F0 điều trị COVID-19 tại nhà có 5 dấu hiệu này cần nhập viện ngay, 6 việc F0 cần làm đầy đủ để phục hồi nhanh

(Tổ Quốc) - F0 dù đang điều trị tại các cơ sở thu dung hay đang được cách ly điều trị tại nhà cũng cần phải tự theo dõi các triệu chứng của bản thân.

Tính đến tối ngày 2/3, Việt Nam đã ghi nhận 3.709.481 ca nhiễm COVID-19. Trong đó hầu hết các bệnh nhân đều không có triệu chứng hoặc có triệu chứng rất nhẹ. Các triệu chứng thường gặp nhất của COVID-19 là sốt, ho, mệt mỏi, mất vị giác hoặc khứu giác. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có một số tỉ lệ bệnh nhân nặng nhất định, với các dấu hiệu bao gồm khó thở, mất khả năng nói hay cử động hoặc thấy lú lẫn, đau ngực...

Chính vì vậy, F0 dù đang điều trị tại các cơ sở thu dung hay đang được cách ly điều trị tại nhà cũng cần phải tự theo dõi các triệu chứng của bản thân, khi có các dấu hiệu nghiêm trọng bên dưới đây cần phải gọi ngay cho nhân viên y tế.

5 dấu hiệu F0 điều trị tại nhà phải nhập viện

F0 điều trị COVID-19 tại nhà có 5 dấu hiệu này cần nhập viện ngay lập tức, 6 việc F0 cần làm đầy đủ để phục hồi nhanh - Ảnh 1.

Bác sĩ đa khoa Nguyễn Xuân Quang (Học viện Quân Y).

Theo khuyến cáo của bác sĩ đa khoa Nguyễn Xuân Quang (Học viện Quân Y): F0 khi điều trị tại nhà nếu không muốn điều xấu nhất xảy ra hãy gọi ngay cho y tế địa phương khi có 1 trong các dấu hiệu sau:

1. Nhịp thở tăng

- Lớn hơn hoặc bằng 21 lần/phút đối với người lớn.

- Lớn hơn hoặc bằng 30 lần/phút đối với trẻ em từ 5-12 tuổi.

- Lớn hơn hoặc bằng 40 lần/phút đối với trẻ em từ 1-5 tuổi.

Cách đếm nhịp thở rất đơn giản: Hãy để tay lên lồng ngực và đếm xem có bao nhiêu lần lên xuống trong một phút. Một lần lên và xuống được tính là một nhịp.

2. Huyết áp thấp

Huyết áp thấp nghĩa là nhỏ hơn 90/60mmHg. Chỉ số này cần đo bằng các máy đo huyết áp. Các gia đình nên chuẩn bị sẵn máy đo huyết áp tự động tại nhà.

image.jpeg

3. Nhịp tim bất thường

Nếu nhịp tim trên 120 hoặc dưới 50 nhịp tim/phút thì cần phải liên hệ với bác sĩ.

4. Chỉ số SpO2 dưới 95%

Sp02 là chỉ số đánh giá độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi. Ở người bình thường, chỉ số Sp02 là 95-100%. Nếu dưới 95% cần tham vấn y tế, nếu dưới 93% cần can thiệp y tế. Sp02 thấp cần phải can thiệp càng sớm càng tốt, nếu để muộn rất có nguy cơ bị suy hô hấp. Sp02 thay đổi rất sớm, sớm hơn rất nhiều so với các biểu hiện khác của suy hô hấp như khó thở, tím tái, chân tay lạnh... thế nên việc theo dõi sp02 liên tục là rất quan trọng để phát hiện sớm diễn biến nặng của bệnh.

5. Xuất hiện các triệu chứng nặng

Theo BS Quang, F0 có các dấu hiệu nặng như khó thở, hụt hơi, đau ngực, da xanh, môi nhạt, đầu ngón tay và ngón chân lạnh, tím tái... thì nên báo ngay với y tế địa phương để được xử trí kịp thời.

79170480.jpeg

6 việc F0 điều trị COVID-19 tại nhà cần thực hiện để phục hồi nhanh

Bộ Y tế lưu ý người mắc COVID-19 cần thực hiện 6 việc sau đây:

- Nghỉ ngơi, vận động thể lực nhẹ (phù hợp với tình trạng sức khỏe);

- Tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày;

- Uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước;

- Không bỏ bữa;

- Tăng cường dinh dưỡng: ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả…

- Suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái.

di-ngu-gio-vang-1032.jpeg

Theo Bộ Y tế, thời gian cách ly, điều trị của F0 cần đủ 7 ngày và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính virus SARS-CoV-2 do nhân viên y tế thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.

Trong trường hợp sau 7 ngày kết quả xét nghiệm còn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vaccine theo quy định và 14 ngày đối với người chưa tiêm đủ liều vaccine theo quy định.

Trạm Y tế nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận khỏi bệnh cho người bệnh. Theo quy định cũ ban hành trước đó, bệnh nhân COVID-19 tại nhà được dỡ bỏ cách ly khi đủ 10 ngày điều trị và xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

F0 điều trị COVID-19 tại nhà có 5 dấu hiệu này cần nhập viện ngay, 6 việc F0 cần làm đầy đủ để phục hồi nhanh - Ảnh 6.

 

Đậu Đậu

Tin mới