(Tổ Quốc) - Ở nhà giãn cách, chị em muốn giảm tải số lần đi chợ hoặc gọi ship 1 lần nhiều đồ để tránh tiếp xúc. Tuy nhiên cũng vì điều này mà các tình huống "dở khóc dở cười" phát sinh.
Mua 6 triệu tiền thực phẩm trữ ăn ngày giãn cách mà chẳng may tủ lạnh lại "đình công"
Câu chuyện bi hài này là của chị Ngọc Anh ở Gia Lâm. Trước ngày giãn cách, chị Ngọc Anh đã trữ thực phẩm bao gồm 7 kg thịt ba chỉ, 3 kg sườn, 3 kg cá basa, 2 set giả cầy, 2 kg nạc vai, 2 kg thịt chân giò, 2 kg mực ống, 2 kg râu bạch tuộc, một kg xúc xích, một kg ba chỉ gác bếp, một kg bò khô, một kg tôm nõn. Bên cạnh đó là đủ loại rau củ. Tổng chi phí khoảng 6 triệu đồng.
Chia sẻ lý do mua trữ nhiều thực phẩm đến thế, chị Ngọc Anh chia sẻ là vì gia đình kinh doanh, cần nấu cả đồ ăn cho nhân viên nên lúc nào chị cũng có thói quen mua trữ thực phẩm. Khi đợt mua trữ này vừa đúng trước ngày thông tin giãn cách được tuyên bố, chị Ngọc Anh còn xuýt xoa với chồng "may mắn đã kịp chuẩn bị và yên tâm nửa tháng tới không phải đi chợ nữa".
Thế nhưng bi hài ở chỗ, chỉ ngay ngày hôm sau chiếc tủ lạnh với cả cơ man các đồ trữ đông như thế bỗng dưng đòi đình công không chịu chạy. Sau khi phát hiện điều này cả gia đình đã được phen tá hỏa. Nhấc máy lên gọi thợ sửa tủ lạnh ai cũng đều từ chối vì không muốn ra đường tầm này sẽ bị phạt.
Lực bất tòng tâm, hai vợ chồng đành đem thực phẩm tích trong tủ thái nhỏ ra để phơi khô bảo quản ăn dần. Chị Ngọc Anh thái thịt đến đâu thì hai con đứng xếp vào rổ rá đến đó. Chồng chị Ngọc Anh sẽ là người vận chuyển lên mái tôn để phơi. Mấy ngày giữa trưa nắng, hai vợ chồng phải leo lên mái tôn đảo, mỗi lần mất cả nửa tiếng.
"Nhà mình loanh quanh cũng tới 4 ngày mới thu gom hết đồ phơi khô đó", chị Ngọc Anh chia sẻ.
Mua trứng lộn bỗng nở ra con
Nguyễn Thúy Hồng, 27 tuổi đang sống ở một chung cư Bắc Từ Liêm cũng kể lại tình huống dở khóc dở cười khi trữ thực phẩm của gia đình. Buổi sáng, chị Hồng đang nấu cơm thì nghe thấy tiếng liếp nhiếp. Lật đống đồ lên mới phát hiện có 7 con chim cút mới nở.
Hóa ra đây là 7 con nở từ những quả trứng cút lộn mà chị mua trước thời điểm giãn cách. Chị vốn định để ăn dần nhưng chưa kịp thì đã nở thành con.
Không riêng nhà Hồng, nhiều gia đình khác chung cảnh "mua trứng nở ra con". Hai mẹ con chị Mai Phương (ở Đà Nẵng), mua 3 quả trứng lộn, sau một tuần thì cũng nở cả ba. Một gia đình ở TP HCM chia sẻ mua 20 quả trứng lộn, ăn đến quả thứ 13 thì có một con nở. Cậu con trai 7 tuổi còn nhất quyết không cho bố mẹ ăn số trứng còn lại.
Mua đầy tủ lạnh thực phẩm, mà không có đồ muốn ăn
Trong những ngày giãn cách xã hội, hạn chế ra ngoài thì nhiều bà nội trợ chọn cách sắm thực phẩm với số lượng gấp 2 thậm chí gấp 3-4 lần so với bình thường. Cũng có chung tâm lý đó, chị Lương ở Nam Từ Liêm cũng đặt online khá nhiều đồ ăn. Thế nhưng bà nội trợ này lại rơi vào tình trạng tủ chất đầy đồ nhưng không có món nào muốn ăn cả.
Đơn giản vì chị Lương đặt đồ online ở chung cư. Lướt đặt kha khá từ 2 hộp nem cá, một kg pate, 500 gram sốt mì Ý, cá thu, thịt lợn, thịt bò và rau quả.
"Mấy món chế biến sẵn thì hương vị không ngon nên còn nguyên. Cá thu thì các con chê vì không giống loại ở quê vẫn thường được ăn. Tưởng mua nhiều mà cuối cùng cả gia đình lại quanh quẩn ăn thịt, trứng, lạc. Cuối tuần rồi được phát phiếu đi chợ, mình mới ra ngoài bổ sung thêm đồ ăn".
Tủ lạnh nhiều thực phẩm vì mua trữ nhưng không đáp ứng đúng nhu cầu và khẩu vị gia đình.
Mách mẹo cho bà nội trợ mua đúng thực phẩm cần, cách bảo quản dài ngày mà vẫn tươi ngon
Các mẹo mua sắm thực phẩm:
- Kiểm tra những gì bạn đang có ở nhà trước khi đi chợ.
- Lập danh sách mua sắm chi tiết, tránh mua thiếu hoặc mua những món đồ không cần thiết.
- Tìm hiểu trước các dịch vụ của siêu thị/cửa hàng, có thể đặt online về nhà nếu không muốn ra ngoài.
- Nên mua thực phẩm từ 2 - 5 ngày, không nên tích trữ quá nhiều.
Bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn về cách thực hiện trong bài viết này.
Bảo quản thực phẩm dài ngày mà vẫn tươi ngon chú ý những điều sau:
- Sau khi mua phải phân loại thực phẩm ngay lập tức: Các loại tươi sống thì làm sạch, sơ chế, để ráo rồi cấp đông. Các loại đồ khô thì bảo quản ở nơi thoáng khí, khô ráo, mát mẻ. Đối với rau củ cũng rửa sạch, để ráo nước rồi bảo vào ngăn tủ lạnh.
- Đóng gói thực phẩm an toàn để duy trì được độ tươi ngon của thực phẩm. Nên đảm bảo cho đôi bàn tay được sạch sẽ và chỉ sử dụng các loại túi sạch (còn mới) trước khi cho thực phẩm vào và bịt kín.
- Không đặt quá nhiều đồ vào bên trong tủ lạnh để tránh ảnh hưởng đến các luồng khí lạnh luân chuyển, khiến cho thực phẩm được làm lạnh không đồng điều.
- Đặt nhiệt độ phù hợp để bảo quản từng loại thực phẩm. Đối với rau củ từ 1 - 4 độ C. Thực phẩm tươi sống từ 1 - 3 độ C hoặc ở ngăn đông -18 độ C.
- Chỉ tích trữ thực phẩm tươi sống, không mua đồ qua chế biến vì để dài ngày sẽ ảnh hưởng tới chất lượng và hương vị.
- Sắp xếp thực phẩm hợp lý bằng cách đặt thực phẩm mới vào phía bên trong tủ và những thực phẩm cũ trước đó đặt ở phía ngoài để tiện lấy ra sử dụng.
- Xếp gọn gàng các hộp chứa thực phẩm, các túi thực phẩm có thể xếp chồng lên và lót khay.
- Ghi chú thời gian và dán trên bao bì hộp hoặc túi thực phẩm để biết được thời gian sử dụng.
- Cần vệ sinh tủ lạnh định kỳ từ 3 - 6 tháng/lần.
Ảnh: Internet
Hồng Nhung