(Tổ Quốc) - Thời gian trong khu cách ly tập trung tưởng chừng như kham khổ mà hóa ra lại là những kỉ niệm khó quên. Như một lời tri ân sâu sắc tới đội ngũ y bác sĩ và dân quân trong khu cách ly, một du học sinh từng trải qua 2 tuần tại khu cách ly TPHCM đã thực hiện bộ ảnh với ý nghĩa như thế.
Trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra phức tạp trên thế giới vào những ngày tháng 3, tháng 4, nhiều du học sinh Việt Nam tại nước ngoài đã về nước và sau đó được cách ly trong khu cách ly tập trung. Tưởng rằng trong khu cách ly thì phải sống kham khổ, điều kiện thiếu thốn, thế nhưng, từ một góc nhìn của người trong cuộc, những ngày sống tập thể trong khu cách ly đó dường như trở thành những kỉ niệm vô cùng quý giá - trở thành những ngày không quên.
Mới đây, một bộ ảnh chụp lại cuộc sống bên trong nơi cách ly tập trung tại Khu A, KTX Đại học Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Bộ ảnh được thực hiện bởi chính du học sinh đang trải qua thời gian cách ly tập trung. Qua những bức ảnh, cuộc sống đời thường nhưng ấm áp tình người dần dần được hé lộ.
Cuộc sống bên trong khu cách ly.
Bạn Đặng Nguyên Khôi (SN 2001, Đà Nẵng), hiện đang là sinh viên năm nhất của đại học Sydney, Úc là tác giả bộ ảnh này. Chia sẻ với PV, bộ ảnh được bạn thực hiện như một lời cảm ơn, một sự tri ân tới đội ngũ dân quân và y bác sĩ trong khu cách ly vì đã tham gia vận hành khu cách ly với một tấm lòng thấu cảm và động viên.
Khôi chia sẻ, bộ ảnh được thực hiện từ ngày 24/3 tới ngày 8/4. Vốn là một người thích nhiếp ảnh, Khôi theo đuổi trường phái chụp ảnh tư liệu. Với chụp ảnh tư liệu, càng những nơi ít người tiếp cận được hoặc có tình hình phức tạp thì càng có nhiều không gian để chụp. Những ngày đầu tại khu cách ly, Khôi chợt nhận ra rằng đây cũng là nơi không phải ai cũng được thấy, cũng được trải qua, nên bạn quyết định thực hiện bộ ảnh để lưu lại thời gian và những gì bản thân đã trải qua trong khu cách ly. Bộ ảnh được tổng hợp, chắt lọc và dàn lại thành một chuỗi kể chuyện.
Qua những bức ảnh, cuộc sống đời thường nhưng ấm áp tình người dần dần được hé lộ.
“Trong bộ ảnh này, mình thích nhất là cái đời sống được ghi nhận lại, một đời sống rất khác. Người ngoài họ sẽ không có một cái nhìn cụ thể về cuộc sống trong khu cách ly, hoặc họ nghĩ nó tẻ nhạt, hoặc họ nghĩ giống như những bài nói xấu. Nhưng những gì mình ghi lại đều là sự gần gũi, chân thành của các anh dân quân, của đội ngũ y tế.
Hai ngày đầu mình ở khu cách ly khá là kham khổ bởi những cái nhu yếu phẩm chưa được đem đến ngay, vài hôm sau thì những đồ cần thiết đã đến, mọi người cũng dần đi vào nhịp sống bình thường. Nó thiếu thốn hơn so với tự giãn cách ở nhà, nhưng bù lại ở trong môi trường tập thể, mọi người đều chịu những khó khăn như nhau thì mọi người rất giúp đỡ nhau, nên mình thích cái tình người ở đấy, mình cảm nhận được cái tình người ở đấy.”
Khôi vẫn nhớ về sự tận tình của các bác sĩ, sự hài hước và tếu táo của các anh dân quân. Khôi kể rằng chiều nào các bạn cũng chơi cầu lông ở sảnh khu cách ly, còn các anh ngồi xem, hôm thì làm trọng tài, hôm lại làm bình luận viên. Bình thường khi làm nhiệm vụ thì các anh rất nghiêm nghị, còn lúc giải lao thì các anh lại trở về là con người tuổi trẻ. Khôi nhớ lại, “Khi mình chụp thì các anh cũng có chọc rồi còn bảo chụp cho đẹp vào”.
Bộ ảnh được khôi đăng lên trang cá nhân, đồng thời làm một dạng sách ảnh bản điện tử. Khôi muốn đây như một lời cảm ơn chân thành của bạn tới các đội ngũ y bác sĩ và dân quân tại khu cách ly.
“Điều mình nhắn nhủ đã được truyền tải trong bộ ảnh của mình rồi. Đó là lời cảm ơn chân thành của mình đến các anh dân quân cũng như đội ngũ y bác sĩ. Khi mọi người cách ly xong, khu của mình cũng ủng hộ cho các anh, nhưng mình cảm thấy ủng hộ không về vật chất thì nó không đủ, với năng lực của mình chụp ảnh được thì tại vì sao mình không làm một cái gì đó lạ hơn, sự tri ân mang tính chất tinh thần rõ rệt hơn. Đây là lời cảm ơn của mình qua bộ ảnh này.”
Bộ ảnh với 48 bức ảnh cả đen trắng và màu, hiện lên đời sống trong khu cách ly gần gũi và ấm áp. Dù vậy, Khôi chia sẻ vẫn còn nhiều nuối tiếc bởi bị mất nhiều khoảnh khắc đáng giá do máy ảnh hoạt động lỗi và do những hôm đầu máy ảnh chưa được tiếp vào trong khu cách ly.
Bạn Đặng Nguyên Khôi (SN 2001, Đà Nẵng) là tác giả của bộ ảnh.
Dưới đây là bộ ảnh được Khôi thực hiện, được giữ theo sắp xếp mạch kể chuyện qua ảnh của tác giả:
An Huy