(Tổ Quốc) - Một cuộc hôn nhân có thể thay đổi cả cuộc đời. Định luật đó có lẽ chưa bao giờ sai!
Cô gái bị bán vào nhà thổ và cái quỳ gối thay đổi cuộc đời
Nữ họa sĩ Phan Ngọc Lương là một nhân vật nổi tiếng. Bà sinh ra trong một gia đình nghèo ở Dương Châu và có tên thật là Dương Tú Thanh. Năm 8 tuổi, bà mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Người chú của bà nhận nuôi cháu nhưng đây lại là một nỗi bất hạnh. Ông ta nghiện cờ bạc đến nỗi bán luôn cả cháu gái để lấy tiền chơi bời.
Dương Tú Thanh bị chú bán cho một nhà thổ có tên Vĩnh Lệ Viện ở Giang Tô. Vào đây, bà buộc phải đổi tên và từ đó, Dương Tú Thanh được gọi là Ngọc Lương.
Trở thành gái làng chơi, số phận ép buộc Ngọc Lương biến thành một người phải dùng thân xác kiếm tiền. Tuy nhiên, cô gái 14 tuổi ngày đó đã quyết liệt từ chối tiếp khách.
Bà có giọng hát hay và muốn được bán nghệ không bán thân. Cũng may chủ nhà chứa ưu ái với tài năng này nên Phan Ngọc Lương không phải phục vụ khách chuyện ân ái.
Sống ở nhà thổ cực khổ và nhìn thấu những điều dơ bẩn, lúc nào cô gái cũng muốn trốn đi. Nhưng lần nào cũng thế bà bị bắt về.
Có lần chủ nhà chứa ép tiếp khách, bà quyết liệt treo cổ để bảo toàn sự trong sạch của mình.
Cơ hội đổi đời của Phan Ngọc Lương đến năm bà 17 tuổi. Khi đó, bà được mời đến hát ở tiệc rượu của giới thương nhân. Trong đó có Phan Tán Hóa - giám sát hải quân mới.
Ngọc Lương ngồi một góc phòng và hát những ca khúc của mình. Lời ca thiết tha khiến cho Phan Tán Hóa ấn tượng vô cùng và tiến đến hỏi han.
Các thương nhân lấy lòng vị giám sát hải quân không bỏ qua sự hứng thú của họ Phan dành cho cô gái nhà thổ. Đêm đó, họ gửi Ngọc Lương đến chỗ ở Phan Tán Hóa.
Sự sắp xếp này khiến ông không hài lòng nhưng ông thương cảm cho Ngọc Lương. Nếu cô gái trẻ thất bại quay về, chắc chắn đối diện sẽ là hình phạt khủng khiếp. Bởi vậy ông vẫn nói bà về nhưng hẹn ngày mai lại đến để đi dạo cùng nhau.
Cuối buổi hẹn hôm sau, Ngọc Lương quỳ xuống xin Phan Tán Hóa cứu lấy cuộc đời mình. Bà muốn thoát kiếp sống ở nhà thổ mờ mịt.
Đây là ước vọng cả đời của Ngọc Lương nhưng với Phan Tán Hóa, nó chẳng qua là cái nhấc tay.
Ông đã đưa cô gái tội nghiệp theo mình, nhường phòng ngủ cho bà và đến thư phòng đọc sách thâu đêm.
Sáng hôm sau, Phan Tán Hóa chuộc thân cho Ngọc Lương nhưng không muốn thu nhận bà. Cô gái trẻ quỳ sụp xuống xin được đi theo họ Phan vì biết nếu trôi nổi, cuộc đời bà sẽ chẳng khác gì kiếp sống mờ mịt như bây giờ.
Phan Tán Hóa đồng ý để Ngọc Lương theo mình. Thời gian quấn quýt bên nhau khiến cặp đôi nảy sinh tình yêu. 1 năm sau, họ tổ chức đám cưới tại một khách sạn tại Thượng Hải.
Họ Phan đã có vợ cả do gia đình sắp xếp nhưng những năm đó, đàn ông năm thê bảy thiếp là thường tình.
Đám cưới của họ chỉ có 2 vị khách được mời. Ngay đêm tân hôn, Ngọc Lương đã đổi thành họ chồng coi như một sự cảm ơn sâu sắc. Từ đó, bà là Phan Ngọc Lương.
Màn lột xác ngoạn mục và câu chuyện tình bi thương
Biết vợ có năng khiếu mỹ thuật, ông tự tay mua bút, giấy mực để bà học vẽ. Vài năm sau, Ngọc Lương đỗ vào Học viện Mỹ thuật Thượng Hải với điểm số cao nhất. Bà chính là nữ sinh viên đầu tiên ở ngôi trường danh giá này.
Thế nhưng Phan Ngọc Lương vẫn chịu nhiều lời trêu chọc, chê cười, mỉa mai của bạn học vì quá khứ trong nhà thổ. Bà chợt hiểu, những gì xảy ra không gột rửa nổi. Bà viết thư mời vợ cả đến Thượng Hải sinh sống với chồng. Bản thân bà đồng ý sang Pháp du học theo đề nghị của Học viện Mỹ thuật Thượng Hải.
Phan Tán Hóa là người đàn ông tôn trọng vợ hết mực. Ông đồng ý chắp cánh cho ước mơ và hoài bão của bà.
Ngày chia tay vào cuối năm 1913, họ đứng rất lâu ở bến tàu Hoàng Phố. Phan Tán Hóa lấy ra sợi dây chuyền vàng đeo vào tay vợ. Bên trong mặt dây chuyền là hình ảnh của cả hai.
Bà sang Pháp học tập, sau 7 năm quay về và mở triển lãm tranh. Một tác phẩm khỏa thân khiến bà tiếp tục chịu mỉa mai và quá khứ ở nhà thổ bị lật lại. Dù Phan Tán Hóa luôn ở bên cạnh an ủi vợ nhưng Phan Ngọc Lương vẫn kiệt sức. Bà quyết tâm sang Pháp để học thêm vào năm 1937.
Họ lại lần nữa chia tay nhau ở bến Hoàng Phố. Ông đưa cho bà chiếc đồng hồ bỏ túi theo mình suốt nhiều năm.
Họ xa cách nhau nhưng lúc nào cũng nhung nhớ và yêu thương đối phương. Những bức thư chưa bao giờ đứt quãng. Phan Tán Hóa chiều vợ, gửi cả nguyên liệu làm bánh qua cho bà vì sợ trời Tây không có món vợ thích.
Ở Pháp, tên tuổi Phan Ngọc Lương đạt đến đỉnh cao trong giới mỹ thuật.
Bà là người Trung Quốc đầu tiên được nhận vào Học viện Hội họa Hoàng gia Rome, Ý và giành giải thưởng Dolly của Đại học Paris. Bà tổ chức triển lãm cá nhân ở nhiều quốc gia và có đến hơn 20 giải thưởng cao quý khác.
Nhưng Phan Ngọc Lương không biết một điều rằng chồng mình đã ra đi từ năm 1959 vì bệnh tật. Trước khi mất, ông nhắn người nhà tiếp tục thư từ qua lại với vợ vì không muốn bà suy sụp.
Bà chờ đợi để chồng gọi về theo lời ông hứa nhưng không ngờ người đàn ông đó đã mãi mãi ra đi.
Đến năm 1961, Phan Ngọc Lương mới biết tin chồng mất. Bà đau đớn đến mất trí, định tự vẫn nhưng bạn bè phát hiện rồi cứu chữa.
Phan Ngọc Lương sống đau đớn suốt những năm sau vì quá thương nhớ chồng. Mất đi Phan Tán Hóa, bà cũng chẳng có lí do quay về Trung Quốc.
Năm 1977, Phan Ngọc Lương qua đời ở Paris. Trước khi mất, bà gửi chiếc dây chuyền cùng đồng hồ bỏ túi về cho con trai của Phan Tán Hóa. Bà muốn những kỷ vật của chồng sẽ trở về với quê hương.
Nguồn: Sohu, KKnews
Ca Ca