(Tổ Quốc) - Cuối tuần nào Linh cũng dẫn 3 đứa con về nhà ngoại. Chúng nó đang tuổi ăn tuổi lớn, nghịch ngợm như quỷ...
Linh lấy chồng gần nhà nên cứ 6 giờ sáng thứ 7 là cô dẫn con về mẹ đẻ chơi. Điều này khiến Mai - chị dâu cô rất bực. Bởi cả tuần làm việc vất vả, cuối tuần chỉ muốn ngủ nướng thêm 1 chút thì lũ trẻ ùa đến, nghịch ngợm, hò hét inh ỏi. Chưa kể, chúng đến nhà, Mai lại phải dậy để đi chợ nấu đồ ăn sáng cho bọn trẻ.
Thi thoảng chúng mới đến chơi thì cũng không sao, nhưng tuần nào cũng như vậy thì ai chịu cho được?
Mai còn ghét cách Linh vòi vĩnh mẹ đẻ chiều con mình: "Cháu nó thích uống sữa mẹ mua cho chúng nhé", "hôm qua con con nó cứ nhắng sang bà ngoại được ăn phô mai con bò cười",... Mang tiếng đưa cháu về thăm ông bà nhưng thực chất là bòn rút thì đúng hơn.
Mẹ chồng Mai thì thương con, chiều cháu nên chẳng từ chối lời đề nghị của con gái bao giờ. Bà nhiều tiền hay có lương hưu đã đành, đây mẹ chồng Mai làm ruộng vất vả, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời nhưng thu về thì có là bao!
Từ ngày Mai về làm dâu nhà này, cô chưa thấy em chồng bỏ tiền ra mua biếu bố mẹ cái gì. Ngày Tết cô xách được giỏ quà sang biếu thì lại lấy bánh trái của mẹ để đi đến các nhà khác.
Nhiều hôm thấy quá "ngứa mắt" cô phàn nàn với chồng thì anh gạt phắt: "Cả nhà có mỗi đứa em gái thì bố mẹ chiều cũng phải thôi. Với bọn trẻ có ăn đáng là bao mà em tính toán. Mình ăn gì thì nó ăn nấy mà".
Nghe chồng nói mà Mai tức anh ách. Anh làm như cô sân si với em gái anh không bằng. Mai lớn tiếng: ''Ừ, anh cứ bảo chúng không ăn gì. Thế thùng sữa vừa mua cho con mình, hôm trước hôm sau chúng nó uống hết thì sao? Còn bao nhiêu bánh kem, hoa quả trong tủ lạnh, mẹ con cô ấy cũng lôi ra ăn bằng sạch. Ăn không hết còn đòi gói phần mang về. Tiền đó anh tính xem có ít không?
Chưa kể cuối tuần nào cô ấy dẫn con sang là em phải đi chợ mua đồ ăn ngon. Có dưới 500.000 đồng bao giờ. 2 ngày cuối tuần là mất luôn 2 triệu, chưa kể bữa ăn sáng của bọn chúng. Anh nghĩ số tiền đó em hái ra chắc. Nhiều lúc muốn đi chơi với bạn bè thì lại vướng lũ trẻ. Em có phải bảo mẫu đâu?''. Thế là vợ chồng Mai căng thẳng với nhau.
Thời gian gần đây, bố mẹ chồng Mai sức khỏe yếu đi, mẹ chồng cô trả ruộng cho xã không làm nhiều như xưa nữa. Kinh tế của gia đình cũng vì thế mà bị ảnh hưởng. Mọi việc trong nhà lại càng dồn lên vợ chồng cô.
Thu nhập của vợ chồng Mai khoảng 15-17 triệu/tháng lo cho vợ chồng rồi công kia việc nọ của gia đình rồi cũng hết. Số tiền để ra cũng chẳng được bao nhiêu. Vậy mà cả nhà cô em chồng vẫn kéo nhau đến ăn uống, chơi bời thoải mái như không.
Tuần trước, Linh dẫn con về mẹ đẻ. Mai còn chưa kịp nói gì, cô em chồng đã nhanh nhảu: "Bác ơi, nay đi chợ bác mua ít tôm, ghẹ về ăn nhé. Lâu lâu không được bữa hải sản bọn trẻ cứ nhắc".
Mai cười khinh bỉ trong lòng, chẳng nhẽ lại bảo con cô muốn ăn thì cô đi mà mua về nấu cho bọn chúng chứ. Mà không biết con muốn ăn hay mẹ muốn ăn nữa.
Mai nghĩ vậy thôi chứ không cằn nhằn gì. Cô vẫn đi chợ, mua những món ăn đúng như lời em chồng mong muốn. Cả nhà Linh đến bữa lao vào ăn như người chết đói lâu ngày.
Cuối bữa ăn Mai mới bảo em chồng: "Bữa ăn hôm nay hết 1 triệu, em có tiền mặt thì đưa chị không thì chuyển khoản nhé".
Linh sững người, đánh mắt sang nhìn anh trai. Dũng thì cười trừ nghĩ rằng vợ mình đùa thôi. Nhưng Mai thẳng thắn: "Cuối tuần nào em cũng dẫn cháu sang đây. Bữa nào ăn rẻ cũng 300.000-400.000 đồng. Bữa ăn như nay thì cả triệu bạc.
Cô thi thoảng sang thì không sao đây tuần nào cô cũng đến đều như vắt chanh. Giờ ông bà cũng không có tiền thêm vào, hai vợ chồng chị không kham nổi".
Mai nói thế cũng sợ bố mẹ chồng không thích nhưng may sao mẹ chồng lại thêm lời: "Chị dâu nói đúng đấy. Ngày xưa mẹ khỏe thì còn thêm tiền hàng tháng với chị. Bây giờ có mỗi vợ chồng chị cũng vất vả. Thấy hai vợ chồng anh trai con làm việc đến khuya vẫn chưa nghỉ mẹ thương mà không làm gì được. Con cũng có gia đình rồi thì hiểu cho anh chị".
Dũng nghe mẹ nói thế thì cũng không khó chịu với Mai nữa. Riêng Linh thì cúi mặt không dám nói lời nào. Từ hôm ấy Linh bớt dẫn con sang hẳn.
Còn Mai biết mình cũng sẽ làm em chồng phật lòng nhưng cứ chịu đựng mãi thì cô không kham nổi. Thôi thì mất lòng trước được lòng sau, còn hơn tức nước vỡ bờ. Lúc đó thì có khi còn chẳng ai nhìn mặt ai.
Hướng Dương HT