(Tổ Quốc) - Sau 16 năm trở thành người ghép gan đầu tiên của Việt Nam, cô bé Diệp ngày ấy đã giã từ cuộc sống vì xơ gan quá nặng khi chờ cơ hội ghép lần 2. Thông tin về sự ra đi của cô gái 25 tuổi đã khiến nhiều người xót xa.
"Nếu được ghép gan lần 2, em sẽ có cơ hội được tiếp tục sống trên cuộc đời này"
16 năm sau cuộc phẫu thuật ghép gan đầu tiên, cô gái Nguyễn Thị Diệp (25 tuổi) - trường hợp ghép gan đầu tiên ở Việt Nam trút hơi thở cuối cùng ở quê nhà Nam Định. Mong mỏi được ghép gan lần 2 của Diệp đã không thể thành hiện thực.
Đồng thời, tài khoản Facebook Nguyễn Diệp phủ một màu đen. Tên thay thế của tài khoản này cũng được ghi "tưởng nhớ", khiến không ít người bàng hoàng vì sự ra đi của cô gái trẻ.
Nguyễn Thị Diệp và bố sau ca ghép gan cách đây gần 17 năm.
Hơn 1 tháng từ khi nằm điều trị tại BV Quân y 103, Diệp đã có cuộc gặp gỡ ngắn với PV Báo Giao thông. Lúc đó, em rất yếu sau một thời gian dài phát hiện ra mình sơ hóa toàn bộ gan. Hi vọng kéo dài sự sống của Diệp chỉ trông chờ vào cơ hội được ghép gan lần 2.
Trong suốt câu chuyện không đầu không cuối, Diệp luôn thở dài với câu hỏi: "Vì sao ông trời không cho em cuộc sống khỏe mạnh, từ nhỏ đến giờ vẫn luôn chỉ đau yếu suốt". Ngày ấy, Diệp bảo: "Nếu được ghép gan lần 2, em sẽ có cơ hội được tiếp tục sống trên cuộc đời này".
Gương mặt tái vàng, đôi mắt thật buồn cứ sụp xuống vì mệt, nhưng ánh mắt của Diệp thoáng vui khi nghe PV hỏi: "Diệp có bạn trai chưa?". Em đã khẽ gật đầu và kể chúng tôi nghe câu chuyện của mình.
Người bạn trai ấy của Diệp là 1 quân nhân, cũng là 1 bệnh nhân được ghép thận. Cả hai gặp nhau khi cùng điều trị bệnh tại BV 103, sự thấu cảm đã kéo cả hai lại gần nhau, vỗ về và chăm sóc.
Trong lần cuối gặp Diệp đó, em có nói: "Thời gian em đau yếu, anh ấy luôn cận kề bên cạnh", nhưng Diệp không dám tính đến chuyện lâu dài trong những ngày em đổ bệnh nặng.
"Em chỉ mong anh ấy mạnh khỏe và em được ghép tạng lần 2", Diệp đã nói vậy khi được hỏi mong muốn điều gì nhất.
Chia sẻ về bệnh tình của con gái, ông Nguyễn Quốc Phòng (bố của Diệp) cho biết, mặc dù Học viện Quân y 103, Bệnh viện Quân y 103 đang nỗ lực tìm nguồn gan để ghép cho Diệp lần 2, nhưng do Diệp bị xơ gan quá nặng, dẫn đến xuất huyết dạ dày và nhiều cơ quan nội tạng, nên đã không chờ cơ hội được ca ghép gan.
Tuần trước Diệp từ viện về gia đình, sức khỏe tuy yếu nhưng em vẫn trò chuyện bình thường. Ngày 26/11, ông Phòng đưa Diệp trở lại Bệnh viện Quân y 103 để tiếp tục điều trị. Tuy nhiên khoảng 2h sáng hôm sau (27/11), Diệp yếu ớt gọi: "Bố ơi cứu con với". Sau đó, Diệp được chuyển vào Trung tâm Hồi sức cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Quân y 103.
Mong ước tái sinh cho Diệp lần hai đã không trở thành hiện thực
Chia sẻ thêm trên Zing.vn, Phó giáo sư Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Trung tâm Hồi sức cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Quân y 103, Nguyễn Thị Diệp là trường hợp ghép gan có thể sống lâu nhất tại Việt Nam từ trước đến nay. "Bệnh nhân đã sống với lá gan ghép trong 17 năm. Song, gan ghép cũng có tuổi thọ, tình trạng của Diệp cũng là điều tất yếu", ông nói.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Diệp khi chờ ghép tạng lần hai (Ảnh: Báo Lao động)
Ghép gan là thủ thuật phức tạp. Tại Việt Nam, chỉ một số cơ sở y tế lớn như Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) từng thực hiện. Bác sĩ sẽ phải cắt bỏ lá gan bệnh, thay toàn bộ hoặc một phần từ tạng mới từ người hiến chết não hoặc tình nguyện viên còn sống.
Trong lần tái ghép, bệnh nhân sẽ phải đối mặt nhiều vấn đề phức tạp, nguy hiểm hơn so với ca phẫu thuật đầu tiên. Diệp mắc thêm bệnh động kinh, hệ miễn dịch suy giảm, thách thức với các bác sĩ là quản lý bệnh nhân và phòng tránh các biến chứng. "Tôi hy vọng có đủ tài chính và nguồn gan ghép để tái sinh cho Diệp lần hai", Phó giáo sư Mạnh nói thêm.
Ngoài thách thức chưa tìm được nguồn ghép gan phù hợp, Diệp và gia đình còn phải đối mặt gánh nặng chi phí cho phẫu thuật. Mỗi ngày, cô gái luôn nung nấu niềm mong mỏi và khao khát sống mãnh liệt.
Theo chia sẻ từ người nhà bệnh nhân, cách đây khoảng một tuần, Diệp được các bác sĩ tại Bệnh viện Quân y 103 chỉ định về nhà nghỉ ngơi để cơ sở y tế này chuẩn bị trang thiết bị máy móc cho đợt điều trị tiếp theo. Tuy nhiên, mong ước của Diệp đã không thành hiện thực.
Dù đã được các bác sĩ, chuyên gia nỗ lực cứu chữa Diệp, song do em bị xuất huyết nhiều cơ quan nội tạng, máu chảy không cầm, phải thở máy, bệnh tình diễn biến nguy kịch, nguy cơ tử vong cao. Gia đình đã xin cho Diệp về nhà và em đã ra đi vào 1 giờ sáng ngày 29/11.
Nam An (t/h)