(Tổ Quốc) - Sống ở Hà Nội, nhà lại có 5 người nhưng chưa tháng nào chi tiêu bình thường của gia đình này lại hết hơn 5 triệu đồng. Chính vì thế họ để dành được khoảng 15 triệu mỗi tháng.
Khi nhìn vào con số chi tiêu nhà anh Nguyễn Duy Thơm và chị Hoàng Thị Huệ, 30 tuổi (Yên Nghĩa, Hà Nội), nhiều người có thể không tin. Nhưng anh chị Huệ khẳng định, đó là con số thực của vợ chồng chị hằng tháng.
Vợ chồng chị Huệ đều là những người lao động đi làm thuê. Anh Thơm là quản lý kỹ thuật 1 siêu thị điện máy ở Thanh Xuân, Hà Nội với mức lương tháng 12 triệu đồng. Chị Huệ là nhân viên văn phòng một công ty du học, lương tháng 8 triệu đồng. Tổng cộng, mỗi tháng thu nhập của vợ chồng chị 20 triệu đồng.
Gia đình chị Huệ hiện nay có 5 người bao gồm: Bố mẹ chồng chị, vợ chồng chị và con trai nhỏ hơn 1 tuổi.
Do ở cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km nên nhà chị Huệ may mắn có được mảnh đất khá rộng. Do vườn rất rộng nên bố mẹ chị ở nhà ngoài trông cháu cho vợ chồng chị yên tâm đi làm còn trồng rất nhiều cây ăn quả, thả cá, trồng rau, chăn nuôi gà vịt, lợn. Chẳng thế mà hầu như nhà chị Huệ cái gì cũng tự cung tự cấp, ít phải ra chợ mua đồ ăn.
"Nhà mình không phải đi thuê nhà, lại chưa cho con đi học nên cũng không tốn tiền, bà lại trông con cho đi làm nên không phải thuê giúp việc. Hơn nữa, tiền sữa của con cũng không mất vì con chỉ bú sữa mẹ. Nhà mình chỉ mất khoản tiền điện nước, rồi tiền cỗ bàn, ma chay mỗi tháng là nhiều thôi", chị Huệ tâm sự.
Cụ thể, chi tiêu của vợ chồng chị mỗi tháng cho gia đình 4 người lớn, 1 trẻ nhỏ như sau:
Tiền ăn: 1,5 triệu đồng/tháng
Số tiền ăn ít ỏi này là do nhà chị Huệ đã có sẵn mọi đồ ăn. Thịt lợn mỗi lần chị nhà thịt đều đụng chung với hàng xóm và cất trữ từng túi trong tủ lạnh ăn dần. Vì thế nhà chị Huệ lúc nào cũng có thịt lợn.
Nhà chị cũng có gà vịt sẵn trong vườn nhà nên thích cải thiện thì lại bắt thịt ăn rất tiện lợn. Gà vịt cũng đẻ trứng nên trứng gà, vịt nhà chị Huệ ăn không hết còn phải đem bán.
Thi thoảng muốn ăn cá, bố chồng chị lại mang cần ra ao câu một lúc là có mẻ cá ăn. Hoặc khi cần nhanh chóng, lười câu, chị ra chợ mua 1 bữa cá về nấu, hấp.
Rau trong vườn nhà chị Huệ lúc nào cũng có ít nhất 3-5 loại rau. Vì thế chị Huệ thường không bao giờ phải mua thêm rau củ quả để ăn.
Chỉ thỉnh thoảng chị ra chợ mua ít tôm ngon, ít cua đồng, trai hến hoặc một vài thực phẩm khác như thịt bò, mắm, muối, dầu ăn… để đổi món cho bột của con hơn 1 tuổi của mình.
"Vợ chồng mình ngày nào đi làm cũng mang 2 hộp cơm theo để ăn trưa tại công sở luôn. Như vậy vừa tiết kiệm lại đảm bảo cơm nhà đảm bảo đủ vệ sinh an toàn thực phẩm", chị Huệ nói.
Tiền cỗ bàn, ma chay cưới hỏi: 2 triệu đồng
Nhà chị Huệ là con trưởng nên rất nhiều việc đến tay. Hầu như mỗi tháng tiền cưới hỏi, tiền ma chay hoặc thăm hỏi người ốm, đầy tháng, về nhà mới… cũng mất 1 khoản tiền kha khá ở nhà chị.
"Những việc của nhà chồng, nhà mình thì giờ bố mẹ có tuổi rồi nên vợ chồng cũng phải thay mặt ông bà đi. Hoặc nếu không vào cuối tuần thì vợ chồng đưa tiền cho ông bà ở nhà đi giúp. Vì sống giữa làng quê nên việc làng, việc họ có rất nhiều việc. Nếu tháng nào ít tiền hiếu hỷ thì lại để dành được 1 khoản", chị Huệ nói.
Tiền điện thoại, xăng xe: 800 ngàn đồng
Vì vợ chồng chị Huệ đều đi làm xa nhà khoảng 7-10km nên tiền xăng xe mỗi tháng của vợ chồng chị hết khoảng 600 ngàn đồng. Khi đi đến nơi làm việc, anh chị cũng không phải ra ngoài nên tiền xăng xe không mấy tốn kém.
Tiền điện thoại chị thường đợi lúc khuyến mãi mới nạp. Hàng ngày gọi cho người thân thì thường dùng Zalo, Facebook để call.
Tiền gas, điện nước: 700 ngàn đồng
Do nhà có nhiều phòng, lại có ông bà và trẻ nhỏ ở nhà suốt ngày nên tiền điện mỗi tháng nhà chị Huệ hết khoảng chừng đó.
"Nhà mình vẫn còn có bếp củi nữa. Vì thế mỗi lúc cần kho cá hay nướng thịt, luộc khoai, mình toàn dùng bếp củi vừa đỡ tốn gas, lại còn khiến thực phẩm thêm ngon", chị Huệ khoe.
Như vậy 1 tháng nhà chị Huệ nhà 5 người lớn 1 trẻ nhỏ nhưng chỉ chi tiêu hết 5 triệu là thoải mái: "Gạo, lạc, vừng bố mẹ chồng mình tự trồng được nên chẳng bao giờ phải mua. Con mình tuy còn nhỏ nhưng hấp thụ rất tốt. Con cũng ti mẹ nên không uống thêm sữa ngoài. Tiền bỉm mình cũng không mất vì con được bà xi từ bé nên đi theo giờ. Mình cũng không mua váng sữa cho con. Chỉ mua thùng sữa chua cho con ăn mà thôi".
Vì chi tiêu như vậy nên mỗi tháng vợ chồng chị Huệ tiết kiệm được 15 triệu đồng.
Minh Anh