(Tổ Quốc) - Trước tình hình ghi nhận nhiều ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng cũng như việc xuất hiện thêm nhiều ổ dịch mới với hàng trăm ca F0 cộng đồng. Do đó, nhiều người dân thắc mắc liệu thành phố có tiếp tục siết chặt, nâng cấp độ phòng dịch?
Những ngày gần đây, tại Hà Nội ghi nhận nhiều ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng cũng như việc xuất hiện thêm nhiều ổ dịch mới. Đáng chú ý, chỉ riêng ngày 9/11, trên địa bàn thành phố ghi nhận 222 ca dương tính, trong đó có 105 ca tại cộng đồng, 97 ca tại khu cách ly và 20 ca tại khu phong tỏa.
Đây là số ca mắc cao nhất trong một ngày mà lần đầu tiên Hà Nội ghi nhận kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại nước ta.
Diễn biến dịch phức tạp, khó lường
Về vấn đề này, ngày 10/11, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã có những trao đổi về công tác cách ly F1 của Hà Nội. Theo bà, hiện nay theo quy định tại Nghị quyết 128 Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế... phụ thuộc vào diễn biến tình hình dịch bệnh, năng lực y tế, năng lực triển khai các khu cách ly tập trung.
"Từng địa phương sẽ chủ động đưa ra các giải pháp phù hợp về công tác dịch bệnh. Việc này nhằm mục đích đảm bảo an toàn sức khoẻ tốt nhất cho người dân và phòng chống sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng.
Hà Nội tuân thủ việc thực hiện công tác phòng chống dịch, đặc biệt là công tác cách ly, điều tra truy vết, quản lý người đi từ vùng có dịch về và quản lý cách ly F1", bà Hà nhấn mạnh.
Về thông tin những ngày gần đây số ca nhiễm liên tục tăng, bà Hà dự báo tình hình dịch bệnh của thành phố sẽ diễn biến rất phức tạp và khó lường.
"Trên cơ sở diễn biến tình hình dịch bệnh, Hà Nội sẽ tiếp tục điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch, các biện pháp cách ly đảm bảo vừa thực hiện đúng các quy định tại Nghị quyết 128 vừa phù hợp thích ứng linh hoạt với tình hình cụ thể của địa phương", bà Hà cho biết.
Có nâng cấp độ dịch, siết chặt giãn cách hay không?
Về vấn đề liệu thành phố có tiếp tục siết chặt, nâng cấp độ phòng dịch, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, số ca nhiễm Covid-19 như hiện nay Hà Nội vẫn ở cấp độ dịch 2, màu vàng, nguy cơ trung bình.
“Số ca nhiễm Covid-19 tại Hà Nội có thể sẽ tăng trong những ngày tới. Tuy nhiên tỉ lệ bệnh nhân nặng và tử vong không tăng. Điều quan trọng nhất hiện nay đó là làm sao giải quyết việc cách ly tập trung bằng biện pháp cách ly tại nhà.
Hiện các ca nhiễm Covid-19 đa phần đều nhẹ, không triệu chứng, việc điều trị tập trung lại cộng thêm cách ly các F1 sẽ quá tải cho bệnh viện và khu cách ly tập trung. Nếu Hà Nội giải quyết theo Nghị quyết 128 của Chính phủ sẽ giảm tải cho các bác sĩ, bệnh viện và khu cách ly tập trung”, ông Hùng cho biết.
Trước câu hỏi liệu Hà Nội có nên siết chặt công tác phòng dịch hay không khi số ca nhiễm Covid-19 tăng “chóng mặt” như mấy ngày vừa qua, ông Hùng cho rằng, việc ngăn chặn dịch vẫn phải tuân thủ thông điệp 5K. Quan trọng nhất mọi người phải hạn chế tụ tập đông người, hội họp, hội nghị, văn hoá thể dục thể thao nếu có phải kiểm soát, phải có đơn vị giám sát nhắc nhở đeo khẩu trang.
"Cách ly tại nhà là xu thế"
Trước ý kiến cho rằng Hà Nội là địa bàn đông dân cư và thành phố đủ năng lực cách ly tập trung, ông Hùng cho rằng, điều này không đúng với chủ trương, đúng mục tiêu “Sống chung, an toàn cùng covid” của Chính phủ, không đúng lòng dân.
“Người dân muốn được cách ly tại nhà với những gia đình có điều kiện mà theo quy định tại nhà họ có người chăm sóc, có kiến thức, buồng cách ly… có thể tổ chức cách ly tại nhà được. Bên cạnh đó, việc cách ly tại nhà có sự hỗ trợ của chính quyền, tổ Covid-19 cộng đồng… có nhiều tổ chức giám sát.
Việc đi cách ly tập trung khiến cả nhà lo lắng, nhất trẻ em hay người già ở nơi cách ly mà điều kiện không được như ở nhà. Thành phố không thể “lấy lý do có năng lực để cách ly tập trung”. Việc cách ly tại nhà là xu thế và chủ trương của Chính phủ", ông Hùng chia sẻ.
Cũng Theo Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội Covid-19 ở cộng đồng giờ bình thường khi Chính phủ đã quan tâm chú trọng vào tiêm vaccine thì nên thực hiện cách ly tại nhà chứ không phải vì Hà Nội đủ năng lực điều kiện để người dân cách ly tập trung.
"Không nơi nào thiếu năng lực cả, như vậy không phù hợp với lòng dân, với sống chung cùng Covid-19. Dù sao tổ chức cách ly tập trung sẽ rất tốn kém cho Chính phủ, Nhà nước. Cần tập trung lực lượng vào nhân viên y tế trong công tác khám chữa bệnh.
Tại TP.HCM nhiều ca nhiễm Covid-19 nhưng vẫn tổ chức cách ly tại nhà có sao đâu? Nếu Hà Nội giải quyết được việc này sẽ nhẹ gánh cho thành phố, người dân cũng thấy có trách nhiệm trong phòng chống dịch, tránh việc chủ quan sẽ rất nguy hiểm”, ông Hùng phân tích.
Gia Đoàn