(Tổ Quốc) - Cùng xem việc mua nhà ở Pháp có gì khác biệt so với tại Việt Nam qua lời kể của chị Anna Nguyễn.
Nếu bạn còn chưa biết thì nước Pháp là nơi được mệnh danh là một trong những đất nước đáng sống nhất trên thế giới. Và điều này cũng đồng nghĩa với việc nơi đây luôn nằm trong top những quốc gia có thuế bất động sản thuộc hàng đắt đỏ nhất.
Câu chuyện mua nhà ở Pháp như thế nào luôn khiến những người có nhu cầu hoặc đơn giản là muốn tìm hiểu cách thức mua nhà ở mảnh đất này quan tâm.
Liên hệ trực tiếp với chị Anna Nguyễn (người Việt đang sinh sống tại Pháp) để nghe kể về cách anh chị mua nhà tại đây. Hiện tại, hai vợ chồng chị Anna Nguyễn đang sở hữu 1 căn nhà và 2 căn hộ chung cư tại Pháp.
Thời điểm hiện tại sẽ gặp khó khăn khi vay ngân hàng mua nhà vì dịch bệnh
Căn hộ chung cư đầu tiên được chị Anna Nguyễn mua vào đầu năm 2019, mất 2 tháng để sửa lại căn hộ và mua sắm các trang thiết bị.
Ban đầu hai vợ chồng cũng gặp khó khăn khi tìm người thuê vì đều là người không có kinh nghiệm. "Cũng có lúc mình nghĩ tới việc hay dọn đến đó sống thay vì cho thuê. Nhưng sau 1 thời gian tìm kiếm thì căn hộ cũng lần lượt cho thuê được đủ số phòng".
Căn hộ thứ 2 chị Anna Nguyễn mua vào đầu năm 2020, thời gian sửa sang mất khoảng 1 tháng. Ngay sau đó thì gặp đúng đợt dịch bệnh tháng 3 khi toàn nước Pháp bị phong tỏa nên hai vợ chồng gặp khó khăn trong việc tìm người thuê.
Còn căn nhà đất thì chị Anna Nguyễn mới mua trong đầu năm nay, sửa nhà hết 1 tháng và hai vợ chồng đã dọn đến ở.
Căn nhà đất được chị Anna Nguyễn mua với giá đắt hơn căn hộ. Cụ thể, giá nhà đất vào khoảng 7 tỷ đồng, giá mua căn hộ là khoảng 5 tỷ đồng. Sau khi mua, chị Anna Nguyễn cho thuê lại 2 phòng ngủ 10 mét vuông với giá 430€ (12 triệu đồng) cộng thêm 65€ tiền phí (1,8 triệu đồng). Mỗi chỗ đậu xe cho người thuê nhà là 40€/tháng (1,1 triệu đồng).
Ngôi nhà vợ chồng chị Anna Nguyễn sở hữu.
"2 căn hộ chung cư thì vợ chồng mình mua bán khá suôn sẻ, không có vấn đề gì lớn. Riêng căn nhà mặt đất thì gặp khó khăn trong việc vay ngân hàng. Vì đúng năm dịch bệnh phức tạp nên các ngân hàng đều siết chặt việc cho vay, cộng thêm với việc nước Pháp phong tỏa 2 đợt, hai vợ chồng chỉ đang nhận lương thất nghiệp tạm thời trong thời gian đó nên ngân hàng cũng khá nghi ngại.
Lúc vay tiền mua căn nhà mặt đất, vợ chồng mình bị tới 3 ngân hàng từ chối tưởng bỏ cuộc rồi nhưng may mắn lại có 2 ngân hàng khác đồng ý cho vay.
Trong những ngày tháng dịch bệnh trở nên phức tạp thế này không có cách xử lý nào khác ngoài việc kiên trì chờ đợi. Đồng thời, hai vợ chồng cũng phải xin phía chủ nhà kéo dài thời gian mua hơn so với ban đầu", chị Anna Nguyễn chia sẻ.
Thuế và phí khoảng 8% cho cả nhà chung cư và mặt đất
Theo chị Anna Nguyễn, người mua nhà tại Pháp sẽ phải trả thuế trước bạ lên đến 8% giá bán cùng phí đăng kí 5,8%, chưa kể đến khoản phí công chứng tốn thêm khoảng 1% giá trị tài sản.
Những căn nhà mới xây và nhà ở hình thành trong tương lai sẽ phải chịu khung thuế khác. Cụ thể, người mua sẽ phải chịu phí chuyển nhượng 2%, phí đăng kí 0,7% cùng với thuế giá trị gia tăng (VAT) lên tới 20% tính trên giá mua
Sau khi mua nhà, người mua tiếp tục phải chịu một số khoản thuế thông thường khác. Đầu tiên là thuế tài sản. Chủ sở hữu bất động sản phải nộp thuế này hàng năm. Loại thuế này được tính dựa trên khoản thu nhập có được từ bất động sản, có thể "ngốn" tới một nửa giá trị cho thuê của một căn nhà.
Thuế suất cụ thể của loại thuế bất động sản này sẽ thay đổi tùy theo vị trí và tình trạng của căn nhà, nhưng thông thường sẽ rơi vào khoảng 1% đối với nhà chính và 3% đối với căn nhà thứ hai.
Một loại thuế khác là thuế nhà ở. Người sử dụng căn nhà sẽ phải trả khoản thuế này cho chính phủ, dù là chủ sở hữu hay người thuê nhà. Loại thuế này tính theo giá trị cho thuê của căn nhà và các công trình phụ bên ngoài đi kèm. Phần lớn người dân ở Pháp có nhà ở hiện không phải chịu loại thuế này mà chỉ những chủ sở hữu từ ngôi nhà thứ hai trở đi và các gia đình có thu nhập cao mới phải nộp thuế.
Ngoài ra còn có thuế được áp cho những bất động sản có giá trị cao. Loại thuế này dao động từ 0,5% đến 1,5%.
Ngoài ra, khi mua nhà ở Pháp có thể tự mua trực tiếp với chủ nhà hoặc qua môi giới. Phí môi giới chủ nhà phải sẽ phải chịu khi bán thành công nhà.
Xem nhà và vay ngân hàng là hai bước tốn thời gian nhất
Trước đây khi còn sống tại Việt Nam, chị Anna Nguyễn cũng từng chứng kiến bố mẹ mua nhà. Quá trình mua rất nhanh vì không phải vay ngân hàng, cứ đưa đủ tiền là nhận nhà, còn sổ đỏ nhận sau.
Ở Pháp, hai vợ chồng chị phải vay ngân hàng để mua nhà nên sau bước xem và chọn được căn nhà ưng ý thì bước vay sẽ mất thời gian nhất.
"Như gần đây nhất vợ chồng mình ký đồng ý mua nhà vào tháng 10 năm 2020 thì tháng 1 năm 2021 mới nhận được nhà. 2 căn hộ trước thì cũng tương tự mất khoảng 3 tháng kể từ ngày kí đồng ý mua đến khi nhận nhà", chị Anna Nguyễn chia sẻ.
Khi vay ngân hàng tại Pháp, yếu tố pháp lý quan trọng và cần nhất là có hợp đồng lao động không thời hạn. Mức lương càng cao thì sẽ càng dễ vay.
"Người vay có thể bỏ 1 phần, vay phần thiếu còn lại hoặc lựa chọn vay hết. Miễn sao trả ngân hàng hàng tháng không vượt quá 1/3 thu nhập là được".
Tại Pháp, có hai cách vay mua nhà
Cách 1: Thế chấp nhà.
Nó tương tự như cách thế chấp sổ đỏ ở Việt Nam.
Cách 2: Có một công ty sẽ đứng ra mua lại khoản vay này.
Hay nói cách khác là ngân hàng bán lại rủi ro ngôi nhà. Nếu áp dụng cách này, không chỉ ngân hàng duyệt hồ sơ vay mà công ty cũng sẽ duyệt hồ sơ của người vay. Khi ngân hàng đồng ý, công ty này đồng ý thì bạn mới vay được tiền mua nhà.
Còn trường hợp chỉ được ngân hàng đồng ý và công ty này chưa đồng ý thì bạn cũng sẽ không vay được tiền mua nhà.
"Theo mình đánh giá hai cách vay đều có mức độ khó dễ như nhau. Quan trọng là việc họ sẽ đánh giá bạn ở mức lương. Nếu bạn có mức thu nhập cao thì dễ vay còn lương thấp thì sẽ khó vay hơn nhiều", chị Anna Nguyễn chia sẻ.
Thời gian mua nhà, trả nợ ngân hàng trung bình từ 15 - 20 năm
Tại Pháp, người mua nhà và phải trả nợ ngân hàng trong thời hạn trung bình từ 15 - 20 năm.
Thông thường, các gia đình sẽ không đợi đến 15 - 20 năm sau để trả nợ mà chỉ khoảng 7-8 năm một số người thấy bán có lời sẽ bán đi. Trường hợp khác thì họ sẽ đến ngân hàng để thương lượng trả sớm hơn tùy theo tình hình kinh tế của các gia đình lúc đó.
Khi mua nhà, ngân hàng sẽ gợi ý người mua hai mức lãi suất. Lãi suất trả từ lúc đầu cho đến 20 năm sau (nếu ký hợp đồng như vậy) vẫn sẽ không thay đổi, được gọi là lãi suất cố định. Còn mức lãi suất thứ hai được gọi là lãi suất xét lại (hay vẫn gọi là lãi suất thả nổi), lãi suất này ban đầu sẽ được đặt thấp hơn lãi suất cố định.
Nhiều người thường lầm tưởng với sự chênh lệch này mà ham, nhưng người mua khi lựa chọn lãi suất thả nổi ở Pháp sẽ thường có nguy cơ không trả được vì giá nhà lên chứ ít khi xuống. Chính vì thế, cần xem xét thật kỹ khi lựa chọn phương thức, lãi suất này trước khi mua nhà.
Ghi theo lời kể của nhật vật - Ảnh: NVCC
Hồng Nhung