(Tổ Quốc) - Hụt hẫng khi hàng quán phải đóng cửa lúc 21h tối, chủ quán cũng như khách hàng không biết đi đâu, làm gì khi đến giờ đông khách nhất, vui nhất phải thu dọn đồ ra về.
21h tối 10/3, chị Nguyễn Hà (Ba Đình, Hà Nội) và hai con nhỏ cũng như người bạn của mình rục rịch rời quán ăn trên phố Lương Ngọc Quyến (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trước khi nhân viên phục vụ thông báo cơ sở này chuẩn bị đóng cửa.
Chị Hà và đặc biệt là 2 cậu con trai nhỏ tỏ ra tiếc nuối khi phải ra về sớm hơn dự định.
"Hôm nay là ngày cuối tuần, tôi muốn đưa các con đi chơi lâu hơn một chút nhưng quán đóng cửa sớm quá. Vừa lên đây lúc 8h30, mấy chị em ngồi chưa ấm chỗ thì giờ phải về chứ cũng chẳng biết đi đâu. Hôm nay đúng như đi đổi gió thôi chứ cũng chưa chuyện trò được gì nhiều", chị Hà cho biết.
Chưa đến giờ khách đi chơi đã phải đóng cửa, chủ quán ngồi chơi xơi nước
20h30, trái với cảnh luôn chân luôn tay như mọi khi, anh Nguyễn Hữu Phúc (39 tuổi, quản lý quán ăn ở phố Tạ Hiện, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại nhàn rỗi ngồi uống trà vì quán vắng khách. Người quản lý gọi với vào trong nơi các nhân viên đang ngồi chơi để mọi người chuẩn bị thu dọn bàn ghế.
Anh Phúc chia sẻ, từ khi dịch bệnh bùng phát, nhà hàng do anh quản lý luôn tuân thủ các quy định về phòng chống dịch. Tuy nhiên, theo anh, việc cấm hàng quán hoạt động sau 21h là không có ý nghĩa trong công tác chống dịch.
"Trước đây 10 phần khách giờ may ra còn 1,2 phần. Vì phố Tạ Hiện là tuyến phố ăn uống phục vụ khách rất muộn, thường từ 22h đến 24h đêm khách mới đến chơi. Tuy nhiên, giờ đến 21h đóng cửa thì khách đến giờ đi chơi lên đây không có chỗ ngồi nên họ sẽ không ghé tới đông nữa.
Phần lớn khách hàng có thói quen bắt đầu ăn tối hoặc đi chơi khoảng 20h-20h30. Trong khi đó, để hoàn tất việc đóng cửa lúc 21h, nên giờ 20h30 rồi mà không có khách thì chúng tôi cũng phải ngừng nhận khách để dọn dẹp.
Nhiều khi chúng tôi hay tếu táo khách chưa kịp lên đã phải đóng cửa, tình trạng này diễn ra thường xuyên. Mang tiếng là phố ăn đêm mà phải đóng cửa sớm thế này thì buồn quá", anh Phúc chia sẻ.
Gần 21h tối, các cửa hàng kinh doanh ăn uống trên phố Tạ Hiện cùng cảnh vắng khách như nhau.
Cả tối quán ăn của anh Phúc mới lác đác đón vài vị khách. Số bàn còn lại trống, nhân viên ngồi chơi. Anh cho hay, chỉ tính riêng tiền thuê mặt bằng, cả tiền nhân sự cửa hàng anh lỗ 5 triệu/ngày, tính ra cả tháng con số này lên đến hàng trăm triệu đồng.
"Nếu cứ chỉ được mở đến 21h thế này, các chủ cửa hàng sẽ không ai trụ được, có thể phá sản hết. Nhiều bàn khách vừa ngồi, dọn đồ ăn ra phải đi về khiến họ rất buồn và khó chịu bởi đa phần đây là khách du lịch.
Họ thấy hụt hẫng, nản, chê trách chủ quán nhiều nhưng chúng tôi cũng không có cách nào", anh Phúc chia sẻ.
Anh Phúc mong thành phố xem xét cho dân làm đến 24h như trước, đó cũng là nguyện vọng, mong muốn của các hộ kinh doanh cũng như du khách.
"21h đóng cửa, khách đi đâu hay về nhà ngủ?"
Trong khi đó, anh Trần Văn Khoa, chủ quán ăn ở phố Tạ Hiện cho hay anh mong muốn chính quyền sẽ nới lỏng thêm thời gian bán hàng.
"Tôi kinh doanh tại con phố này được 10 năm thì đây là năm thứ 3 liên tiếp bị ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19. Chúng ta đang hướng tới và tuân theo Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Tuyến phố Tạ Hiện từ xưa tới nay là phố bia, khách du lịch tới đây ngồi uống bia, khám phá tới khuya nhưng giờ phải đóng cửa sớm. Đến 21h phải đóng cửa không hiểu khách đi đâu hay về nhà ngủ.
Chúng tôi mong muốn thành phố xem xét nới lỏng thời gian để các hộ kinh doanh được mở quán lâu hơn. Việc thích ứng an toàn phải tạo điều kiện cho người dân kinh doanh, khi ấy các cửa hàng mới trụ chứ thế này khó khăn lắm", anh Khoa chia sẻ.
Gần 21h anh Khoa cùng nhân viên vội vàng thu dọn bàn ghế. Anh cho hay cả ngày mới lác đác có 2 bàn, trong khi đó, quán của anh hiện chỉ có duy nhất bàn phục vụ người nhà.
"Trước cửa hàng tôi có 10 nhân viên phục vụ. Giờ không có khách nhưng đầu bếp, nhân viên vẫn phải có và chỉ còn 4 người làm. Không những tôi mà toàn bộ hộ kinh doanh ở phố Tạ Hiện ai cũng thèm cảm giác, mong muốn được phục vụ khách nhộn nhịp trở lại như ngày trước.
Chúng tôi muốn được tăng thêm 1-2 tiếng bán buổi tối bởi đây là thời gian có doanh thu cao nhất. Việc đảm bảo phòng dịch nếu đã thực hiện nghiêm đến 21h thì thêm 2 tiếng không khác gì nhau. Rất mong thành phố nên xem xét nới lỏng thời gian thay vì phải đóng cửa sau 21h như hiện nay. Chứ cứ thế này thì khó khăn quá", anh Khoa chia sẻ thêm.
Khi lực lượng chức năng có mặt, khách lẫn chủ quán đều hụt hẫng khi vừa tiếp đón đã phải đóng cửa.
Khoảng 21h, lực lượng Công an phường có mặt yêu cầu tất cả các hộ kinh doanh dọn hàng quán, dừng tiếp đón khách. Lúc này, nhiều khách vừa ngồi được ít phút hụt hẫng đứng dậy để quán thu dọn.
Chị Hà Nguyễn (ở quận Ba Đình, Hà Nội) cho hay, chị cùng nhóm bạn hẹn nhau lên quán ngồi được 30 phút đã phải đi về. Chị cho biết, bản thân cùng bạn bè khá hụt hẫng bởi không biết sẽ đi đâu, làm gì sau quãng thời gian đó.
"Tôi mong muốn mọi thứ trở lại như trước, phố cổ Hà Nội hoạt động về đêm nhưng giờ 21h đóng cửa thế này chúng tôi thấy cần có sự thay đổi, điều chỉnh sao cho phù hợp", chị Hà Nguyễn nói.
Dưới góc độ chuyên gia, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng, virus SARS-CoV-2 không hoạt động theo giờ, có nghĩa là bất cứ khi nào, ở đâu cũng có thể lây lan dịch bệnh.
Điều quan trọng, mỗi người dân phải tuân thủ các biện pháp, khuyến cáo trong công tác phòng chống dịch, việc hàng quán đóng cửa trước hay sau 21h không có nhiều ý nghĩa trong phòng, chống dịch Covid-19.
"Thậm chí kéo dài hơn 11h (tức 23h đêm), thì lượng người giãn ra còn thông thoáng hơn".- ông Nga chia sẻ.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, hiện nay hầu hết người dân đã được tiêm vaccine đầy đủ 2 liều, sắp tới đây coi Covid-19 là bệnh lưu hành. Để giải tỏa bất cập và góp phần phục hồi kinh tế và các hoạt động kinh doanh nhà hàng được thuận lợi, chính quyền Hà Nội nên nới lỏng thêm thời gian hoạt động.
Ông Nga cũng khuyến cáo, khách hàng khi đến nhà hàng không nên tiếp xúc với người lạ, thuận lợi nhất thì có thể chọn phòng riêng thoáng mát, an toàn vệ sinh và đi theo nhóm của mình.
Song nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo thêm, người dân cũng cần phải lưu ý, tuân thủ về an ninh trật tự theo quy định địa phương.
Gia Đoàn