(Tổ Quốc) - Một bát chè nếp cẩm nóng ấm với sắc tím hồng đẹp mắt, vị thơm ngọt của sữa cốt dừa quyện vào từng hạt gạo dẻo thơm pha lẫn vị bùi của khoai môn quả thực hấp dẫn cả thị giác lẫn vị giác.
Nguyên liệu để nấu chè nếp cẩm khoai môn
180g gạo nếp cẩm
1 lít nước lọc
200g khoai môn
10g đường nâu
80g đường phèn
Một ít muối
250ml nước cốt dừa (sữa dừa)
80ml sữa đặc có đường
Nếp cẩm là loại lương thực quen thuộc được chế biến thành nhiều món xôi, chè khác nhau. Nếp cẩm có vị ngọt, tính ấm giúp chữa suy nhược cơ thể, ra mồ hôi trộm, tiêu chảy… Trong 100g xôi nếp cẩm chỉ chứa khoảng 85 calo, đây là lượng calo không cao.
Theo nhiều nghiên cứu, ăn gạo nếp cẩm có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ngăn chặn các cơn đau tim đột quỵ. Dinh dưỡng trong gạo nếp cẩm giúp đảm bảo ổn định năng lượng cho cơ thể, giảm cảm giác thèm ăn, từ đó giúp giảm cân hiệu quả. Ngoài ra, lớp màng đen bên ngoài hạt nếp cẩm chứa nhiều vitamin E, C rất tốt để cấp ẩm và phục hồi làn da. Bên cạnh đó, các khoáng chất như canxi, phốt pho, kẽm, sắt… có trong gạo cũng rất tốt để phục hồi sức khỏe phụ nữ sau sinh.
Cách nấu chè nếp cẩm khoai môn
Gạo vo thật sạch sau đó cho vào bát, thêm 1 lít nước lọc vào ngâm khoảng 30 phút cho hạt gạo nở ra.
Khoai môn gọt bỏ vỏ, rửa sạch sau đó thái khối nhỏ. Hấp khoai môn ở lửa vừa trong khoảng 15 phút. Lấy khoai môn ra bát, thêm đường nâu vào xóc đều khi khoai còn nóng để khoai ngấm đường (chỉ hấp khoai chín tới, không hấp chín kỹ vì sẽ làm khoai bở nát).
Đổ nước ngâm gạo nếp vào nồi đun sôi ở lửa lớn, khi nước sôi thì đổ gạo nếp cẩm vào và đun sôi trở lại. Sau đó hạ nhỏ lửa, đậy nắp nồi và nấu trong khoảng 40 phút.
Mở vung, cho đường phèn và chút muối vào khuấy đều rồi tắt bếp. Đậy nắp nồi chè để om trong khoảng 20 phút.
Sau 20 phút thì cho nước cốt dừa, sữa đặc, khoai môn vào khuấy đều sau đó bật bếp và đun ở lửa nhỏ cho đến khi nóng ấm (hoặc chè sôi hơi sủi tăm, không đun sôi) là được.
Ngày nay, mỗi khi đi chợ các chị em nội trợ đều có thể bắt gặp khoai môn được bày bán quanh năm. Tuy nhiên, củ khoai môn tươi ngon và có chất lượng nhất vẫn là vào mùa thu đông vì đây là mùa thu hoạch chính. Củ khoai sẽ bở, thơm và có vị ngọt đậm hơn.
Khi chọn khoai môn, nên chọn những củ có kích thước vừa phải (không quá to cũng không quá nhỏ), cầm củ khoai thấy nặng tay, củ căng cứng không bị móp mềm do thối bên trong. Không chọn củ khoai bị sứt mẻ hay có dấu hiệu của nấm mốc.
Thành phẩm
Vào những ngày thời tiết lạnh hanh khô của mùa đông, mọi người sẽ có xu hướng ăn những món ăn nóng ấm, giúp làm ấm cơ thể. Một trong số những món ăn đó làm sao không kể đến món chè nếp cẩm khoai môn sữa dừa này nhỉ? Món chè có vị ngọt vừa, nếp cẩm dẻo ngon, khoai môn bùi bùi lại thêm vị béo ngậy thơm nức của cốt dừa. Chỉ cần nghĩ thôi là đã có thể cảm nhận được vị ngon của món chè này rồi.
Chúc bạn nấu được món chè nếp cẩm khoai môn sữa dừa thật ngon nhé!
Lưu ý:
- Khi gọt vỏ và rửa khoai môn, bạn nên đeo găng tay vào, nếu không thì có thể bạn sẽ bị ngứa tay đấy.
- Thời gian nấu món chè này vào khoảng 1.5 tiếng, nên món ăn này thích hợp nấu vào những ngày cuối tuần, gia đình sum họp rồi cùng thưởng thức những bát chè ấm áp.
P. Liên