(Tổ Quốc) - Tại xóm trọ dưới chân cầu Long Biên, những người làm công việc chân tay trong những ngày này phải xoay sở lo từng bữa ăn để có thể trụ lại Thủ đô. Bữa cơm từ chỗ 2 - 3 món nay rút gọn xuống chỉ 1 món nhưng họ vẫn ráng cầm cự, phía sau họ còn rât
Những ngày giá xăng dầu, gas cũng như nhiều mặt hàng khác tăng giá trên cả nước đồng loạt tăng giá cũng là những ngày cuộc sống của những người lao động bình thường vội vã nay phải tua chậm lại. Bên cạnh guồng quay cơm áo gạo tiền quấn lấy, giờ đây họ phải chật vật xoay sở từng bữa khi mọi thứ đều tăng giá.
Bữa cơm rút gọn món vì cái gì cũng tăng giá
Gần trưa, ngồi cặm cụi bên chiếc bếp ga mini đặt trước cửa phòng trọ, bà Nguyễn Thị Hiền (52 tuổi, quê thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đang chuẩn bị cơm cho cả gia đình 3 người đều là những lao động bốc vác tại chợ Long Biên.
Gần 10 năm sống tại khu nhà trọ này nhưng bữa cơm trưa hôm nay của gia đình bà Hiền là lần đầu tiên mâm cơm chỉ có duy nhất một món chính đó là thịt kho dưa. Quan sát xung quanh chẳng có thêm canh rau hay thứ gì khác.
Người phụ nữ này kể, cả gia đình sống tại đây với công việc đẩy hàng thuê từ nhiều năm nay. Một bên mắt nhưng thời gian này đều đặn mỗi đêm bà Hiền vẫn cố gắng hỗ trợ chồng cùng người con trai kiếm thêm thu nhập.
"Công việc này cũng bập bõm ngày được ngày không. Có ngày đều việc mỗi người trong gia đình tôi được 100.000-200.000 đồng. Tuy nhiên, có lúc đói vì chả kiếm được đồng nào. Chi phí thuê nhà, điện nước khoảng 1.600.000-1.700.000 đồng/tháng.
Cuộc sống khó khăn giờ lại thêm việc cái gì cũng tăng giá. Đến dầu ăn gia đình tôi trước mua chai bé chỉ 15.000 đồng giờ tăng lên 20.000 đồng. Nước mắm trước 25.000 đồng/chai giờ tăng 30.000 đồng/chai.
Vợ chồng tôi còn con nhỏ giờ đang nhờ ông bà ở quê chăm sóc. Gia đình tích cóp cố gắng xoay sở qua thời kỳ này", bà Hiền nói.
Trọ sát vách với nhà bà Hiền, vợ chồng chị Chu Thị Huệ (42 tuổi, quê xã Hoà Lâm, huyện Ứng Hoà, Hà Nội) đang cố gắng nhặt nhạnh xem còn quả xoài nào lành lặn trong những chiếc thùng chất đầy quả hỏng.
"Mấy ngày nay từ xăng cho đến gas, nước mắm, dầu ăn… cái gì cũng tăng giá khiến tôi còn chưa hết lo toan giờ lại thêm đống quả xoài buôn mới lấy hỏng gần hết", vừa nhìn đống xoài hỏng, chị Huệ thở dài.
Mưu sinh và bám trụ nơi góc chợ Long Biên, Hà Nội đến nay đã 7 năm. Hằng ngày, cứ khoảng 2-3 giờ sáng vợ chồng chị Huệ đi lấy hoa quả ở chợ Long Biên sau đó đẩy xe đi các ngõ phố bán. Thấy xoài được tiểu thương chào với giá rẻ chị mua 10 thùng về bán nhưng khi đưa về mở ra vợ chồng chị ngỡ ngàng khi 8 thùng bị hỏng.
"Ban đầu họ cho tôi xem một thùng thấy đẹp mã và không cho xem các thùng sau. Tin tưởng nên tôi mua cuối cùng hỏng gần hết. Vợ chồng nhặt nhạnh bán kéo lại được ít vốn còn lại xác định mất hơn 1.000.000 tiền gốc. Giờ phải nhặt đẩy ra xe rác vứt bỏ", chị Huệ thở dài.
Vợ chồng chị Huệ có 4 người con, tuy nhiên do cuộc sống khó khăn khi công việc bấp bênh nên cả hai quyết định để con ở nhà nhờ ông bà nội ngoại trông nom còn mình đi kiếm kế sinh nhai. Nhiều năm mưu sinh nơi cửa chợ Long Biên, theo chị Huệ thời gian qua là giai đoạn khó khăn nhất.
Hết dịch bệnh giãn cách, kinh tế đang bắt đầu phục hồi lại thêm bão giá khiến cuộc sống những người lao động như chị thêm khốn khó.
"Tiền nhà trọ trước 900.000 đồng mỗi tháng thì giờ tăng lên 1.000.000 đồng, điện 5.000 đồng/số. Buôn bán chưa bao giờ tôi thấy ế và khó khăn như năm nay. Gas năm ngoái chỉ 250.000-280.000/bình giờ tăng lên 420.000 – 450.000 đồng/bình, dầu ăn đắt nên vợ chồng tôi quyết định chuyển sang mua mỡ lợn rán dùng dần cho rẻ.
Mọi thứ tăng giá nên sinh hoạt đều phải hạn chế. Có lúc vợ chồng nghĩ hay bỏ về quê làm công ty 6-7 triệu đồng", chị Huệ cho hay.
Xăng tăng, đường trở về nhà càng thêm xa
Trở về phòng trọ sau khi đi nhặt phế liệu, chị Nguyễn Thị Nga (44 tuổi, quê huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, từ qua Tết tới nay hơn 2 tháng trôi qua hai vợ chồng chị chưa về để thăm các con.
"Công việc khó khăn, thêm nữa giá xăng mới tăng lên gần 30.000 đồng/lít khiến giờ "đường trở về nhà càng thêm xa", chị Nga nói.
Người phụ nữ quê Vĩnh Phúc cho biết, tuy quãng đường từ Hà Nội về nhà chỉ khoảng hơn 70km nhưng 2 vợ chồng chưa dám về nhà vì xăng tăng. Đợt vừa rồi chồng lại mắc Covid-19, cả hai nghỉ làm nên không có tiền để gửi về quê cho các con ăn học.
"Nhiều lúc thương con, nhớ con muốn bỏ về lắm nhưng vợ chồng đành nán lại chịu khó làm lụng", chị Nga chia sẻ.
Công việc của chị Nga gần như chiếm gần hết ngày. Đêm chị đi đẩy xe hàng ở chợ Long Biên, đến sáng về chị lại tranh thủ nhặt phế liệu, khi thì bán hoa quả kiếm thêm thu nhập. Trong khi tiền nhà trọ mỗi ngày hết 40.000 đồng, chồng chị Nga phải chạy xe ôm công nghệ để có thêm đồng ra, đồng vào.
Thời gian này cuộc sống của hai vợ chồng gặp khó khăn khi công việc bấp bênh trong khi lo cho hai con nhỏ đang tuổi ăn học, cha mẹ già ở quê.
"Vợ chồng tôi ở đây chi tiêu dè dặt. Giờ chi phí cái gì cũng đắt đỏ nên tôi chuyển từ ăn muối bột canh sang muối hạt, mua mỡ lợn rán thay dầu ăn cho rẻ. Cơm nấu tối qua tôi rang lại ăn để chiều đi làm", chị Nga chia sẻ.
Chị cũng cho hay, bị thiếu máu cơ tim bác sĩ khuyên dùng thuốc thường xuyên với giá 1.000.000 đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, do công việc khó khăn, nhiều gánh nặng chi tiêu nên chị đã "cắt" đi khoản này.
"Cái gì cũng đắt đỏ nên tôi chuyển từ ăn muối bột canh sang muối hạt, mua mỡ lợn rán thay dầu ăn cho rẻ", chị Nga chia sẻ.
"Tôi nhớ con lắm nhưng cái gì giờ cũng tăng, điều kiện khó khăn bảo về nhưng chưa về được. Vợ chồng tôi cũng tính thôi cứ ở đây làm cuối tháng về với các con. Tôi cũng luôn động viên, dặn dò các con ở nhà ngoan ngoãn để bố mẹ đi làm.
Gia đình mình không có nên cố gắng nuôi các con ăn học nên người. Hi vọng rồi mọi thứ sẽ dần ổn định trở lại nếu không có lẽ những lao động như chúng tôi phải nghĩ cách khác chứ bám trụ lại mà khó khăn sợ không được lâu", chị Nga chia sẻ.
Có đặt chân đến khu của những người có hoàn cảnh khó khăn này thì mọi người mới hiểu được họ vật lộn như thế nào để trải qua từng ngày trong cuộc sống khó khăn đến vậy. Hỏi ai ở thời điểm này về ước mong duy nhất của họ thì họ cũng chỉ mong mọi thứ được bình ổn giá để với số tiền kiếm được từ sức lao động của mình đủ để họ bám trụ lại mảnh đất Thủ đô này.
Gia Đoàn