(Tổ Quốc) - Giáo sư Xoay (Đinh Tiến Dũng) nói về dấu hiệu nhận biết “biến cố hôn nhân” có vẻ hài hước như thế là có lý do…
Ghi dấu ấn với hình ảnh một nhân vật trí tuệ hài hước ở hình ảnh giáo sư Cù Trọng Xoay hoặc MC Ai là triệu phú nhưng bất ngờ Đinh Tiến Dũng cho biết anh đang tham gia vai trò MC ở một chương trình cực nghiêm túc bàn về hậu ly hôn có tên "Lối ra". Vì sao có sự xuất hiện ấy?
Đây cũng là lần hiếm hoi Giáo sư Xoay trải lòng về chuyện hôn nhân gia đình nhà mình, về "mê cung" bắt đầu bằng 2 chữ ly hôn mà nhiều người lạc lối ở đó mà loay hoay mãi không tìm thấy lối ra…
Bao nhiêu cặp đôi bạn bè “toang”, thậm chí đám cưới họ tôi từng làm MC
Giáo sư Xoay hài hước hồi ấy giờ xuất hiện ở “Lối ra”, một chương trình bàn về hậu ly hôn. Cái tên này sẽ khiến người ta nghĩ ngay đến những drama “đẫm nước mắt” hứa hẹn triệu view?
Tôi đã ấp ủ format chương trình này từ lâu. Xung quanh tôi bạn bè, đối tác ly hôn nhiều quá. Thậm chí nhiều đám cưới tôi làm MC mà giờ phải chứng kiến cả đôi bên chất chứa tâm sự và rồi cuối cùng… toang. Tôi là người nghe câu chuyện từ 2 phía. Tôi cũng không làm cầu nối giải quyết được vấn đề của họ, vì đôi khi đó là chuyện trong đầu mỗi người chứ không phải vì họ không hiểu nhau.
Nhưng vấn đề đáng nói hơn kết thúc cũng chưa phải là hết, nhiều người sau đó vẫn còn loay hoay trong “hệ lụy” của cuộc hôn nhân cũ rất lâu và lùng bùng trong mê cung ấy, không tìm được lối ra vì chìm trong hận thù, đau khổ.
Tôi muốn làm một chương trình mà những người đã tìm thấy “lối ra” sẽ nói cho những ai đó sắp, đang hoặc dự định sẽ ly hôn có thể có cái nhìn toàn diện hơn với hy vọng biết đâu có thể là “cứu cánh” cho họ. Vì nếu đã “mất công” bỏ nhau để tìm hạnh phúc mới, nhưng vẫn lặn ngụp trong đau khổ thì quả là không đúng cho lắm.
Chúng tôi chọn một đường đi khác để không mang nỗi đau của nhân vật ra mà gặm nhấm. Hoàn toàn có thể làm một chương trình triệu view, đầy drama, “miếng bánh đó khá hấp dẫn”, nhưng chúng tôi đã đấu tranh để làm một chương trình… có giá trị. Hơn nữa, vì có nhiều người liên quan khác, đặc biệt là đứa con.
Bạn sẽ không thấy cảnh đánh ghen, sự hằn học và nước mắt của những ngày cùng cực nhất của nhân vật. Sẽ có chia sẻ trước hôn nhân họ đến với nhau như thế nào và sau khi kết thúc cuộc hôn nhân họ đã đối xử với nhau, với chính mình như thế nào để tìm được lối ra.
Một giáo sư Xoay “nhòm mặt” đã buồn cười giờ đứng ở “Lối ra” với đầy vẻ thâm trầm, sâu sắc và hiểu chuyện, như thế có sợ lạc lối không “giáo sư”?
Đúng là dù nghe có vẻ ngược, nhưng có khi đó cũng là cái hay nếu biết biến điểm (có vẻ) yếu thành điểm mạnh. Đề tài về hậu ly hôn, nếu tôi cũng là một người thâm trầm có khi sẽ dìm chương trình trong bể cảm xúc của nước mắt và khiến người xem trĩu nặng. Có nhiều chương trình mặc định khi nhạc hiệu phát lên là người ta đã chuẩn bị sẵn khăn lau nước mắt, nhưng mục đích của chúng tôi là muốn một sự lạc quan trở lại. Ly hôn chưa phải là hết!
Theo một thống kê thì có gần 200 cặp đôi ly hôn/ngày, số ca ly hôn trẻ tuổi ngày càng tăng. Có những người ly hôn ở tuổi 20, nếu họ sống đến 80 thì vẫn còn 60 năm cuộc đời nữa. Vì vậy, phần tiếp theo họ phải viết tiếp một cách lạc quan.
Và cũng thật may là nhân vật của tôi cũng có nhiều chia sẻ, việc của tôi chỉ cần lắng nghe, gật đầu, nếu có hỏi cũng chỉ là để khách mời có thời gian nghỉ ngơi một chút nên cũng không có gì quá khó khăn. Nhưng cái khó nhất là khi tôi nghĩ đến người xem.
Khách mời đã thoát ra khỏi đau khổ rồi và họ đổ ra trên bàn tất cả những thứ họ muốn chia sẻ, ekip của tôi là người phải chọn tìm đúng chìa khóa cho ai đó đang cần.
Vợ chồng tôi luôn có ý thức gìn giữ sức khỏe một cuộc hôn nhân hàng ngày
Dù người ta nhìn vào thấy giáo sư Xoay đang có một cuộc hôn nhân bình ổn, nhưng anh thú thực đi đã có khi nào vợ chồng anh cũng đã nghĩ tới chuyện ly hôn?
Chúng tôi cũng cãi nhau như bao gia đình khác. Có lúc cãi nhau căng, tôi bảo vợ: “Này chúng mình cãi nhau thế này xong còn ở với nhau nữa không. Nếu vẫn còn ở với nhau thì thôi không cãi nhau nữa, vì thắng thua cũng đâu có giải quyết được chuyện gì”. Thế là cả hai bình tĩnh lại chuyển sang chế độ… đối thoại. Đôi lúc chúng tôi vẫn có những cuộc cãi vã nhỏ lẻ như “tập thể dục” vậy, nhưng cả hai giờ đều hiểu cãi vã là một chuyện vô bổ mất thời gian, mất hòa khí; song đối thoại thẳng thắn thì luôn cần.
Đối thoại có phải là 2 từ gốc cho một mối quan hệ bền lâu khi mà bạn bè cho rằng Đinh Tiến Dũng thời độc thân rất “chăm” cãi nhau; sau khi lập gia đình bỗng khác hẳn, trở thành một người chồng, người cha hiểu chuyện và tương đối… dịu dàng…
9 năm đã qua vợ chồng tôi vẫn ổn là vì chúng tôi luôn đối thoại. Tôi nhận ra nhiều cuộc ly hôn xảy ra là vì những người đã từng yêu nhau giờ không còn đối thoại được với nhau nữa. Những gì xấu xí nhất chúng tôi không lấp liếm hay che đậy nó đi mà thẳng thắn đối thoại, từ việc đối nội đối ngoại, nuôi dạy con cái, tài chính… Vì thế, những “lỗ hổng” nhỏ được vá kịp thời.
Chúng tôi luôn có ý thức gìn giữ sức khỏe một cuộc hôn nhân và chăm sóc nó đều đặn hàng ngày. Và khi được chăm sóc hàng ngày, tháo gỡ từ những mâu thuẫn nhỏ thì nó sẽ không tích tụ thành một quả bom để phát nổ nữa. Chuyện gì chúng tôi cũng nói chuyện thẳng thắn với nhau mà không sợ người này đánh giá người kia là nhỏ mọn. Và khi ngủ dậy chúng tôi quên hết những căng thẳng có lúc đã xuất hiện.
Tuy nhiên, hôn nhân không ai nói mạnh được đâu. Nhiều cặp đôi kiểu mẫu cũng đã tan vỡ và chúng ta chẳng qua không biết hết được trong một cuộc tình. Có vô vàn lý do khiến người ta ly hôn với những câu chuyện của riêng họ, nên đừng tham vọng đứng ngoài cuộc mà khuyên ai đó ly hôn hay không ly hôn.
Với nhiều người ly hôn cũng là cơ may của sự giải thoát
Tôi đã hỏi một người bạn về quan hệ sau ly hôn của họ, người ta đã trả lời bằng 2 từ “cạch mặt”. Đã có 8 nhân vật được ghi hình trong “Lối ra”, theo anh sự bế tắc sau ly hôn liệu có đến từ 2 từ “cạch mặt” đó?
8 nhân vật đã ghi hình hiện tại họ đều giữ mối quan hệ tốt với người cũ. Bởi vì ly hôn không phải là chuyện của 2 người mà còn là chuyện con cái, họ đã “deal” với nhau để duy trì quan hệ tốt. Có người chồng cũ còn thân với chồng mới của nhân vật, họ không đến nỗi phải “cạch mặt”.
Nhưng tôi nghĩ, họ cũng đã phải trải qua một thời gian để đến được sự hòa bình đó. Có điều thế này, để có mối quan hệ văn minh sau ly hôn điều đầu tiên mỗi người phải tự tìm thấy được sự bình ổn trong chính bản thân mình đã.
Dù ngay cả khi họ vẫn một mình, nhưng họ chấp nhận phần khuyết thiếu đó, không cần làm màu làm mè để tỏ ra cho đối phương thấy tiếc mình. Họ vẫn còn cầu nối là con cái nên không thể nói chia tay là… đoạn tuyệt.
Nếu trong nhóm bạn bè tôi, một chị rất kín tiếng trên MXH, bỗng thời gian gần đây lại chăm chỉ post nhiều ảnh bikini thì y như rằng là có chuyện. Là vì tâm lý gấp gáp muốn tìm lại sự tự tin của bản thân, muốn cho đối phương phải tiếc nuối: “Chị không show ra thôi, chứ show ra cũng ối người thèm đấy”. Và dù họ giống như là đang “enjoy” cuộc sống ở trên MXH, nhưng lại tố cáo họ vừa thoát ra khỏi một cuộc hôn nhân dù họ chưa từng tuyên bố.
Vậy vấn đề giải pháp không nằm ở “bikini” để nhận những lời tán dương hoặc cho người cũ tiếc nuối, mà cái chính phụ nữ phải tự biết cách làm cho mình bên trong ổn đã đúng không?
Điều đó cũng đúng, nhưng bikini cũng có thể là giải pháp. Có thể những lời khen khiến chị cảm thấy tự tin vào bản thân hơn và phần nào có thể chữa lành những vết thương hở ra. Nên có khi dù là “sống ảo” nhưng lại có tác dụng thật. Song hành cả việc làm cho bản thân mình tự tin hơn, lại biết yêu chính mình nữa có lẽ sẽ có hiệu quả.
Tuy nhiên, đừng quá lệ thuộc vào những lời khen trên MXH, hãy dùng nó vừa đủ, vì khi nghiện rồi thì người ta sẽ càng cần đến liều cao hơn. Lúc đó bóc phốt chồng cũ có nhiều like sẽ khiến chị cuốn vào vòng xoáy này và làm cho vết thương càng khó liền hơn. Con thú thường tự liếm láp vết thương để nó mau liền hơn.
Dù phụ nữ có thể do vướng bận nuôi con cái nên vết thương có thể dai dẳng hơn đàn ông. Dù ly hôn có thể vẫn còn những hậu quả để lại, nhưng với nhiều người ly hôn cũng là cơ may của sự giải thoát.
ĐX