(Tổ Quốc) - Cây đổ, trường sập khi đang tu sửa, điện giật, quạt trần rơi vào đầu... là những tai nạn trong ngôi trường mà các bạn nhỏ đang học tập mỗi ngày.
Đã 3 ngày trôi qua kể từ khi nam sinh lớp 6 trường THCS Bạch Đằng ra đi mãi mãi vì cây phượng đổ. Chẳng ai có thể ngờ cái buổi sáng 26/5 ấy lại là ngày cuối cùng em được tới trường. Nỗi đau vẫn còn đó với gia đình em, dư luận chưa hết bàng hoàng, thương xót.
Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên một sự cố đáng tiếc, để lại hậu quả đau lòng xảy đến trong môi trường học đường. Những bóng cây, mái hiên hay quạt trần... những cơ sở vật chất tưởng chừng như vô hại, vốn được sinh ra để phục vụ cho nhu cầu học sinh lại một ngày trở thành "tai họa" dội xuống đầu các em.
Cây phượng đổ trong sân trường Bạch Đằng giống như hồi chuông cảnh báo, khiến chúng ta giật mình nhìn lại những sự việc thương tâm trong quá khứ. Nỗi đau một ngày nào đó rồi sẽ nguôi ngoai, nhưng nỗi lo, nỗi sợ thì vẫn còn đó với các bậc phụ huynh, ngày ngày đưa con em tới trường lớp.
Học sinh lớp 2 bị điện giật tử vong trong giờ ra chơi
Cách đây không lâu, vào khoảng 8h50 sáng ngày 24/10/2019, khi đang chơi đùa cùng bạn vào giờ ra chơi ở bãi cỏ thì Hoàng Gia H. (SN 2012, học sinh lớp 2B, Trường Tiểu học xã Tuy Lai - Mỹ Đức - Hà Nội) bất ngờ bị điện giật.
Khi giáo viên phát hiện thì mọi chuyện đã quá muộn, H. đã tử vong. Nguyên nhân ban đầu được xác định do em dẫm chân lên sợi dây điện bị đứt, rơi ở bãi cỏ phía sau phòng học.
Sau khi sự việc xảy ra, nhà trường đã thông báo cho gia đình và cơ quan chức năng. Công an huyện Mỹ Đức cùng Công an xã Tuy Lai đã nhanh chóng có mặt niêm phong hiện trường. Xã cũng đã cử một đoàn cán bộ xuống thăm hỏi và động viên gia đình.
Tuy nhiên, nỗi đau của bậc cha mẹ khi phải chứng kiến sự ra đi của con trẻ thật khó để nguôi ngoai.
Bị cột sắt cắm vào đầu trong giờ thể dục
Chiều 9/4/2019, lãnh đạo UBND xã Văn Tố (huyện Tứ Kỳ - Hải Dương) cho biết: Một học sinh lớp 6, trường THCS Văn Tố trong tiết thể dục bị cột nhảy cao đổ vào đầu dẫn đến chấn thương nghiêm trọng.
Theo quan sát, chiếc cột dùng trong môn nhảy cao gây thương tích cho nam sinh lớp 6 trên làm bằng sắt, có các mấu sắt dài khoảng vài cm gắn vuông góc với thân cột nhảy cao.
Chính vì thiết kế này, khi cháu bé bị cột đổ vào người và không thể tách ra. Thầy cô và những người liên quan phải mang cả chiếc cột trên tới bệnh viện tỉnh Hải Dương để cấp cứu cho nam học sinh.
Vữa trần phòng học bị sập rơi trúng 3 em học sinh lớp 1
Vào khoảng 16h30 chiều ngày 26/11/2018, tại phòng học của lớp 1C trường tiểu học Lý Học (xã Lý Học - huyện Vĩnh Bảo - Hải Phòng) đã xảy ra một vụ tai nạn hy hữu.
Trong lúc cô trò lớp 1C đang chuẩn bị ra về thì bất thình lình cả mảng vữa lớn trên trần nhà rơi trúng 3 học sinh khiến các em phải đi cấp cứu.
Theo phản ánh của nhiều phụ huynh học sinh, trường tiểu học Lý Học có nhiều phòng học đã xuống cấp nghiêm trọng trong đó có phòng học của lớp 1C.
Mặc dù phụ huynh đã có đơn xin đề nghị không học ở phòng học đó nhưng không hiểu sao nhà trường vẫn sắp xếp cho học sinh học tại phòng học đang trong tình trạng kể trên.
Học sinh tiểu học rơi xuống cống sâu trước cổng trường
Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh, bà Vũ Liên Oanh cho biết, sự việc xảy ra vào chiều 23/3/2018 tại trường Tiểu học Quang Trung (Hạ Long - Quảng Ninh).
Theo đó, em D.Đ.M (học sinh lớp 5) bị ngã xuống khu vực cống đang thi công ngay trước cổng trường khi đang trên đường về nhà.
Nhiều người dân nhìn thấy đã kịp thời cứu cháu bé, lúc này dưới cống có lượng nước lớn, rất may mắn cháu M chỉ bị thương nhẹ.
Đáng buồn hơn, trước đó ngày 14/8/2017, 3 học sinh trường THCS Lý Tự Trọng (TP.Hạ Long) đã bị rơi xuống cống khi đang đi học về, người dân đã kịp thời cứu được hai cháu, còn cháu Phạm Bích Diệp (học sinh lớp 6) bị cuốn trôi và tử vong.
Sập trường học đang trong quá trình tu sửa
Sự cố nêu trên xảy ra vào chiều ngày 14/8/2018. Hiện trường là khu phòng học 2 tầng của trường Tiểu học Phú Nghiêm (xã Phú Nghiêm - huyện miền núi Quan Hóa - Thanh Hóa).
Vào thời điểm trên, trong khi một số công nhân đang tiến hành tu sửa tại đây thì dãy nhà có hiện tượng nghiêng dần.
Khi phát hiện, nhóm công nhân làm việc tại đây đã nhanh chóng thoát ra ngoài. Chỉ một lúc sau khi nhóm công nhân vừa ra khỏi khu vực dãy nhà đang sửa, một phần khu phòng học 2 tầng bất ngờ đổ sập xuống.
Tại hiện trường, khung cảnh đổ nát nghiêm trọng, nhiều phòng học khác cũng bị ảnh hưởng nhưng rất may mắn, không hề có thiệt hại về người cũng như không ảnh hưởng đến học sinh đang theo học tại trường.
Nhiều tai nạn từ việc quạt trần trong lớp học rơi
Sáng 15-4-2016, 30 học sinh lớp 8A Trường THCS Mỹ Lộc (huyện Can Lộc - tỉnh Hà Tĩnh) ngồi học trong lớp thì chiếc quạt trần đang quay bất ngờ rơi trúng hai em (một nam và nữ) gây thương tích, phải đưa đến trạm y tế xã Mỹ Lộc điều trị.
Nam sinh bị cánh quạt làm chảy nhiều máu ở đầu, phải khâu 4 mũi, còn nữ sinh chấn thương nhẹ trên bả vai.
Theo các thầy cô trường THCS Mỹ Lộc, quạt trần bị rơi sử dụng được khoảng 10 năm, quá cũ và đang chờ sửa chữa hoặc thay mới.
Ngày 11-4-2016, sinh viên Đại học Thương mại (Hà Nội) đang ngồi học tại giảng đường V501 thì chiếc quạt trần rơi trúng hai nữ sinh. Chiếc quạt trần rơi do bị chập điện, mắc lại và rơi từ từ nên hai em chỉ bị thương nhẹ ở phần mềm, có thể đi học lại bình thường sau sự cố.
Theo các sinh viên, nhiều chiếc quạt tại giảng đường thời điểm đó đều đã cũ kỹ và hoen gỉ. Do đó, tai nạn quạt trần rơi trúng đầu xảy ra khiến nhiều sinh viên trong trường lo sợ.
Rất nhiều những tai nạn xuất phát từ nguyên nhân cơ sở hạ tầng trong chính ngồi trường, nơi mà đáng lẽ ra phải là địa điểm an toàn nhất đối với lứa tuổi học trò.
Mặc dù không ít trường hợp, tai nạn là "tai bay vạ gió" chẳng thể lường hết được đối với nhà trường. Tuy nhiên, không ít vụ việc tai nạn không nên có đã có những dấu hiệu để cảnh báo trước đó nhưng điều đáng tiếc vẫn xảy ra.
Sau sự việc cây phượng đổ khiến 18 em học sinh thương vong, ông Nguyễn Vạn Phúc - hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM đã nhận trách nhiệm về mình, dù đây là tai nạn hoàn toàn ngoài ý muốn.
"Cây đổ là sự cố đáng tiếc, nhà trường không mong muốn nhưng sự việc đã xảy ra rồi. Nếu nói về trách nhiệm thì tôi xin nhận, vì mình là hiệu trưởng".
Xây dựng 1 môi trường học tập an toàn cho các em là mục đích cuối cùng mà xã hội hướng đến. Chính vì vậy, việc rà soát, lường trước nguy cơ tiềm ẩn, phòng tránh thay vì phải gánh chịu và giải quyết với hậu quả đáng tiếc là điều cần thiết được quan tâm nhất hiện nay.
Nên khai tử những cây xanh "tử thần"
Liên quan tới sự việc cây phượng đổ khiến học sinh lớp 6 ở TP.HCM tử vong, trao đổi với PV báo Tổ Quốc, TS Nguyễn Nguyên Cương - Giám đốc Trung tâm Giáo dục, Truyền thông và Môi trường (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho hay, sự việc cây đổ làm một học sinh tử vong ở TP. HCM là chuyện rất đáng buồn và xót xa.
Theo ông, cây xanh cực kỳ quan trọng đối với các thành phố lớn không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới. Hiện nay, tỷ lệ cây xanh tại nước ta chỉ đạt 7 – 8 %, rất thấp so với nhiều nước khác. Việc các thành phố lớn trồng cây xanh, cây cổ thụ là bắt buộc, tuy nhiên trồng và chăm sóc như thế nào để vừa đẹp, vừa an toàn là câu chuyện không dễ dàng. Quan trọng nhất là phải quy hoạch lại cây xanh trong thành phố một cách bài bản.
Thời gian qua ở Hà Nội có nhiều vụ cây xanh bật gốc đè chết người, trúng ô tô khiến người đi đường lo lắng xảy ra khá nhiều. Trên nhiều tuyến phố tại Hà Nội, không khó để tìm thấy những cây xanh lâu năm, mọc nghiêng hẳn ra lòng đường, gốc trồi lên trên, khiến người dân không khỏi lo lắng.
"Cây xanh bị gãy, đổ thường là cây bị sâu mục gốc, thân, cành; cây nặng tán lâu năm không được cắt sửa. Đặc biệt, nhiều trường hợp khó phát hiện bằng cảm quan, như cây bị xâm hại, chặt rễ hay nơi mực nước ngầm thấp, không gian sống của rễ hạn chế, rễ cây không phát triển được...
Điều đó lý giải vì sao có những cây nhìn bề ngoài xanh tốt mà vẫn bị đổ dù không có gió lớn. Khi mưa quá nhiều sẽ khiến kết cấu đất thay đổi, chỉ cần một đợt gió bão lớn là cây có khả năng bật gốc cao. Việc đảm bảo an toàn cho người đi đường là trách nhiệm của công ty công viên cây xanh Hà Nội", ông Cương nói.
Mạn Ngọc (T/H)