(Tổ Quốc) - Sau hàng chục năm góp vốn dưới hình thức hợp tác đầu tư, đến nay dự án bất động sản này vẫn "đóng băng".
Cách đây gần chục năm, tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội bỗng rộ lên làn sóng bất động sản, nhiều dự án lớn nhỏ thi nhau "mọc" lên thu hút nhiều nhà đầu tư. Họ không tiếc tiền góp vốn vào các dự án bằng nhiều hình thức khác nhau với hi vọng tìm chốn an cư hoặc kiếm lời. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa thấy các dự án này được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Ngang nhiên dựng biển quảng cáo bán đất "dự án ma"
Các "dự án trong mơ" ngày nào nay chỉ còn được trông thấy dưới hình thù những tấm biển quảng cáo nằm ngổn ngang khắp các khu đất trống. Hay nói cách khác, các "dự án ma".
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Chiến - Chủ tịch UBND xã Yên Bài cho biết, thời gian gần đây chính quyền xã liên tục phải huy động tổ công tác đi thu dọn những tấm biển quảng cáo bán đất "dự án ma". Nhưng cứ được một thời gian, lại thấy có người khác dựng biển khác lên để chào bán.
Ghi nhận thực tế tại khu đất trống trên con đường nội khu đã được hoàn thiện có đặt tấm biển quảng cáo lớn mang tên Diamond Riverside.
Về vấn đề này, Chủ tịch xã Yên Bài khẳng định không có bất cứ dự án nào mang tên Diamond Riverside hay Country House được cấp phép.
"Có thể một số người mua lại đất từ dân, nhưng tôi khẳng định đất này không thuộc dự án nào được cấp phép cả. Chúng tôi cứ ra thu biển về được ít hôm thì họ lại dựng cái khác lên. Sau đợt dịch này, chúng tôi sẽ làm triệt để", ông Chiến thông tin.
Cần chú ý điều gì để tránh mua phải "dự án ma"?
Trao đổi với chúng tôi dưới góc độ pháp lý, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty luật TNHH Trương Anh Tú (TAT Law firm) cho rằng, trước khi quyết định mua bất động sản ở dự án nào đó, người mua cần phải khảo sát thực tế dự án bằng cách đến địa chỉ nơi có dự án và xem xét dự án đã có cơ sở hạ tầng hay chưa, mức độ hoàn thành đến đâu bởi theo quy định của pháp luật, dự án có đầy đủ cơ sở hạ tầng mới được phép lưu thông. Người dân cũng nên lưu ý và cảnh giác khi địa chỉ dự án không rõ ràng, minh bạch.
Nếu là "dự án ma" thì đa số là những dự án không có hạ tầng cơ bản. Tuy nhiên, cũng có những "dự án ma" rất giống với dự án thật nếu chỉ quan sát thông thường: Cũng có đường, có hệ thống thoát nước, được phân lô cụ thể nhưng thực chất là do tự ý làm, tự ý xây dựng mà không có sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước.
Chính vì vậy, khi người mua hỏi về thông tin pháp lý dự án thì họ sẽ không cung cấp được hồ sơ pháp lý dự án cho khách hàng.
Theo luật sư Tú, khách hàng không được ký "Hợp đồng mua bán nhà" mà lại phải ký những hợp đồng mang tên như: "Hợp đồng góp vốn"; "Hợp đồng hợp tác kinh doanh"; "Phiếu đăng ký giữ chỗ"; "Thỏa thuận đặt cọc đăng ký chỗ"... hoặc không ký với tư cách công ty mà lại ký với tư cách cá nhân...
Bên cạnh đó, khách hàng còn được mời chào đến nhưng không nhằm mục đích mua bán nhà, đất mà lại là lời chào làm ăn chung, đặt chỗ mua trước.
Luật sư Trương Anh Tú cũng đưa ra khuyến cáo rằng, để tránh "bẫy" khi giao dịch, người dân cần yêu cầu chủ đầu tư cung cấp hồ sơ pháp lý dự án. Theo đó cần thiết phải kiểm tra: Dự án có thuộc diện bị thu hồi hay không, kiểm tra giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo tiến độ dự án....
Đồng thời, kiểm tra chứng thư cần thiết như: Bảo lãnh tài chính của Ngân hàng thương mại để đảm bảo nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi họ không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết.
Người dân nên hết sức cảnh giác khi đầu tư mua nhà và cần lựa chọn những chủ đầu tư có uy tín, đồng thời nên có sự tham vấn của luật sư, của những người có am hiểu pháp luật để đánh giá những rủi ro khi tham gia giao dịch và nhận được lời khuyên từ các chuyên gia.
"Đối với những khách hàng lỡ mua phải "dự án ma" thì nên báo cáo với cơ quan chức năng, cơ quan cảnh sát điều tra để Nhà nước sớm vào cuộc, phanh phui những hoạt động lừa đảo này, đồng thời mời luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình", luật sư Trương Anh Tú khuyến cáo.
Minh Ngọc