(Tổ Quốc) - Câu chuyện các giáo viên tìm kiếm công việc làm thêm trong mùa dịch bệnh đang thu hút sự chú ý rất lớn. Mỗi cô giáo chọn cho mình một cách làm phù hợp đằng sau giờ phút trên giảng đường. Tuy nhiên, việc gây dựng quầy cháo dinh dưỡng đặc biệt như chị em Trần Nga – Anh Thư thì không phải là điều dễ gặp.
Dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và bùng phát khiến nhiều hoạt động kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hóa,… phải ngưng trệ để tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, dù khó khăn có chồng chất khó khăn thì người Việt Nam ta vẫn tìm ra "khe cửa hẹp" để vượt qua.
Nghề giáo luôn được coi là "nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý", bởi nó hướng đến những mầm non tương lai của đất nước. Thế nhưng, sau khi gác lại giáo án trong một kỳ nghỉ dài vì dịch bệnh, các cô giáo cũng có nghề thời vụ rất đa dạng.
Bắt đầu từ bữa ăn ngon – ngọt – lành cho con gái
Những ngày gần đây, người dân tại xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội xôn xao nói về một quầy cháo dinh dưỡng mới mở bán của hai cô giáo tiểu học. Đó là sự chung sức đồng lòng của người chị Trần Anh Thư (28 tuổi) và cô em gái Trần Thị Nga (24 tuổi).
Câu chuyện nghề nghiệp của họ cũng giống như bao giáo viên khác trong thời buổi bệnh dịch diễn biến phức tạp – đều đã nghỉ dạy từ đầu tháng 2. Trong khi chị Trần Anh Thư công tác tại trường tiểu học dân lập ở quận Nam Từ Liêm (TP. Hà Nội) đã 4 năm thì chị Trần Nga mới trở thành viên chức và gắn bó với nghề chưa bao lâu.
Từ khi nghỉ dạy, hai chị em có nhiều thời gian rảnh rỗi, dù đôi lúc vẫn liên lạc với phụ huynh để hỏi thăm việc học tập ở nhà của học sinh. Tuy nhiên, vấn đề thiết yếu là thu nhập chính của giáo viên bị ảnh hưởng không nhỏ. Chị Nga nhận mức lương biên chế theo hợp đồng Nhà nước, trong khi với chị Thư chỉ là mức hỗ trợ thấp.
"Mình vẫn phải có đủ thu nhập để lo cho gia đình, chăm sóc hai con gái nhỏ đang học mầm non. Qua việc hằng ngày chuẩn bị bữa ăn cho con gái, chúng mình nảy ra ý định mở quầy cháo dinh dưỡng trẻ em. Trước nhất, là để có bữa ăn ngon và sạch cho con gái, sau là để thử sức kinh doanh, kiếm thêm thu nhập trong thời gian nghỉ dài" – chị Trần Nga cho hay.
Hai chị em lên kế hoạch thực hiện, phân công cụ thể. Chị Anh Thư học nấu cháo cốt, cô em gái Trần Nga được coi như "bếp trưởng" bởi đảm đương việc chế biến phần dinh dưỡng: thịt, tôm, cua, cá, rau củ,…
Sau khi tìm mua những đồ dùng cần thiết để chế biến cháo dinh dưỡng, hai cô giáo tự mày mò học nấu trên mạng, nêm nếm theo khẩu vị của mình và sau đó may mắn được người có kinh nghiệm chỉ dạy thêm.
Chị Anh Thư chia sẻ: "Ngay từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, mình và em gái đã cẩn thận lựa chọn với tiêu chí ngon – ngọt - lành vì đối tượng hướng đến là trẻ em. Đôi khi, mình sử dụng rau trong vườn nhà trồng. Tất cả đều được sơ chế tỉ mỉ từ tối hôm trước, để hôm sau có cháo bán sớm".
Tuy nhiên, dường như sự chuẩn bị ấy là chưa đủ để đáp ứng tiêu chí khắt khe mà hai cô giáo đề ra, nên họ đã đặt ra một "chính sách" bán hàng những ngày đầu khiến quầy cháo nhỏ của mình trở nên rất đặc biệt.
Quầy cháo miễn phí ba ngày để nhận về điều quý giá hơn
Quầy cháo dinh dưỡng của hai chị em Thư – Nga có thời gian một tuần để trang bị mọi thứ: dụng cụ, địa điểm bán hàng, nguồn nguyên liệu, hình thành công thức nấu ăn. Hai cô giáo tiểu học bắt đầu "mở hàng" và nhận được những phản hồi đầu tiên từ khách.
Họ cũng đặt ra những chính sách ưu đãi như nhiều cửa hàng khác khi khai trương. Tuy nhiên, đó không phải giảm giá hay mua một tặng một, mà là hoàn toàn miễn phí trong ba ngày đầu tiên. Để nhiều người biết và đến với quầy cháo dinh dưỡng đặc biệt ấy, hai cô giáo chia sẻ trên tài khoản mạng xã hội cá nhân.
Khi nhiều người nửa tin nửa ngờ, chị Trần Nga chỉ cười: "Họ chưa vội tin cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, khi qua trực tiếp cửa hàng, ai cũng đều vui mừng khi nhận được cháo miễn phí. Họ vẫn lựa chọn vị và lượng ăn tùy ý cho trẻ. Có khách khen rất ngon, có người tận tình chỉ cho thiếu chỗ này, hổng chỗ kia. Đó mới là điều mình thực sự cần trong những ngày đầu này".
Tuy quầy cháo đã thông báo về việc miễn phí thời gian đầu, nhưng nhiều khách hàng vẫn có ý muốn trả như sự ủng hộ hai cô giáo. Hai người phụ nữ chỉ cười tươi rồi xin nhận thành ý, không nhận tiền.
Hai chị giãi bày: "Để giảm thiểu rác thải nhựa và đồ dùng một lần, chúng mình khuyến khích khách hàng mang theo đồ đựng cá nhân như bát, hộp inox, thủy tinh. Khách hàng của quầy cháo dinh dưỡng đặc biệt là bà con làng xóm, cũng là người đi đường ghé qua". Chiều đến, quầy cháo đông vui, nhộn nhịp bởi tiếng trẻ con vui đùa, người lớn ra vào, mua bán.
Trong chiều cuối cùng còn "chạy" chính sách tặng cháo miễn phí, chị em Thư – Nga đã gửi đến tay khách hàng gần 50 cốc cháo đủ vị: tôm, cua, thịt, bò, rau củ,… Chị Nga cho hay: "Ba ngày miễn phí ăn thử cháo là thời gian chúng mình "lãi" rất nhiều, "lãi" nhiều nhất là những ý kiến đóng góp chân thành của khách hàng. Hai chị em không nghĩ làm gì quá lớn, chỉ muốn làm sản phẩm ngon, sạch, tử tế cho mọi người, cũng là để bản thân có thêm thu nhập".
Khi được hỏi quầy cháo sẽ duy trì thế nào khi hai chị đi dạy trở lại, chị Nga kể rằng: "Ban ngày, mình nhờ mẹ đẻ trông nom và bán giúp. Tối về, hai chị em sẽ tranh thủ để chuẩn bị cho ngày hôm sau, có lẽ sẽ vất vả hơn. Nói vậy thôi chứ mình cũng nhớ các con lắm rồi".
Quầy cháo nhỏ là tâm sức của chị em cô giáo, có lẽ không chỉ là nghề thời vụ trong thời điểm dịch bệnh mà còn tiếp tục phát triển sau này. Tuy việc làm thêm ấy mang lại trải nghiệm đáng nhớ, nhưng họ vẫn nhớ lắm giảng đường và những học trò thân quen.
Thanh Hiền