(Tổ Quốc) - Đã đến lúc không còn sức chịu đựng vì bị nợ lương, công việc vẫn phải làm bình thường, hàng trăm bác sĩ, nhân viên y tế đã phải xuống đường kêu gọi sự trợ giúp của mọi người góp tiếng nói cầu cứu.
Liên tục trong hai ngày nay, nhiều bác sĩ, cán bộ nhân viên bệnh viện Tuệ Tĩnh (đường Trần Phú, quận Hà Đông) đã tập trung trước cổng cùng những tấm băng rôn có nội dung kêu cứu vì bị nợ lương.
Hàng trăm nhân viên y tế bị nợ lương đã xuống đường kêu gọi sự giúp đỡ
Theo tìm hiểu, từ tháng 5/2021 đến tháng 11/2021, 160 y, bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh chỉ nhận được 50% lương cơ bản, tương đương từ 1-3 triệu đồng/tháng. Trong tháng 12, toàn bộ nhân viên tại bệnh viện không được bất cứ đồng lương nào.
Điều dưỡng Trần Thị Hồng Minh – Khoa Nội nhi chia sẻ, tổng tiền lương của chị chỉ hơn 3 triệu đồng/ tháng, từ tháng 5 đến nay không được nhận, cuộc sống gia đình chị Minh hiện lâm vào cảnh cùng quẫn, khó khăn bộn bề, không có tiền trang trải, chị cũng không dám cho con học thêm.
Theo chị Minh, vấn đề bệnh viện nợ lương đã vậy, nhưng lãnh đạo của bệnh viện dường như đang rất vô cảm trước sự khó khăn của cấp dưới.
"Nhiều lần lãnh đạo hứa sẽ giải quyết, nhưng rồi không giải quyết được gì, trong khi lãnh đạo vẫn có chế độ thì chúng tôi lâm cảnh đường cùng. Lo cuộc sống hàng ngày còn chưa đủ, chúng tôi không nghĩ gì đến Tết", chị Minh chia sẻ khi được hỏi về tâm trạng nghĩ về cái Tết đang cận kề.
Cũng rất khó khăn vì không có tiền trang trải cho gia đình, chị Lê Thanh Bình, kế toán viên, Tổ trưởng Tổ Công đoàn tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh bức xúc cho biết, bệnh viện có 160 cán bộ, nhân viên y tế. Trong đó đa số là điều dưỡng có bằng trung cấp, cao đẳng, phần lớn bác sĩ cũng là nhân viên hợp đồng, không có biên chế nên mức lương rất thấp.
"Từ khi bệnh viện cắt giảm 50% lương, hiện tại mức lương trung bình của nhân viên y tế tại bệnh viện chỉ dao động từ 1-3 triệu đồng/tháng. Trong đó, có rất nhiều bác sĩ, điều dưỡng nhà xa, hàng ngày đi xe máy hàng chục km đến bệnh viện làm việc, nhiều cặp vợ chồng bác sĩ, điều dưỡng trẻ từ các tỉnh lên Hà Nội thuê nhà, cuộc sống vô cùng khó khăn. Đại diện công đoàn cũng như tập thể nhân viên y tế bệnh viện đã nhiều lần có ý kiến nhưng đến nay sự việc này vẫn chưa được giải quyết mà ngày càng tồi tệ hơn khi tháng 12 toàn bộ nhân viên bệnh viện không nhận được bất cứ đồng lương nào, chúng tôi rất khó khăn", chị Bình bức xúc chia sẻ.
Theo một số nhân viên bệnh viện, thực tế bệnh viện nợ lương đã kéo dài từ đầu năm 2019 đến nay, khi lãnh đạo bệnh viện bất ngờ xin cơ chế tự chủ tài chính, dẫn đến 100% nguồn thu và hỗ trợ của bệnh viện đều phụ thuộc vào lượng bệnh nhân đến khám.
"Bệnh viện Tuệ Tĩnh là bệnh viện thực hành hạng 3, chủ yếu phục vụ việc thực hành, nghiên cứu của sinh viên, giảng viên Học viện Y học cổ truyền, hoàn toàn không có đủ năng lực để có thể tự chủ tài chính. Nhưng không hiểu vì lý do gì, mà năm 2019 lãnh đạo bệnh viện đột nhiên lại xin cơ chế tự chủ tài chính, việc này hoàn toàn không được đưa ra họp bàn hay thông báo với tập thể nhân viên y tế toàn bệnh viện trước đó.
Tháng 6/2019 chúng tôi nhận được quyết định từ lãnh đạo bệnh viện, đến tháng 12/2019 toàn bộ cán bộ, nhân viên tại bệnh viện đã yêu cầu mở cuộc họp, trong đó 88% không đồng ý với quyết định tự chủ, chúng tôi không muốn vậy", chị Bình cho biết.
Cũng theo nhiều người đang có mặt, dù bệnh viện nợ lương, dịch Covid-19 đang rất phức tạp nhưng công việc của đội ngũ nhân viên, bác sĩ vẫn diễn ra, vẫn đảm bảo mọi trách nhiệm… Nhưng, ít ai biết rằng, cuộc sống của họ hiện nay đang rất bi đát.
"Tất cả chúng tôi nhiều lần lên tiếng, nhưng lãnh đạo bệnh viện chỉ trả lời rằng không có cơ chế, nhưng lại không có bất cứ giải pháp nào để khắc phục", chị Bình nói.
Ngay trong chiều hôm nay, sau khi chứng kiến nhiều cán bộ, nhân viên y tế đứng căng băng rôn trước cổng bệnh viện, ông Trương Việt Bình - nguyên giám đốc bệnh viện đã xuất hiện vận động mọi người giải tán. Khi chúng tôi tiếp cận, ông Bình từ chối tất cả các câu hỏi rồi tìm cách thoát khỏi sự quan tâm của báo chí.
Trên đây chỉ là một số chia sẻ của nhân viên y tế bệnh viện, tất cả họ cùng mong muốn lúc này các cấp lãnh đạo quan tâm tìm giải pháp giúp những người lao động có cuộc sống ổn định để an tâm công tác.
Minh Ngọc -Gia Đoàn