Ép mang thai, ép đẻ con trai sẽ bị phạt, nhưng liệu phụ nữ đã được mừng chưa?

(Tổ Quốc) - Các bố ơi từ nay tém tém nhé, ai đi nhậu mà trêu hội “bố vợ” coi chừng cái ví tự dưng bốc hơi không nhẹ đấy nhé!

Luật ra rồi, quy định phạt tất tần tật các hành vi như nói năng, hành động xúc phạm danh dự, nhân phẩm người sử dụng biện pháp tránh thai, người sinh toàn con trai hoặc sinh toàn con gái (Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế).

Tuy trong quy định bao trọn tất cả những người sinh con trai một bề, hoặc sinh con gái một bề cho công bằng, nhưng ai cũng hiểu quy định này chủ yếu nhắm đến bảo vệ những người sinh toàn con gái. 

Bốn phụ nữ mang thai thì một bị trầm cảm sau sinh

Vì, vẫn còn rất nặng hủ tục xem nhẹ con gái và chỉ một mực quý trọng con trai. Nhà nào không có con trai bị xem là vô phúc, người vợ bị mắng là không biết đẻ, người chồng bị họ hàng và anh em bạn bè xem thường, chế giễu. Cha mẹ chồng thì đau khổ vì mất người nối dõi, thậm chí đòi con mình bỏ vợ lấy người khác, hay đi "tìm con trai" ở... người phụ nữ khác.

Các anh em, mọi người đều biết câu chuyện người mẹ ôm đứa con mới vài tháng tuổi nhảy sông tự tử cách đây 2 năm chứ? Nguyên nhân là trầm cảm sau sinh. Thời điểm bấy giờ cả xã hội chấn động. 

Nhưng, đáng sợ nhất là tình trạng này không hề hiếm hoi như nhiều ông bố tưởng. Năm nào cũng có chuyện mẹ ôm con mới sinh uống thuốc độc, nhảy sông… 

Còn theo nghiên cứu được công bố vào cuối năm 2017 của Đại học Y Hà Nội, cứ 4 phụ nữ mang thai thì có 1 người có thể bị trầm cảm sau sinh

Nghĩa là, nếu bạn là phụ nữ, khoảng 22-35 tuổi, là con trong một gia đình hai con phổ biến của Việt Nam, thì nội trong vòng họ hàng nội ngoại gần nhất của bạn, từng có ít nhất 2 phụ nữ bị trầm cảm sau sinh. 

Luật phạt tiền nặng tay cho việc ép mang thai, đẻ con trai… nhưng liệu các mẹ đã mừng được chưa? - Ảnh 1.

Hậu quả của trầm cảm sau sinh trầm trọng đến mức nào? 

Trong những group tâm sự của các bà mẹ, rất nhiều người thú nhận từng bế đứa con trong tay mà tưởng nhầm là ma quỷ nên chỉ muốn giết chết. Có người khổ sở, ức chế, cảm thấy đứa con là nguyên nhân khiến mình mất sức khỏe, xấu xí, mất tự tin ở bản thân, mất quá nhiều thời gian, bị trói buộc, kìm hãm sự phát triển cá nhân, thậm chí bị chồng chê bai xa lánh… nên ghét bỏ, thậm chí tìm mọi cách loại bỏ nó. Họ không thể điều chỉnh được suy nghĩ này, vì nó là một căn bệnh phải được điều trị bằng thuốc kết hợp với tâm lý, chứ không phải chỉ những lời khuyên suông. 

Nghe đã sợ, thế nhưng, trong trường hợp gia đình đã có con gái mà người chồng thích có thêm con trai thì nguy cơ bị trầm cảm của người vợ còn cao gấp đôi so với bình thường-vẫn theo nghiên cứu trên. 

Có hơn 1/3 phụ nữ mang thai bị bạo hành, nhưng có gần một nửa số trường hợp không thông báo cho người khác. Phụ nữ sinh con gái một bề có nguy cơ bị chồng bạo hành trong quá trình mang thai cũng cao gấp đôi so với phụ nữ có con trai.

Bà Trần Thơ Nhị, Viện Đào tạo y học dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội

Khái niệm kỳ thị mới: Kỳ thị người sinh con một bề

Áp lực "sinh con trai nối dõi tông đường" xuyên suốt tư tưởng nhiều thế hệ người Việt, không phân biệt học vấn, nhận thức, khả năng tài chính hay địa vị xã hội.

Cho nên chỉ cần gõ phím một cái, bạn sẽ thấy vô số hội nhóm mang tên “Sinh con trai”. Họ tư vấn cả một thiên hà bí quyết, từ canh ngày rụng trứng, ăn uống, tư thế quan hệ tình dục, thuốc thang, thời tiết, xem hướng giường, giờ, tuổi tác, để đảm bảo một phát ăn luôn (là quảng cáo vậy, chứ làm gì có).

Văn học, điện ảnh còn kể vô số chuyện cười có thật đại loại: Vợ chồng canh giờ để ân ái sinh con trai. Nên dù có đang chủ trì cuộc họp đi nữa, reng một cái, ông chồng (hay bà vợ) cũng lập tức rút quân để te tái chạy về nhà, chiến đấu hối hả kẻo trượt giờ vàng.

Đấy, cái ám ảnh về việc phải có con trai, phải "có đứa chống gậy" phần nào vẫn còn dai dẳng bám trụ tiềm thức của người ta bao đời nay. Đàn ông trong họ chỉ có con gái, đâu đó vẫn phải ngồi chiếu dưới, chịu sự khinh rẻ (đôi khi không cố tình, nhưng sự tổn thương vẫn hiện hữu) từ họ hàng, anh chú.

Do vậy, quy định kể trên có ý định rất tốt khi khẳng định việc chế nhạo, xúc phạm, ép uổng dùng các phương pháp để có được thai nhi theo giới tính mong muốn là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt.

Nghị định 117 còn xử phạt tất cả những hành vi ép buộc, dọa dẫm, dùng bạo lực, uy hiếp tinh thần người khác để buộc họ dùng phương pháp chọn lựa giới tính thai nhi theo ý muốn, buộc mang thai, hay phải sinh thêm con khi họ đã sinh toàn con gái hoặc toàn con trai. Mức phạt tiền cao nhất lên tới 30 triệu đồng. Các cơ sở y tế vi phạm có thể bị đóng cửa. Với cá nhân, phạt tiền cao nhất 20 triệu đồng.

Quy định này nếu được thực hiện tốt sẽ góp phần hạn chế và chấm dứt tâm lý phải có con nối dõi, xem con gái “nữ nhân ngoại tộc”.

Tuy nhiên, chị em chưa được mừng vội đâu

Vì việc thực thi nghị định 117 có lẽ chưa thể thuận lợi.

Trước tiên quay lại quy định xử phạt người chế nhạo, ép buộc, uy hiếp tinh thần hoặc dùng vũ lực xúc phạm người sinh con một bề.

Thực tế cho thấy những người chế nhạo, ép buộc… thường chính là người thân quen nhất như bạn bè thân, họ hàng, đồng nghiệp. Cái thân thiết, gần gũi bỗng dưng cho phép con người ta cái quyền vô tư xúc xiểm người thân mà không nề hà quy chuẩn giao tiếp. Thật, có ai đi kiện người trong tộc, ai lại đi kiện bạn thân bao giờ.

Chưa kể, việc thu thập đủ bằng chứng để pháp luật vào cuộc là không mấy khả thi. Ví dụ: quay phim, ghi âm, nhờ người làm chứng...; những thao tác này thoạt nghe đơn giản nhưng tính khả quan thì không cao. Ít ai lăm lăm máy quay, hay có người đồng ý làm chứng mấy.

Hơn nữa, việc chế nhạo thường nằm giữa ranh giới mơ hồ của vui đùa và xúc phạm, nửa đùa nửa thật, cười cợt… khiến người ta khó chịu nhưng không đến mức phản ứng đối đầu trực diện, vậy làm cách nào truy cứu?

Tương tự, chỉ những người thiết thân như chồng và cha mẹ chồng mới có thể có hành vi ép buộc mang thai, đẻ con trai hay con gái hoặc đẻ thêm… Và hầu như chỉ người vợ - con dâu mới đưa ra được bằng chứng. Nhưng chẳng cô vợ nào đi tố cáo chồng, cha mẹ chồng, anh  chị em chồng để sau đó xích mích, thậm chí tan vỡ. Chỉ trừ khi đã quyết định ly hôn hoặc bị gánh hậu quả quá nặng (ví dụ thương tích nặng). 

Ngoài ra, không ít phụ nữ cũng chính là người lựa chọn sinh con trai, vì nhiều lý do, đôi khi là phần thừa kế, đôi khi cũng vẫn là cái tâm lý "con trai là của nhà, con gái là của cho", sợ không có người chăm sóc phụng dưỡng mẹ cha về già.

Chẳng lẽ họ đi tố cáo chính họ?

Mặt khác, khi đã mâu thuẫn đến mức độ ly hôn thì lý do thường do không đạt được hòa hợp hoặc bị bạo hành (thể xác, tinh thần).

Hiệu lực của một quy định pháp luật là phải thực hiện được trong thực tế. Nếu quy định rất rõ và đầy đủ nhưng rất khó thực hiện hoặc không thể thực hiện, thì kết quả vô nghĩa.

Việc xóa bỏ tâm lý trọng nam khinh nữ cần bắt nguồn từ giải quyết nguyên cớ, tức là giáo dục thật kỹ về bình đẳng giới, về vai trò tương đương, là công tác cải thiện tiềm thức từ những hạt giống đang nảy mầm ngay lúc này - lớp trẻ. 

"Xoa dầu chữa đau dạ dày"

Tâm lý chuộng con trai được hình thành từ nhiều đời, do chế độ phong kiến tạo thuận lợi cho người đàn ông học hành, làm việc, thỏa sức tế thế kinh bang, còn phụ nữ thì lấy chồng phải theo chồng, vun đắp sống chết cho sự nghiệp nhà chồng. Cha mẹ ruột chẳng được hưởng tí nào. Cán cân chênh lệch rõ ràng như vậy khiến chính cha mẹ đẻ không thấy niềm vui hay lợi ích khi sinh con gái, nuôi dưỡng con gái. 

Vì thế, chỉ có thể dùng lợi ích để giải quyết triệt để một mâu thuẫn bắt nguồn từ lợi ích. Muốn thay đổi tập quán chuộng con trai, phá bỏ thai nhi gái, thì phải tạo nhiều cơ hội học tập, việc làm, thu nhập bình đẳng cho giới nữ, có xét đến đặc thù giới tính. Ví dụ cho người lao động nữ vài ngày nghỉ ngơi khi đến kỳ kinh nguyệt hàng tháng, khi mang thai và nuôi con được hưởng chế độ chăm sóc tốt, không mất thu nhập và các cơ hội có việc làm trở lại. Cân bằng thời gian làm việc và chăm sóc gia đình, tổ chức các dịch vụ xã hội giúp làm việc nhà, chăm sóc trẻ, chăm sóc cha mẹ già… Xem việc nội trợ, nuôi con cũng ngang bằng công việc làm bên ngoài để bảo vệ quyền lợi phụ nữ khi ly hôn…

Chênh lệch nam/nữ ở trẻ mới sinh ở Việt Nam đã đến mức báo động: Năm ngoái, nó là 111 bé trai/ 100 bé gái sinh ra còn sống (tỷ lệ cân bằng là 104-106 bé trai/100 bé gái sinh ra còn sống). Các cơ quan chức năng đã ra cảnh báo tương lai nhiều đàn ông sẽ khó kiếm vợ, kéo theo nhiều hệ lụy xã hội.

Giải quyết một hậu quả của tâm lý chuộng con trai, nhiều địa phương đang nát óc nghĩ cách chăm sóc người cao tuổi có con một bề. Nào là tổ chức câu lạc bộ, họp hành tuyên truyền, tập trung đi khám bệnh…

Thế nhưng cần phải tính toán tổng quan các chính sách liên quan ngay từ khi họ còn chưa kết hôn, sinh con, chứ không thể giải quyết được bằng cách xem người sinh con một bề là một nhóm yếu thế rồi đưa ra các biện pháp tinh thần xoa dịu. Điều ấy chỉ càng in đậm vào tâm trí xã hội, rằng cộng đồng sinh con một bề là cánh yếu cần được sự bảo vệ. 

Khi mọi thứ được cân bằng, chẳng ai sẽ cần có quyền được bảo vệ cả!

Cũng có đôi trường hợp ép đẻ con gái, nhưng vô cùng hãn hữu. Tôi nhớ một người anh quen biết, vợ đẻ sòn sòn 7 đứa con trai liền tù tì. Ba đứa đầu, nhà còn khấm khá, chồng cường tráng, vợ tươi giòn. Đến đứa thứ 5 thì nhà bắt đầu rỗng, vợ héo hắt. Nhưng anh vẫn cương quyết ép, và chị cương quyết chịu bị ép, để cố đẻ đến đứa thứ 8, là con gái. Đến đấy thì nhà anh từ khá nhất một phường đã lụn xuống thành hộ nghèo. Vóc dáng anh teo lại, mắt tối đi. Còn vợ anh - vàng vọt, nhăn nheo, già đi hàng chục tuổi, bao nhiêu xuân sắc đội nón chuồn sạch. Đứa con ép uổng thì tong teo bệnh tật suốt, mẹ con ở liền trong bệnh viện.

Hoàng Xuân

Tin mới