(Tổ Quốc) - Bé gái nặng 480gram chào đời ở tuần thai thứ 26 tại Bệnh viện Sản nhi Vĩnh Phúc là một "phép nhiệm màu" sau 10 năm chờ đợi của một cặp vợ chồng hiếm muộn.
Bé được đặt tên là "Ốc" cân nặng cực thấp 480g (cân nặng nhỏ nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại). Bé Ốc chính là "phép nhiệm màu" của một cặp vợ chồng hiếm muộn 10 năm.
Hành trình gian nan của bố mẹ “bé Ốc” và những quyết định "cân não" của các bác sĩ
Bố mẹ “bé Ốc” hiếm muộn 10 năm, sau đó làm thụ tinh nhân tạo (IVF) được 2 thai. Khi thai được 18 tuần tuổi thì có dấu hiệu rỉ ối. Mẹ bé Ốc nhập viện tại khoa Sản Bệnh – Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc ngày 01/07/2020 với chẩn đoán song thai 20 tuần IVF/rỉ ối dọa sảy/khâu vòng cổ tử cung.
Được điều trị và chăm sóc tại khoa Sản bệnh đến ngày 31/7/2020, mẹ bé Ốc có dấu hiệu chuyển dạ, ối vỡ sớm nên sinh non 01 thai. Bé sơ sinh đã không có cơ hội sống vì quá non - mới 24 tuần tuổi thai.
Do hai thai là hai buồng ối, hai bánh rau nên sau khi một thai mất, các bác sĩ đã phải có quyết định cân não phải làm sao để giữ cho thai nhi còn lại khỏe mạnh. Và quyết định kẹp dây rốn thai mất rồi và tiếp tục điều trị theo dõi giữ thai còn lại đã được thực hiện. Thấu hiểu được mong mỏi của gia đình hiếm muộn 10 năm nên các thầy thuốc bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc luôn cố gắng theo dõi sát, điều trị điều chỉnh thuốc từng ngày, từng giờ, hội chẩn kịp thời với hy vọng sẽ có kỳ tích xuất hiện, hy vọng mầm sống sẽ phát triển đáp lại điều tha thiết kỳ vọng của cha mẹ.
Bs.Tô Văn An – Trưởng khoa Sản bệnh đã xin ý kiến trước Hội nghị giao ban toàn viện về trường hợp này. Trực tiếp chủ trì và chỉ đạo là Ths.BSCKII. Đỗ Trọng Cán - Giám đốc bệnh viện, cũng là bác sĩ chuyên ngành sản phụ khoa. Với nhiều năm kinh nghiệm, các bác sĩ đã đánh giá những nguy cơ lớn có thể diễn ra với sản phụ bao gồm: Nhiễm trùng tử cung có thể phải cắt tử cung, khi đó người mẹ sẽ không còn cơ hội mang thai được nữa, nguy cơ thai chết lưu, nguy cơ đẻ non.
Nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này cố gắng duy trì thai còn lại trong bụng mẹ thêm được càng nhiều thời gian càng tốt.
Do đó, phác đồ điều trị cho mẹ bé là nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường, phối hợp các loại thuốc giảm co (có những loại thuốc rất đắt tiền), thuốc nội tiết liều cao, sử dụng kháng sinh liều cao để chống nhiễm trùng, sử dụng magne sulfat để vệ tế bào thần kinh cho thai nhi, sử dụng thuốc trưởng thành phổi.
Đến ngày 20/8/2020, mẹ bé có biểu hiện rỉ ối dẫn đến cạn ối. Một cuộc hội chẩn giữa Ban giám đốc và liên khoa lập tức được diễn ra. Các bác sĩ quyết định mổ lấy thai cho bệnh nhân ngay trong ngày và "bé Ốc" đã chào đời.
Hành trình sống kỳ diệu của “bé Ốc” cân nặng nhỏ nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại
Chào đời ở tuần tuổi 26 với cân nặng cực thấp 480gram, bé Ốc đã được các bác sĩ sơ sinh chuyển ngay lên khu đặc biệt của khoa Sơ sinh trong tình trạng rất yếu ớt, phản xạ yếu, trương lực cơ yếu, hơi thở thoi thóp, tím tái toàn thân.
Ngay lập tức bé được điều trị cấp cứu: Nằm lồng ấp, hỗ trợ thở máy, bơm surfactant, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch, kháng sinh, điều trị rối loạn nước điện giải, thăng bằng kiềm toan, điều trị rối loạn đông máu.
Sơ sinh càng non tháng, càng nhẹ cân thì nguy cơ về bệnh tật và biến chứng càng cao. Điều này đồng nghĩa với trách nhiệm của các thầy thuốc càng nặng nề hơn. Sự phát triển của trẻ sinh non tháng phụ thuộc rất nhiều vào sự chăm sóc, nuôi dưỡng và môi trường xung quanh.
Bất kỳ người mẹ nào khi mang thai cũng đều mong muốn được vuông tròn hạnh phúc, đón thiên thần của mình khoẻ mạnh, đủ ngày, đủ tháng. Nhưng có những em bé rất đặc biệt, chào đời sớm hơn dự kiến rất nhiều tuần, nhiều ngày phải nuôi dưỡng trong lồng kính, từng phút, từng giờ chênh vênh giữa mong manh hai bờ sinh – tử.
Với bé sơ sinh non tháng như bé Ốc nguy cơ xuất huyết não, viêm ruột hoại tử, suy hô hấp, chậm tiêu dịch phổi, xuất huyết phổi, viêm phổi, nhiễm khuẩn sơ sinh, sốc nhiễm trùng… xảy ra rất dễ.
Nhưng, dường như với bé Ốc đã xuất hiện “phép nhiệm màu” đó là sự phát triển của khoa học y học hiện đại trong chăm sóc trẻ sơ sinh, là trí tuệ và sự tận tâm, tận lực của các thầy thuốc, là tình yêu và hy vọng của những người yêu thương nên bé đã nghe thấy và cảm nhận được tất cả điều mà những người yêu thương bé nhắn gửi cho mình: Sống cuộc sống tươi đẹp cả của chị gái song thai, cha mẹ đang mong chờ từng ngày được ẵm con trong vòng tay yêu thương, niềm hy vọng về sự sống của các thầy thuốc bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc và bệnh viện Nhi Trung Ương.
Bé Ốc đã dũng cảm vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, vượt qua được tất cả những nguy hiểm xảy ra với bé sơ sinh cực non tháng cân nặng cực thấp để rồi cai máy thở sớm, phản xạ nhanh dần, cai thở oxy, tự thở, ăn được từng ml sữa, phản xạ bú mút có, ghép mẹ, bú mẹ và rồi được xuất viện ngày 04/11/2020 trong niềm hạnh phúc vỡ òa của gia đình hiếm muộn, của những y bác sĩ đã ngày đêm giúp bé “chiến đấu” với thần chết - đây thực sự là một món quà không thể nào lớn hơn.
Hiện tại, bé Ốc khỏe mạnh, nhanh nhẹn, bú sữa mẹ tốt, cân nặng 2100g, tính đến thời điểm hiện tại thì bé mới được 39 tuần.
Bé Ốc là một trong những bé sơ sinh cực non tháng với cân nặng cực thấp được sinh ra tại Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc, sau khi điều trị cấp cứu đủ điều kiện chuyển về bệnh viện Nhi Trung Ương.
Với sự phát triển của khoa học hiện đại, sự hỗ trợ và phối hợp của bệnh viện tuyến Trung ương với bệnh viện vệ tinh không chỉ gieo mầm sống cho các sơ sinh nhỏ bé mà còn đem đến niềm hạnh phúc vô bờ với các ông bố bà mẹ, nhất là những gia đình hiếm muộn.
Minh Ngọc