(Tổ Quốc) - Dù đi làm có tổng thu nhập không cao nhưng tháng nào vợ chồng trẻ này cũng để ra được một nửa nhờ cách chi tiêu tiết kiệm của người vợ thông minh.
Cưới nhau gần 3 năm, vợ chồng chị Yến, 28 tuổi ở Thanh Xuân, Hà Nội có tổng thu nhập mỗi tháng khoảng 15 triệu đồng.
Chị Yến là dược sĩ bán thuốc, thu nhập 6 triệu đồng/tháng. Còn anh xã chị làm công nhân một nhà máy với mức lương 7 triệu đồng/tháng.
Sau gần 3 năm kết hôn, vợ chồng chị cũng tiết kiệm được 1 khoản trong ngân hàng với lãi suất gửi tiết kiệm 2 triệu đồng.
Vợ chồng chị Yến hiện đang có con nhỏ 15 tháng tuổi. Hàng ngày cả hai ở cùng nhà với bố mẹ chồng. Thế nhưng bố mẹ chồng chị cho 2 vợ chồng ăn riêng cũng được 1 năm nay.
Hàng tháng, anh xã chị Yến làm được bao nhiêu tiền là đưa hết lương cho vợ giữ: "Dù cho lương của chồng mình cũng chẳng được nhiều nhưng tháng nào anh cũng đưa lương cho mình giữ để tiêu pha cho gia đình. Anh cũng chẳng tiêu khoản nào cả vì anh không có rượu chè cờ bạc. Mỗi tháng, chồng mình chỉ tiêu khoảng vài trăm tiền xăng xe. Còn quần áo, giày dép của chồng thì đơn giản lắm".
Theo chị Yến chia sẻ, mỗi tháng vợ chồng chị tiết kiệm được khoảng 6 triệu đồng. Còn lại anh chị chi tiêu trang trải vừa đủ cho gia đình.
Tiền ăn: 3 triệu đồng
Do vợ chồng chị Yến ở cùng nhà bố mẹ chồng nhưng ăn riêng nên mỗi tháng tiền ăn của vợ chồng chị chỉ hết khoảng 3 triệu đồng.
Nhà ngoại ở gần nên mỗi cuối tuần vợ chồng chị toàn về bên ngoại ăn uống. Mỗi lần về nhà ngoại, bà ngoại bao ăn, bao ở cho 2 vợ chồng chị từ A-Z.
Tiền điện: Từ 500 - 1 triệu đồng
Vào mùa đông, tiền điện vợ chồng chị đóng cho cả nhà chỉ hết khoảng 500 ngàn đồng. Nhưng vào mùa hè, chi phí này thường đội lên gấp đôi, thậm chí gấp 3 vì phòng bố mẹ chồng cũng có điều hòa. Song chị xác định, tốn 1 khoản tiền điều hòa nhưng sức khỏe đảm bảo, không bị mất ngủ là ổn.
Tiền bỉm, sữa cho con: 3 triệu đồng
Mỗi tháng, chi phí tiền bỉm, sữa bột và sữa tươi cho con trai nhà chị Yến hết khoảng 3 triệu đồng. Bé nhà chị uống sữa rất tốt nên chị cũng không ngại đầu tư cho bé.
Tiền ma chay hiếu hỉ, sinh nhật và các khoản chi tiêu khác: 2 triệu đồng
Vì nhà chỉ có 2 vợ chồng nên tiền ga phải khoảng 2,5-3 tháng chị mới mất tiền đổ ga nên chẳng đáng bao nhiêu. Thậm chí mỗi khi sang ngoại, ông bà vẫn thường nấu nướng cho sẵn chỉ việc mang về nhà ăn. Do đó, tiền dành cho đi sinh nhật, hiếu hỉ, ma chay mỗi tháng cứ tháng nọ bù tháng kia. Hoặc chi tiêu xăng xe, ăn vặt linh tinh của vợ chồng con cái.
Vì ở cùng bà được bà trông cháu giúp cho vợ chồng yên tâm đi làm nên thi thoảng chị Yến cũng biếu mẹ chồng 1 triệu để bà ăn quà vặt. Mẹ chồng chị không lấy nhưng chị cứ dúi vào cho bà thích ăn gì thì mua.
"Riêng tiền mua quần áo cho con hầu như từ ngày sinh cháu ra đến nay nhà mình không phải mua sắm. Bởi cứ đến đầu mùa đông hoặc hè, bà ngoại và họ hàng 2 bên lại mua cho cháu 1 ít. Vì thế, lâu lâu vợ chồng mình mới mua cho con bộ quần áo thôi", chị Yến tâm sự.
Với người phụ nữ này, mỗi tháng chị phấn đấu cố gắng chỉ tiêu lương 1 người thôi, còn 1 lương và khoản tiền lãi ngân hàng thì để tiết kiệm. Mục tiêu của chị Yến là cứ tích cóp như vậy để mấy năm nữa có đủ tiền để xây hoặc nhà cho vợ chồng sống yên ổn hơn.
Chia sẻ về việc chi tiêu cho cái Tết vừa rồi, chị Yến nói: "Tết rồi mình bỏ ra 10 triệu để lo cái Tết và mừng tuổi ông bà nội ngoại, cũng như lì xì các cháu. Nói chung là hết tiền thưởng tết của anh xã thì vừa đủ. Số còn lại mình gửi hết vào tiết kiệm", chị Yến cười.
Minh Anh