(Tổ Quốc) - Nghỉ dịch dài ngày, các mẹ không chỉ đảm đang bếp núc, sửa sang nhà cửa mà còn có thêm thú vui khác nữa là trồng cây.
Thú vui trồng cây của các "nông dân nhà phố" cũng khá phong phú, từ trồng cây gia vị cho đến các loại rau theo mùa đều đủ cả.
Tuy nhiên không phải loại cây nào cũng dễ trồng và cho kết quả như ý, đặc biệt là đối với những người mới tập làm vườn.
Một trong những loại cây tương đối "khó cho kết quả như mơ" đó là cây chanh, đặc biệt lại còn được các "nông dân nhà phố" trồng trong chậu.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm vườn, anh Nguyễn Thanh Sơn sẽ chia sẻ về cách trồng cây chanh trong chậu để ai cũng có thể trồng và có một cây chanh như ý.
Anh Sơn từng được biết đến là người sở hữu khu vườn rộng đến 1300m² ở chân cầu Vĩnh Tuy, Long Biên, Hà Nội. Khách đến thăm vườn nhà anh ai cũng ngỡ như mình đang lạc vào xứ sở thần tiên trong cổ tích vì ngập tràn sắc hoa lãng mạn, ngập tràn sắc xanh của cây - hoa - trái.
Bỏ ra một khoảng thời gian khá lâu, với bao tâm huyết cũng như vấp phải những khó khăn ban đầu, bây giờ anh Sơn đã có thể tận hưởng một không gian yên bình mà bao người ở phố thị hằng mơ ước.
Chị em "bỏ túi" ngay những kinh nghiệm quý báu từ người đàn ông có thâm niên làm vườn để trồng được những cây chanh vàng sai vấn vít khiến khách đến thăm nhà trầm trồ nhé!
- Trước hết nói về cây: Trên thị trường hiện nay có bán nhiều loại chanh vàng nhưng có 2 loại chính: Loại cây còn non (mặc dù đã có hoa và kết trái) cũng như loại cây già dặn hơn với mức giá chênh nhau khá nhiều. Theo kinh nghiệm của anh Sơn thì nên chọn cây già tuổi, chất lượng hoa và quả sẽ ổn định hơn rất nhiều. Hơn nữa cây già tuổi nhìn cứng cáp, gốc to, về mặt thẩm mỹ sẽ tốt hơn cho cây trồng chậu.
- Về cách chọn chậu: Nên chọn chậu gốm sẽ tốt hơn chậu nhựa, đường kính chậu tầm 40cm là hợp lý cho cây chanh. Chiều cao chậu khoảng 30cm là ổn.
- Về đất trồng: Nên trộn thêm trấu hun cho thoáng và thoát nước tốt. Thường thì khi trồng anh Sơn sẽ trộn thêm phân gà hoặc phân hữu cơ vi sinh để tăng dưỡng chất cho cây.
- Về vị trí trồng: Cây chanh nên trồng chỗ thoáng, nhiều nắng. Nếu trồng chanh ở ban công có mái che sẽ bị hạn chế bởi cây trồng trong hiên có mái che sẽ không khỏe mạnh và cứng cáp được như cây đứng ngoài trời, hấp thụ đủ sương, gió. Cây chanh có thể chịu được một phần bóng râm, nhưng cành sẽ vươn dài và nhìn yếu ớt hơn. Để khắc phục điểm này, anh Sơn khuyên nên lắp thêm các đèn Led dành cho nông nghiệp có bán sẵn trên thị trường.
- Chanh tây cũng như các loài cây có múi khác, bạn có thể bắt chúng ra hoa cưỡng ép bằng cách cắt nước, tỉa bớt cành tăm và lá, tạo cho chúng cảm giác chết ảo. Điều này có nghĩa là bạn phải dừng hẳn việc bón phân, hạn chế tưới nước trong vòng 3-4 tuần. Bạn nên dùng các dằm nhỏ xắn xung quanh gốc cây làm đứt bớt rễ. Sau đó khi tưới nước và chăm sóc trở lại, cây sẽ bật chồi và ra hoa nhằm bảo tồn nòi giống. Khi quả chanh đậu to bằng ngón tay, bạn nên bón phân bón tăng cường để giúp cây đủ sức nuôi quả. Loại phân bón anh Sơn thường dùng là NPK 20-20-15.
Anh Sơn cũng lưu ý thêm một điều, nếu quá chăm chút cây chanh của mình, cây sẽ thường xuyên ở trong tình trạng sinh trưởng dinh dưỡng quá mạnh (cây tốt, lá xanh, ra nhiều chồi non, nhiều lộc, nhiều cành mới) do đó kìm hãm quá trình sinh trưởng sinh thực, tức là ra hoa, đậu quả kém.
- Điều cuối cùng và cũng rất quan trọng nữa là do đa số mọi người ở chung cư cao tầng nên điều kiện ong bướm thụ phấn cho cây mùa hoa là hạn chế. Do đó, mọi người có thể dùng tăm bông để tự thụ phấn cho cây, tăng tỷ lệ đậu quả của cây trồng. Điều này khá quan trọng bởi nếu không được thụ phấn, tỷ lệ đậu quả của cây là khá thấp.
Hy vọng với những chia sẻ của anh Sơn, sau kỳ nghỉ dịch dài ngày, chị em có thể trồng được 1 cây chanh khỏe mạnh, quả sai vấn vít để tha hồ trầm trồ với thành quả của mình.
GiangC