(Tổ Quốc) - Quay trở về nước trong giai đoạn này, đối với du học sinh Trung Quốc ở nước ngoài mà nói là một điều vô cùng khó khăn và cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.
Tần Kiệt, một sinh viên trường Đại học Rice ở Houston, Mỹ đã không giấu được sự kiệt sức. Trong hai tháng qua, anh cảm nhận được cuộc sống này không hề dễ dàng. Anh phải để mắt đến những thay đổi ở quê nhà.
"Về cơ bản các nước đã cấm nhập cảnh và quá cảnh đối với người Hồ Bắc. Tôi cảm thấy bị phân biệt đối xử trên mạng xã hội không chỉ 1 mà những 2 lần. Lần đầu vì tôi là người gốc Vũ Hán, lần thứ 2 vì tôi là du học sinh", Tần Kiệt trải lòng.
Mỗi ngày anh nhận được rất nhiều tin nhắn thông báo về tình hình dịch Covid-19. Sau khi tham gia vào một số nhóm đồng hương sẽ trở về nước sắp tới, Tần Kiệt đã không cầm điện thoại nữa và chờ đến ngày anh có thể lên máy bay vào ngày 24/3.
Giống như Tần Kiệt, Trần Hi, một du học sinh ở Anh cũng có cảm giác tương tự. Khi Anh bùng phát dịch Covid-19, mọi người xung quanh bắt đầu có thái độ khác đi, bất kể đối phương là người địa phương hay người Trung Quốc. Vì tình hình dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, Trần Hi không biết rằng khi mình thức dậy thì mọi thứ sẽ tồi tệ hay tốt hơn.
Trong gần một tháng, Trần Hi và Tần Kiệt đã trải qua sự lo lắng tột độ. Mặc dù họ không cùng học tập trên một đất nước, nhưng cái mác “du học sinh" đã trở thành nỗi ám ảnh với họ trong thời gian này. Sự khác biệt giữa họ là, một người chọn ở lại, một người quyết rời đi.
Bầu không khí căng thẳng đang diễn ra xung quanh Tần Kiệt. Khi Vũ Hán bị phong tỏa, một sinh viên người gốc Vũ Hán như Tần Kiệt lại trở thành tâm điểm của các sinh viên nước ngoài cũng như bạn học xung quanh. Thời điểm đó, một sinh viên Trung Quốc sẽ hỏi Tần Kiệt: "Gia đình cậu thế nào? Ở Vũ Hán thật sự có nhiều ca nhiễm như vậy không?".
Mỗi ngày trôi qua, Tần Kiệt đều nhận được những câu hỏi như thế và hành động của mọi người xung quanh lại nằm ngoài sức tưởng tượng của anh. Trong vòng 4 ngày sau khi Vũ Hán bị phong tỏa, Tần Kiệt không thể mua khẩu trang ở Houston.
Bởi lẽ các sinh viên Trung Quốc bắt đầu có ý thức dự trữ khẩu trang và đồ dùng. Lúc đó, Tần Kiệt cảm thấy người Trung Quốc và dân địa phương dường như có hai cách hành xử khác biệt: Một bên thận trọng và một bên hối hả.
Đầu tháng 3, cuộc khủng hoảng bắt đầu xảy ra. Truyền thông địa phương tiết lộ ngày 3/3, ở Mỹ có 9 ca tử vong vì nhiễm Covid-19 và tất cả các trường hợp đều ở tiểu bang Washington. Từ đó trở đi, truyền thông địa phương bắt đầu tập trung vào việc phòng chống dịch, tiếp theo đó là California, New York và những nơi khác đều bị ảnh hưởng.
Cảm giác khủng hoảng của Tần Kiệt không đặc biệt mạnh mẽ, bởi nơi anh sinh sống là vùng đất rộng lớn, dân cư thưa thớt và không có nhiều người nhập cư, điều này khiến Tần Kiệt nhẹ lòng phần nào.
Thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi khi vào ngày 6/3, một trường hợp nhiễm Covid-19 được xác nhận xuất hiện ở trường Đại học Rice, Houston, nơi mà Tần Kiệt đang học. Đây là trường hợp từ một giáo sư trở về từ Iran. Mặc dù trường đã cách ly tất cả các nhân viên có tiếp xúc gần nhưng hầu như không có quyết định tạm đóng cửa trường học. Tần Kiệt chợt nhận ra cuộc khủng hoảng đang đến gần.
Nhiều sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài, bao gồm Tần Kiệt đã viết thư cho trường yêu cầu ngưng các lớp học. Thế nhưng câu trả lời mà họ nhận được chính là “tiếp tục đi học" và nói rằng trường đã được khử trùng tốt và hoàn toàn không có vấn đề gì.
Trong suốt một tuần đó, Tần Kiệt như ngồi trên đống lửa và không ngừng sợ hãi. Sau đó, anh nhận được thông báo tạm ngừng đến lớp và chuyển sang học trực tuyến.
Trong giai đoạn này, tình hình của Trần Hi bên Anh cũng có nhiều biến động. Một số bạn học trong lớp của Trần Hi bắt đầu mua vé quay về Trung Quốc khi họ nghe thấy tin “miễn dịch cộng đồng".
Ngay cả khi dịch bệnh vẫn đang ngày càng nghiêm trọng nhưng Trần Hi có thể cảm nhận được sự tương phản mạnh mẽ trong cuộc sống hằng ngày. Hầu hết mọi người trong trường vẫn tụ tập ăn uống và trò chuyện. Trần Hi không bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó bệnh dịch lại trở nên nghiêm trọng như thế. Đại học Cambridge, nơi anh theo học là địa điểm du lịch cho nhiều khách Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau khi các chuyến bay nội địa bị cấm, anh hầu như không còn thấy khách Trung Quốc nào xuất hiện trong khuôn viên trường. Lúc này, Trần Hi nghĩ rằng có lẽ dịch bệnh đã được ngăn chặn một cách hiệu quả và sẽ không lan rộng. Nhưng bây giờ anh nhớ lại rằng, đó chỉ là "sự yên tĩnh trước cơn bão lớn".
Khi đỉnh dịch bùng phát, người muốn rời đi, kẻ quyết định ở lại
Nếu như không có dịch Covid-19, Tần Kiệt sẽ hoàn thành việc học vào tháng 2 năm nay và trở về Trung Quốc sau khi tốt nghiệp. Trước Tết Nguyên Đán, anh đã mua vé khứ hồi và bắt đầu đếm ngày về. Tuy nhiên, trong vòng 2 tháng qua, vé của anh liên tục có biến động vì dịch ở Hồ Bắc. Vào tháng 3 thì dịch bùng phát toàn cầu, chuyến về vẫn chưa được ấn định.
Bạn gái của Tần Kiệt cũng ở Mỹ và có ý định quay về Trung Quốc. Vào đầu tháng 2, hai người liên tục cập nhật thông tin của các chuyến bay nhưng mọi thứ đều không được suôn sẻ. Khi dịch bệnh trong nước dần được cải thiện, thì dịch toàn cầu bắt đầu. Tần Kiệt chứng kiến chuyến bay của người bạn liên tục bị thay đổi hoặc hủy. Anh cũng nhận được thông tin chuyến bay của mình cũng bị hủy.
Vào ngày 16/3 , American Airlines tuyên bố giảm 75% các chuyến bay quốc tế và các chuyến Trung Quốc sẽ ngừng bay đến cuối tháng 10. Trong cùng ngày, San Francisco cũng tuyên bố sẽ phong tỏa thành phố. Tần Kiệt không thể tin vào tình huống trước mắt mình. Ngày trước anh còn rất bình tĩnh, nhưng hôm sau tâm trạng hoàn toàn sụp đổ.
Hành lý của Tần Kiệt đã được chuẩn bị kỹ càng từ tháng 2 để đối phó với những tình huống bất ngờ. Anh quyết định mua vé trước một tuần, được định là sẽ bay vào 24/3.
Về phía Trần Hi, anh thấy Cambridge trở nên hoang tàn hơn bao giờ. Vào thời điểm này năm ngoái, cũng là kỳ nghỉ xuân nhưng vẫn có nhiều sinh viên ở lại trường. Nhưng năm nay, ngoại trừ những sinh viên Trung Quốc thì hầu hết sinh viên địa phương đều sơ tán khỏi trường.
Anh nhìn thấy những người bạn Trung Quốc cùng lớp quần quật ngày đêm để săn vé về nước. Có lẽ trong lòng họ nghĩ rằng, có thể sẽ không quay lại đây trong một thời gian tới.
Mỗi ngày, chính sách của mỗi quốc gia đều thay đổi. Trần Hi có một người bạn ở Pháp, nhưng tình hình ở Pháp không lạc quan mấy và chuyến bay hầu hết đã bị hủy bỏ. Để về nhà suôn sẻ, một số sinh viên phải bay vòng đến Châu Phi. Nhiều sinh viên phải đặt hai hoặc ba chuyến đi và đang chờ xem bên nào có thể đi được.
Như thường lệ, Trần Hi sẽ đáp chuyến bay thẳng từ London đến Thành Đô trong 10 giờ đồng hồ. Nhưng nếu đi trong lúc này thì chuyến bay có thể kéo dài hơn 24 giờ đồng hồ. Trần Hi cũng lo lắng việc ở trên máy bay lâu cũng có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
Ngoài những hạn chế về chuyến bay, một lý do khác khiến Trần Hi quyết định ở lại vì các kỳ thi. Mặc dù trường thông báo tạm ngưng các lớp học nhưng tại trường của anh không có thông báo về thay đổi trong các kỳ thi. Đây là điều làm cho anh phải suy nghĩ rất nhiều. Các kỳ thi trong trường Cambridge cũng giống như kỳ thi tuyển sinh đại học, mỗi năm chỉ có một lần và đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Sau khi nghĩ đến nhiều thứ hạn chế khi trở về, Trần Hi đã quyết định ở lại trong 1 năm. Anh nói rằng mình không thể dự đoán được tình hình dịch ở Châu Âu sẽ tốt hơn hay tồi tệ hơn mỗi ngày.
Mẹ của Trần Hi vẫn tôn trọng quyết định của con và cập nhật cho anh tin tức về tình hình dịch bệnh. "Cứ sau 2 tiếng, mẹ tôi sẽ gửi tin nhắn kiểm tra xem tôi còn sống hay không?", Trần Hi nói.
Trong cuộc gọi video, mẹ anh không cầm được nước mắt: "Đó là một nỗi lo lắng theo bản năng. Bà tự trách vì để tôi ở nước ngoài một mình, để tôi phải đối mặt với mọi thứ". Đối với với những giọt nước mắt của mẹ, Trần Hi có chút choáng ngợp và chỉ có thể an ủi mẹ nhiều lần rằng: "Con khỏe, mẹ đừng lo" .
Không còn cách nào để lên kế hoạch trong tình huống này. "Tôi chỉ có thể đi từng bước một. Một số quyết định đã đưa ra. Tôi tự hỏi liệu như thế này có khả thi không? Có đáng không?".
Từ tuần sau, Trần Hi mỗi ngày mở mắt đều phải đón nhận một sự đổi mới, có thể là kỳ thi sẽ hủy bỏ, hoặc việc học trực tuyến cũng bị tạm ngưng, thời gian ăn ở trường được rút ngắn chỉ còn nửa tiếng và không thấy ai trong thư viện.
Tần Kiệt nghĩ rằng đây là trò đùa trong cuộc sống của mình. Tháng trước, anh không ngừng quan tâm và dặn dò người thân bạn bè nhớ giữ gìn sức khỏe. Tháng sau, chính anh lại là người lo lắng liệu mình có thể trở về Trung Quốc một cách suôn sẻ hay không. Tuy nhiên, quyết định này đã khiến anh phải đối mặt với sự kỳ thị của cộng đồng mạng. Trước đây, Tần Kiệt cố gắng không chú ý đến những nhận xét tiêu cực. Nhưng ngày về nước càng gần, anh cần phải chú ý đến tâm trạng và lời nói của mình.
3 giờ sáng ngày 21/3, vẫn chưa có tin tức mới. Nhiều bạn bè xung quanh Tần Kiệt lo lắng rằng vé họ sẽ bị hủy bỏ. Nhưng Tần Kiệt cố gắng an ủi: "Hãy bình tĩnh và chờ đợi, không có tin gì tức là tin tốt".
(Nguồn: QQ)
Jia You