắt nhất anh mua tới 165k/chiếc. "Số tiền này mình để dành dụm với mục đích khác, nhưng vì phát sinh chuyện chi tiêu này là hỏng hết kế hoạch", anh P cho hay.
Cũng đồng cảnh ngộ với anh Phúc, chị Mai (sống tại Hà Nội) cũng không muốn nhắc đến chuyện chi phí của mình khi trở thành F1 vì quá "xót tiền". "Mình là người không đổ tiền nhiều vào que test, chỉ mua chưa tới 1 hộp thôi, giá là 90k/que, tức hơn 500k. Nhưng mình tốn thêm tiền mua máy đo spo2 giá 1 triệu đồng, máy đo thân nhiệt giá 500k. Còn như nhà bạn mình đông người kể lại thì phải dùng đến 40 que rồi, giá mua cũng gần 2 triệu. Nói chung là rất tốn kém".
Có con trai mới trở lại đi học bình thường sau Tết đã bị mắc covid, chị Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) thuộc diện F1 do có tiếp xúc với con trai cũng cho biết, từ khi biết tin chị đã mua tới gần chục que test chỉ trong vòng 2 ngày. Giá ban đầu mua là 65k/chiếc, sau đó đắt hơn thì 80k/chiếc. Chỉ trong vòng 2 ngày đã tốn tới hơn 500k tiền que test cho rồi. Chị Khánh còn đang tiếp tục đặt mua thêm 1 hộp que test mới để khi hết có thể kịp thời sử dụng luôn.
Còn với chị Linh (nhân viên công sở tại Hà Nội) sau khi tiếp xúc gần với 6 F0 cũng đã ngay lập tức phải cách ly tại nhà. Chị Linh cho biết, mình đặt mua combo 20 chiếc que test một lần để sử dụng. Mua số lượng nhiều nên giá là 65k/chiếc. Tổng cộng chị đã chi tới 1,3 triệu cho việc mua que test chỉ sau Tết Nguyên đán.
Đồng cảnh ngộ, rất nhiều gia đình hiện nay đang dự trữ cho mình ít nhất là 10-20 kit test để "sẵn là dùng luôn", ai cũng tâm lý dự phòng bản thân trở thành đối tượng mắc bệnh tiếp theo, cũng như để sử dụng sau thời gian gia đình khỏi bệnh để tiếp tục đi làm, đi học. Bởi, bất cứ cơ quan, hay trường học nào cũng yêu cầu có xét nghiệm âm tính trước khi quay trở lại.
Có thể thấy, sau Tết việc mua sắm tốn kém nhất của nhiều gia đình và người dân chính là que test covid vì tiếp xúc với nhiều ca F0. Chị Thu Hằng, chủ một nhà thuốc ở Hà Đông cho biết: "Từ sau Tết, nhu cầu tầm soát COVID-19 của người dân có xu hướng tăng cao hơn. Nguyên nhân do dịp Tết Nguyên đán người dân đi lại, tiếp xúc nhiều. Mỗi ngày cửa hàng bán được khoảng 20 - 50 kit test nhanh. Hiện tại, cửa hàng đang bán loại test SARS-CoV-2 Rapid Antigen Test của Hàn Quốc với giá 70.000 đồng/kit".
Khảo sát tại các cửa hàng thuốc khu vực Thanh Xuân, Đống Đa, giá kit test ở hiệu thuốc dao động 80.000 - 250.000 đồng/kit tuỳ chủng loại, nhãn mác. Ví dụ Realy Tech (Trung Quốc) giá 130.000 đồng/kit; LongSee (Đức) giá 110.000 đồng/kit; Realy Tech (Trung Quốc) giá 130.000 đồng/kit; Mr Sanicom (Đức) giá 120.000 - 150.000 đồng/kit; PCL Spit (Hàn Quốc) giá 265.000 đồng/kit...
Không chỉ các cửa hàng thuốc, mặt hàng kit test nhanh COVID-19 cũng đang được mua bán sôi động trên các trang thương mại điện tử, nhóm rao vặt.
Tuy nhiên khi mua que test nhanh bạn cũng cần quan tâm và chú ý một số vấn đề sau đây:
- Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên mua các bộ test nhanh được rao bán trên mạng, không có tên trong danh mục được Bộ Y tế cấp phép.
- Trên thị trường có nhiều loại test nhanh đang bán có độ nhạy thấp, kết quả không chính xác.
- Người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin như: Thông tin về chủ sở hữu website (Tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế …), thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vẫn chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.
- Người dùng nếu mua online: Chỉ mua sản phẩm Kit test Covid -19 ở các đơn vị là các cửa hàng thuốc có uy tín, đã được cấp phép và các mặt hàng nằm trong danh mục Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành.
- Nếu mua hàng qua các mạng xã hội, cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng, các đơn vị là các cửa hàng thuốc được cấp phép và các mặt hàng nằm trong danh mục được phép lưu hành, tuyệt đối không nên mua ở những fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn (inbox), chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể.
Ảnh: Internet
Hồng Nhung