(Tổ Quốc) - Cảnh tượng trái ngược thế này có lẽ không còn là điều xa lạ đối với những gia đình đẻ dày.
Nhiều gia đình vẫn lên kế hoạch sinh con cách nhau khoảng 4-5 năm để đỡ vất vả. Khi đó, anh/chị lớn đã có thể tự làm được nhiều việc, thậm chí còn giúp đỡ bố mẹ trong việc chăm sóc em bé. Trong khi đó, đẻ dày thì bố mẹ sẽ vất vả hơn vì khi đó bé lớn vẫn còn đang cần sự yêu thương, chăm sóc nhưng đã phải có em sẽ dễ khiến bé bị tủi thân. Hơn nữa, vì anh/chị lớn vẫn còn nhỏ nên cũng chưa ý thức được việc phải yêu thương em bé, thậm chí còn không ngại tranh giành, bắt nạt em.
Vẫn biết là như vậy nhưng đôi khi, sự tính toán của bố mẹ sẽ "đổ sông đổ biển" bởi sự xuất hiện bất ngờ của "lộc trời cho".
Gia đình chị Thanh Mai (28 tuổi ở TP.HCM) đã rơi vào tình huống đẻ "năm rưỡi 2 đứa" do anh chị "vỡ kế hoạch". Khi bé lớn được 6 tháng tuổi thì chị Mai phát hiện mình mang thai bé thứ hai. Dẫu biết cuộc sống sẽ vất vả hơn nếu đẻ dày, hơn nữa chị Mai lại sinh mổ, nhưng vì nghĩ rằng con đến với mình là cái duyên nên vợ chồng chị quyết định giữ em bé lại. Hiện tại, bé lớn tên ở nhà là Bảo Bối đã được 20 tháng tuổi và bé nhỏ tên ở nhà là Gạo đã được 4 tháng tuổi.
Bé Bảo Bối hiện được 20 tháng tuổi.
Còn bé Gạo đã được 4 tháng tuổi.
"Sinh hai con sát nhau nên kinh tế eo hẹp hơn cũng là điều dễ hiểu. Do lúc bầu bé lớn mình bị động thai nên phải nghỉ ngơi suốt thai kỳ, gần tới ngày sinh cứ vào bệnh viện liên tục vì tim thai bất thường. Cuối cùng phải mổ chủ động bé lúc 38 tuần 5 ngày.
Khi sinh bé thứ 2 thì mình chịu khó kích sữa đúng cách nên lượng sữa về rất nhiều, được khoảng 1,5 lít/ngày cho hai anh em cùng uống nên cũng không tốn kém tiền sữa. Hàng tháng chỉ tốn tiền bỉm với quần áo lặt vặt.
Đẻ dày nên chăm hai bé cũng khá vất vả nhưng mình cũng có sự hỗ trợ của ông bà nội các bé. Lúc nào nhiều việc quá sơ ý không để mắt là anh lớn lại nghịch, "bắt nạt" em.Vì bé mới 20 tháng nên cũng chưa hiểu chuyện, cả nhà phải trông bé rất kỹ. Bù lại thì em gái rất ngoan, ăn xong rồi tự chơi, tự ngủ. Khi hai bé ngủ thì mình nhờ ông bà nội trông giúp để làm việc" - chị Mai chia sẻ.
Dù rất quý em nhưng thỉnh thoảng Bảo Bối vẫn nghịch ngợm, leo lên người em.
Kể chuyện về cậu con trai lớn của mình, chị Mai cho hay khi mang thai bé sau chị đã thường xuyên cho con trai nói chuyện với em bé trong bụng rồi thủ thỉ: "Lúc còn nhỏ con cũng nằm trong đây" để kết nối tình cảm của hai anh em. Khi sinh con thứ hai, chị Mai cũng không quên dành sự quan tâm của mình cho bé lớn để Bảo Bối không bị tủi thân vì có em. Mỗi khi rảnh chị Mai thường cho hai con nằm ôm nhau chơi đùa và đọc truyện cho các bé nghe.
Có lẽ nhờ vậy mà Bảo Bối mới 20 tháng tuổi nhưng rất thương em, ôm hôn em suốt ngày. Bé hay nhìn em rồi nắm tay, chân, sờ tóc, mũi, miệng em. Khi mẹ dỗ em thì cũng bắt chước theo, vỗ vào người em rồi nói: "Cục cưng". Bảo Bối cũng không giành mẹ của em mà còn nhường mẹ cho em. Mỗi lần đang ti mẹ mà nghe thấy em khóc là tự thả ra để mẹ dỗ em.
Chị Mai thường xuyên dành thời gian quan tâm đến con lớn để bé không bị tủi thân vì có em.
Thế nhưng vì còn nhỏ nên thỉnh thoảng Bảo Bối cũng nghịch ngợm, leo lên người em hoặc đánh em. Vì trông con khá kỹ nên chị Mai cũng lập tức phát hiện ra ngay để ngăn cản con lớn, bé cũng chỉ ngồi hờ lên trên người em chứ chưa ngồi hẳn lên em.
Những lúc đó, chị Mai không đánh con mà chỉ nhẹ nhàng giải thích cho bé hiểu. Nếu bé ngoan cố, cố tình không hiểu thì mẹ mới có hình phạt nhẹ và sau đó lại "làm công tác tư tưởng" cho bé.
Trộm vía Bảo Bối đi đâu về là vào nhà kiếm em gái. Mỗi khi rảnh thì vợ chồng chị Mai lại đưa con đi siêu thị, đi bơi, đi công viên chơi..., cố gắng hạn chế để bé xem tivi, điện thoại quá nhiều. Bà mẹ hai con cho biết chị sẽ luôn cố gắng dành thời gian chăm lo thật tốt cho cả hai bé, không để bé nào cảm thấy tủi thân, ghen tị vì tình cảm của mẹ.
Ngọc Diệp