(Tổ Quốc) - Trong khi nhiều phụ huynh than trời vì ở nhà trông con quá mệt thì ông bố này lại hoàn thành công việc đó một cách xuất sắc.
Thời gian qua, những diễn biến mới của dịch Covid-19 đã khiến cuộc sống của nhiều gia đình có con nhỏ đảo lộn không ít. Trẻ phải nghỉ học, hạn chế ra ngoài, không được đi chơi, học tập ngoại khóa... mà chủ yếu ở nhà nên bố mẹ cũng cần bố trí, sắp xếp công việc để chăm sóc con cái. Không ít bậc phụ huynh đã cảm thấy căng thẳng trong những ngày ru rú trong nhà cùng con.
Cũng đang ở trong cảnh ở nhà chăm con nhưng vợ chồng anh Phan Anh Vũ (31 tuổi, hiện đang sống ở Hà Nội) lại không quá căng thẳng.
Con gái của anh Vũ là bé An An, hiện được 18 tháng tuổi. Thời gian này bé không đi học được nên anh Vũ và bà xã làm việc online để có nhiều thời gian dành cho con. Ngoài ra, vợ chồng anh còn có sự hỗ trợ của bà ngoại bé An.
"Hàng ngày bé ngủ dậy khoảng 8h30, ăn sáng và bắt đầu tự chơi trong nhà. Mình cố gắng lắp đặt thêm nhiều đồ chơi vận động cho bé để không bị buồn chán do không được ra ngoài. Đến khoảng 12h là cả nhà ăn cơm. Bé sẽ ngồi ghế ăn và tự ăn phần của mình, bố mẹ ăn cơm như bình thường không cần 1 người ăn 1 người bón.
Khi ăn xong mình thả bé xuống khu đồ chơi và bố mẹ đi dọn dẹp. 12h30 sẽ cho bé đi ngủ, để mọi thứ đúng lịch thì giờ ăn và ngủ phải chính xác nếu không sẽ loạn thời đồng hồ sinh học của bé, bố mẹ sẽ vất vả rất nhiều. Chiều khoảng 3h bé ngủ dậy sẽ ăn nhẹ hoa quả hoặc sữa chua rồi lại chơi. 7h tối lặp lại bữa ăn giống bữa trưa.
Khoảng 8h30 mình sẽ cho bé xuống đường đi dạo, đây là lúc khá mát và vắng người. Cuối cùng là 9h30 cho bé đi ngủ" - anh Vũ chia sẻ thời gian biểu 1 ngày của gia đình trong những ngày tránh dịch.
Ông bố trẻ tạo cho con nhiều trò chơi tại nhà.
Nhiều ông bố bà mẹ cảm thấy rất mệt mỏi và căng thẳng trong những ngày ở nhà trông con. Anh Vũ cho rằng, việc trông con nhỏ sẽ rất vất vả nếu như các bậc phụ huynh không có một lịch trình đều đặn. Khi đó, bố mẹ khó đoán được con đang cần gì, đang gào khóc vì cái gì để xử lý nên dẫn tới stress.
Ngay từ khi con còn là em bé sơ sinh, vợ chồng anh Vũ hạn chế cho bé tiếp xúc với điện thoại, chỉ bật nhạc bằng loa cho bé chứ không bật hình. Bé An không bị nghiện điện thoại mà thích các trò chơi vận động, nhờ đó mà cô bé tiêu hao nhiều năng lượng, chân tay cứng cáp, hoạt bát, năng động và ăn uống tốt hơn.
"Rèn luyện cho bé tự chơi 1 mình cũng là biện pháp giúp phụ huynh đỡ mệt khi trông con. Đọc sách, truyện chính là một trong những trò chơi bé có thể chơi 1 mình lâu nhất. Có lần mình thấy bé cầm 1 cuốn truyện lật qua lật lại rồi nói bi bô tới 1 tiếng không cần quan tâm tới bố mẹ.
Bé được vận động và còn trở thành "chân sai vặt" của bố.
Ngoài ra mình cũng hay tạo ra "công ăn việc làm" cho con để bé biết nghe lời. Ví dụ mình pha sữa và để ở 1 góc xa rồi nhờ bé chạy ra đó lấy về rồi mới được uống. Việc sai vặt như vậy giúp bé nhà mình vâng lời hơn và không bị chán những đồ chơi đã chơi hàng ngày.
Mẹ bé cũng rèn luyện việc ngủ nghỉ, ăn uống của con ngay từ khi lọt lòng nên hiện tại vợ chồng mình rất nhàn trong khoản này. An An có thể ăn như người lớn từ lúc 12 tháng tuổi, ăn cơm trắng với thịt, cá... Hiện tại bé đã biết nhè những thức ăn cứng cỡ to như xương hay hạt hoa quả không cắn được" - Anh Vũ nói thêm.
Anh Vũ luôn thiết kế nhiều trò mới để con có cơ hội khám phá.
Hiện tại, vợ chồng anh Vũ vẫn luôn cố gắng tạo ra những thứ mới mẻ để con gái có thể khám phá. Bởi anh hiểu rằng, trẻ nhỏ cũng giống như người lớn, luôn hứng thú, thích tìm hiểu và khám phá những cái mới.
Còn về bí quyết để có thể ở nhà trông con trong một thời gian dài mà không bị stress, anh Vũ bày tỏ: "Các bạn hãy sắp xếp thời gian và đừng phân tâm khi chơi với con. Khi chúng ta đang bị phân tâm bởi những thứ khác, chẳng hạn như nhắn tin tán gẫu với bạn bè, xem điện thoại trong lúc chơi với con thì tự nhiên sẽ thấy các bé thật phiền phức và chỉ muốn chúng tránh xa mình ra càng nhanh càng tốt.
Vì vậy nên khi trông con mình thường không dùng điện thoại. Ngoài ra để đỡ mệt, mình dùng các loại tường quây để tạo ra các vùng an toàn, đảm bảo các bé không thể có vấn đề gì quá nguy hiểm khi đứng trong khu vực đó. Lúc mệt mình vẫn thường chui vào những vùng như thế để ngủ mà không cần lo lắng bé sẽ gặp điều gì nguy hiểm".
Minh Phương