(Tổ Quốc) - Ở vùng đất Ba Vì (Hà Nội) hỏi thăm về cái giếng nước thiêng của làng, ai cũng che miệng cười tủm tỉm và đỏ mặt, không dám gọi tên.
Giếng nước cổ bảo vật
Tại làng Nghe (xã Vân Hòa, Ba Vì, Hà Nội), từ lâu đã nổi tiếng gần xa về giếng nước cổ được coi là bảo vật của làng nhưng lại mang một cái tên ai nghe cũng đỏ mặt. Khi PV Người đưa tin hỏi đường tìm về chiếc giếng cổ được coi là bảo vật của người dân làng Nghe thì người dân địa phương ai cũng tận tình chỉ đường kèm theo nụ cười ý nhị: “Lại đi xin nước uống hả?”.
Giếng nước cổ của làng Nghe vốn được đặt tên theo tiếng Mường là Pó Ché dịch ra tiếng Kinh có nghĩa là nơi nhạy cảm của người con gái. Khi được dẫn tới đây, PV cũng phải bất ngờ vì hình dáng của giếng đúng như những gì dân làng kể.
Giữa khu đất thoai thoải của khu vườn cây cao bóng mát, bỗng nổi lên mu đá rộng chừng 30m2. Chính giữa mu đá đó là khe nước tuôn lên từ lòng núi. Dù ở góc độ nào, chắc hẳn ai cũng phải giật mình vì cái tên và hình dáng của giếng.
Chị Nguyễn Thị Hải, người dân sống gần khu giếng cổ đã kể cho PV báo trên nghe về những giai thoại liên quan đến chiếc giếng gắn bó bao đời với người dân làng Nghe.
"Ở đây xưa kia chủ yếu là người Mường sinh sống nên giếng được đặt tên theo tiếng Mường là Pó Ché dịch ra tiếng Kinh có nghĩa là âm hộ của người con gái. Chúng tôi là người Kinh nên thường gọi giếng là "giếng âm hộ".
Cũng chẳng biết giếng có từ khi nào, chỉ biết rằng dân làng thường ra giếng lấy nước uống những khi giếng nhà cạn nước. Giếng được coi như một chiếc giếng làng gắn bó với cuộc sống sinh hoạt của người dân. Từ khi các nhà khoa học về nghiên cứu thì chúng tôi mới biết chiếc giếng có ý nghĩa lịch sử quan trọng", chị Hải cho Người đưa tin biết.
Từ xa xưa, các cao niên làng Nghe đã kể cho con cháu về sự tích của giếng Pó Ché. Tương truyền giếng là một phần của công chúa Ngọc Hoa (con gái của vua Hùng thứ 18, được gả cho Sơn Tinh). Cuộc hôn nhân này đã đưa tới một mối thù truyền kiếp giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh (thần nước cũng cầu hôn công chúa Ngọc Hoa). Sau khi thành hôn, thần núi Sơn Tinh đưa công chúa Ngọc Hoa về sinh sống tại vùng bản địa của mình (nay là vùng đất Ba Vì).
Dù giếng có tên dịch ra tiếng Kinh nghe nhạy cảm nhưng do tên gọi đó đã ăn sâu vào suy nghĩ của dân làng nên dù mấy lần định đổi tên mà đều không thành. Không đổi được thì đành chấp nhận "di sản" của người xưa, đành gọi như người xưa vẫn gọi, dù mỗi lần như thế đều thấy… đỏ mặt.
Cụ Nguyễn Thị Mẹo, người làng Nghe, năm nay đã hơn 90 tuổi nhưng vô cùng minh mẫn. Cụ kể cho PV VTC News rất nhiều kỉ niệm thời thơ ấu liên quan đến giếng Pó Ché.
Cụ Mẹo cũng cho biết thêm rằng không ai trong làng biết giếng có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, những người Mường định cư nơi đây từ ngàn năm trước bảo với con cháu rằng, họ sinh ra đã có cái giếng nước đó rồi.
Giếng "cầu được ước thấy"?
Làng Nghe ở Ba Vì có địa thế đẹp, cây cối xânh tốt bao phủ quanh làng. Từng có một thầy phong thuỷ nhận xét làng địa thế ngôi làng hội tụ linh khí linh thiêng của trung tâm đất trời. Làng nằm dưới chân núi Tản Viên lại cạnh sông Đà chảy qua nên là vùng đất sơn thuỷ hữu tình.
Giếng cổ lại nằm ở đầu làng, ăn theo mạch thiêng của dãy núi Tản nên giếng càng trở nên linh thiêng, không nên động vào giếng để tránh ảnh hưởng long mạch.
Nghe lời thầy nên dân làng càng quý trọng giếng Pó Ché. Mọi người đều coi nơi giếng nước đó là khu đất thiêng, không dám làm thay đổi hiện trạng và xâm phạm đến.
Giếng Pó Ché càng được người dân tôn sùng với điều đặc biệt: trong vắt, dồi dào nước quanh năm dù mùa cạn hay hạn hán. Mặc sông ngòi xung quanh cạn nước thì giếng Pó Ché vẫn có một nguồn nước róc rách chảy ra và có vị ngọt lành đến kỳ lạ.
Chính bởi sự dồi dào nguồn nước và vị ngọt lành mà người dân mới đồn đại về tác dụng tốt cho sức khoẻ của nước giếng Pó Ché.
Nhiều người công nhận rằng uống nước giếng cho cảm giác sáng khoái, dễ chịu. Họ truyền tai nhau rằng người uống không chỉ mạnh khỏe, chống được bệnh tật mà còn gặp may mắn trong cuộc sống.
Hôm PV Người đưa tin đến tìm hiểu đã gặp chị Trần Huyền M. (Gia Lâm, Hà Nội) đang hành lễ tại giếng Pó Ché, chị cho biết: "Tôi có người quen ở đây giới thiệu giếng Pó Ché rất linh thiêng, cầu được ước thấy nên tôi tìm lên thăm cũng như xin ít nước giếng để cầu con. Vợ chồng tôi đã lấy nhau 5 năm nhưng chưa có con, chạy chữa khắp nơi mà không có kết quả. Nghe nói phụ nữ khi uống nước giếng này sẽ có hiệu nghiệm".
Những giai thoại xung quanh cái giếng cổ Pó Ché đối với người dân Ba Vì thì không ai khẳng định được thực hư nhưng đây là tài sản thiên nhiên vô giá có thật mà tạo hóa đã ban tặng cho họ. Cùngdòng nước ngầm vô tận, chảy miết quanh năm, giếng Pó Ché như vị thần giúp cho người dân vượt qua từng cơn hạn hán, đảm bảo cuộc sống tốt tươi.
Tổng hợp
Chi Chi