Easy "vấp ngã" và hành trình luyện ngủ bằng "Cry It Out with check" của em bé Hà Nội

(Tổ Quốc) - Dưới đây là chi tiết hành trình luyện con ngủ của chị Nhung Nguyễn (sống tại Hà Nội) và con trai tên Chun (hiện tại được 10 tháng tuổi) bằng phương pháp "Cry It Out with check" (gọi tắt là CIO with check).

"Cry It Out with check" là gì?

Cry It Out không có nghĩa là bố mẹ cứ để mặc cho trẻ khóc hoài như vậy. Cry It Out (viết tắt CIO, dịch là "hãy để bé khóc") được biết đến là một phương pháp rèn luyện giấc ngủ cho trẻ. Với phương pháp này, bố mẹ để cho trẻ khóc tự nhiên một khoảng thời gian cụ thể trước khi vỗ về hay dỗ dành con.

CIO còn được biết đến với tên gọi phương pháp "Ferber". Người ta đã nhìn nhận việc đi vào giấc ngủ ở trẻ rất khó, nó giống như một cột mốc vậy và trẻ có thể làm được nếu nhận được sự giúp đỡ từ bố mẹ. Việc bồng bế hay để trẻ tự đi vào giấc ngủ trong khi chăm trẻ sẽ không thể nào tập cho trẻ thói quen tự nín khóc.

Chun theo phương pháp Easy từ bao giờ?

Chun là một em bé bài bản có 10 ngày chỉ ăn - ngủ - vệ sinh cả ngày lẫn đêm. Nhưng từ viện mình vẫn rèn nếp kiểu quấn chũn, ngủ dậy cho bú luôn xong chơi 1 lúc rồi ngủ, khi ngủ tắt đèn. Sau đó 10 ngày tiếp theo, Chun lẫn lộn ngày đêm, ban ngày ngủ không dậy xong tối thức tới 11, 12h đêm mới ngủ, có hôm 2-4h sáng dậy. Dù cho bú, vỗ ợ, ru ngủ các kiểu, Chun cũng không ngủ và kêu be be. 

Vì Chun lẫn lộn ngày đêm nên mình đã cho Chun đi bộ đội và phải khoảng sau 1 tháng mới ổn được. Và trước khi áp lịch Easy và luyện ngủ thì phải chuẩn chỉnh những điều kiện tiên quyết sau:

1. Con được ăn hiệu quả (ti mẹ hoặc ti bình): Con đã đúng khớp ngậm chưa, đã đủ no chưa?

2. Con được vỗ ợ kĩ và đúng cách: Cái này cực kì quan trọng.

3. Môi trường ngủ của con đã an toàn chưa? Bao gồm nhiệt độ phòng, môi trường cũi an toàn, an toàn khi nằm chung với cha mẹ.

4. Con được thực hiện trình tự ngủ nhất quán ở tất cả các giấc.

Sau những ngày vật vã vỗ ợ, kéo waketime (thời gian thức) thì sau tầm 1 tháng Chun vào nếp hơn. Tip: Nếu không biết đọc tín hiệu buồn ngủ của con các bạn có thể làm trình tự ngủ trước khi hết thời gian thức tầm 15 phút.

Easy

Ảnh minh họa.

Kì "wonder week" kinh hoàng, easy "vấp ngã" và luyện ngủ

Vậy là chúng ta đã có Chun theo nếp Easy chuẩn chỉnh, quấn chũn tầm 1, 2 phút đã ngủ nhưng vẫn phải hỗ trợ chuyển giấc bằng ti giả hoặc bế ru. Nhưng đùng một cái nhân một ngày đẹp giời, 11 tuần 1 ngày theo thực sinh, Chun bỏ bú cả ngày. Sáng dậy còn bỏ hẳn bú bình. Cả ngày lèo tèo vài cữ "tận" 20 - 50ml. Chun quấy khóc dã man và hùng hục tập lẫy. Thế nên khoảng 2 tháng 20 ngày Chun đã biết lẫy. Và mẹ cũng trượt dài trong những sai lầm sau:

Sai lầm 1: Kì vọng quá cao của mẹ. Mình từng rất áp lực khi thấy trên mạng những bà mẹ khác theo Easy và con ngủ một mạch không cần hỗ trợ. Có những ngày nản thực sự. Chun bú thì ít, lượng ăn 1 ngày kém, nhiều lúc bú sặc xong lại không chịu bú nữa. Không bú lại đói xong quấy hàng tiếng liền. Bế đau cả lưng mà con thì khóc đỏ mặt mũi lên. Giấc ngày cứ phải hỗ trợ liên tục. Thậm chí toàn phải bế ngủ cả tiếng đồng hồ. Làm mẹ sao mà mệt mỏi thế!

Sai lầm 2: Thấy con bỏ bú là mẹ hốt hoảng ép bú, rồi không bú bình thì cho bú mẹ. Vấn đề là mẹ lại không đủ sữa nên con bú không no. Nên lúc gần ngủ lại đòi ăn. Và dần dần chỉ bú khi lơ mơ ngủ, đêm dậy đòi ăn rất nhiều lần. Chê bình nhưng ti mẹ cũng nhả nhớt. Mỗi bữa ăn như một trận đánh vật, toàn giãy giụa, sặc khóc.

Sai lầm 3: Không dùng nút chờ mà bế ngủ. Mình không hiểu sao Chun lại có thể chính xác như một cái đồng hồ cứ đúng 30 phút dậy khóc như thế. Nên có dạo mình bị freak out (cảm thấy khó chịu) khi nghe con khóc. Thực sự không giữ nổi bình tĩnh và cứ khóc là mình bế lên đi rong. Bế ngủ vừa đau lưng vừa mệt nữa nên mình stress kinh khủng. Mà nhiều hôm bế ngủ con vẫn khóc cơ.

Easy

Ảnh minh họa.

Đó, em bé chuẩn chỉnh của mình quay xe 180 độ làm mình mệt mỏi. Mình tự trách mình làm mẹ mà sao tệ quá nhỉ? Nên mình đã quyết định lên dây cót nắn lại Chun, luyện ngủ luôn. Sau đây là những mục mình cần làm:

1. Giảm kì vọng của mẹ xuống: Chun chỉ là một em bé mới tới thế giới này, con còn nhiều thứ lạ lẫm lắm. Hơn nữa con cũng mong manh lắm, nên mình chấp nhận con là con. Mình cứ tập trung làm đúng và nhất quán trong phương pháp nuôi dạy con là được.

2. Bám sát lịch E4. Việc này đơn giản vì trước giờ con có nếp sẵn rồi.

3. Quyết định cho con bú bình 100%, rèn lại bú hiệu quả: Chun ngủ dậy mình mời bú luôn, mời tối đa 3 lần gói gọn trong 40 phút. Con không ăn hoặc ăn ít sẽ nhịn đói tới bữa sau. Thật sự sau bao lần bỏ ăn mình thấy con có khả năng ngủ ngon dù ăn ít hoặc không ăn luôn ấy. Nên mình cần nhất quán trong bữa ăn, và dần dần Chun ăn tốt trở lại, thấy bình là nhao nhao lên đòi ăn.

4. Cai ti đêm: Vì Chun gần 6kg nên mình quyết định cắt ti đêm. Do từ bé Chun chỉ dậy bú đêm 1, 2 lần nên cai ti đêm đơn giản lắm, cứ thế là cắt thôi. Đêm dậy uốn éo mình nhét ti giả là lại ngủ một mạch tới sáng. Và tới hôm thứ 3 con cũng không thèm dậy ăn nữa luôn.

5. Rèn chuyển giấc bằng CIO with check. Sau wonder week 12 tự dưng Chun biết tự ngủ. Tới giờ ngủ nhét ti giả là ngất trong 1, 2 phút nhưng chuyển giấc thì bằng 0 luôn. Mình quyết tâm luyện chuyển giấc bằng CIO with check với các block chờ là 10 - 5 - 7 - 10 - 10 -... Tức là cứ chờ 10 phút khóc to sẽ hỗ trợ 1 phút với ti giả và vỗ tại cũi. Tất cả các giấc Chun vào giấc nhanh tầm 1, 2 phút thôi nhưng ngủ đúng 30 phút dậy chuyển giấc.

Ngày 1: Mỗi nap (giấc ngủ ngắn) khóc banh nhà gần 1 tiếng, tổng cộng khóc gần 2 tiếng hôm đầu tiên. Con khóc mẹ khóc theo vì yếu lòng quá. Hôm đấy thấy 5 phút, 10 phút sao lâu thế. Chỉ mong hết block chờ vào hỗ trợ con thôi.

Ngày 2: Nap 1 không cần hỗ trợ vì khóc lúc bé lúc to, lúc im vì biết mút tay trấn an. Nap 2 khóc banh nhà.

Ngày 3: Vẫn khóc nhiều nhưng đỡ hơn so với 2 hôm trước vì biết mút tay trấn an. Không cần hỗ trợ.

Ngày 4: Khóc to bé mút tay nín. Không cần hỗ trợ.

Ngày 5: Nap 1 ít khóc to, chủ yếu khóc bé mút tay nín. Nap 2 khóc banh nhà.

Ngày 6: Nap 1 ít khóc to, chủ yếu khóc bé mút tay nín. Nap 2 nằm chơi 30p cuối không khóc. Huhu ơn giời con tôi không khóc nữa.

Ngày 7: Nap 1 nằm chơi và khóc bé hết nap. Nap 2 ít khóc to, chủ yếu khóc bé mút tay nín.

Ngày 8: Nap 1 ít khóc to, chủ yếu khóc bé mút tay nín. Nap 2 khóc bé Nằm chơi hết nap.

Ngày 9: Nap 1 nằm chơi mút tay hết nap. Nap 2 nằm chơi xong gào to.

Ngày 10: Nap 1 khóc to khóc bé nín hết nap. Nap 2 mút tay nằm chơi hết nap không khóc.

Ngày 11: Nap 1, 2 đều nằm chơi hết nap không khóc

Ngày 12: Nap 1, 2 đều nằm chơi hết nap không khóc.

Ngày 13: Nap 1, 2 đều nằm chơi hết nap không khóc.

Ngày 14: Tới tận 2 tuần rồi Chun vẫn chưa biết chuyển giấc. Trời ơi sau bao ngày con khóc banh nhà, nằm chơi thì tự dưng ngủ lại được làm mẹ kiểu ngỡ ngàng bật ngửa. 

Easy

Ảnh minh họa.

Thành quả

Và sau đó là những ngày Chun ăn ngoan ngủ ngoan vô cùng. Tới giờ đi ngủ mặc nhộng thả xuống cũi tự ngất trong vòng 1, 2 phút. Nap ngày một mạch 1,5 - 2h mới dậy. Tối 6h ngủ tới sáng.

Hồi luyện ngủ bằng CIO with check mình nhận ra một số điều:

- Luyện ngủ không phải tàn bạo mà là mình đang cho con cơ hội tự trấn an bản thân thôi. Và sau đó con ngủ ngon hơn, ngủ giấc dài. Mình có nghiên cứu xem làm CIO with check có gây ảnh hưởng thần kinh con không và kết quả là không.

- Mẹ cứ xác định tinh thần giờ ngủ mẹ cho con đi ngủ, con ngủ hay không là việc của con. Lát thiếu ngủ ráng chịu. 

- Càng hỗ trợ con càng gào to. Nên nếu con không khóc banh nhà đừng vào hỗ trợ.

- Nhà mình áp dụng CIO with check với các giấc ngày thôi chứ vẫn hỗ trợ giấc đêm với ti giả hoặc vỗ. Và từ hồi làm CIO with check mà giấc đêm con cũng "mượt" hơn hẳn, hỗ trợ rất ít chỉ 1, 2 lần và sau vài hôm giấc đêm con còn ngủ mượt 1 mạch luôn ấy.

Mình viết bài này để các mẹ định làm CIO with check có tư liệu và động lực nhé.

*Trên đây là bài viết ghi lại kinh nghiệm mang tính chất tham khảo. Các em bé không giống nhau nên các mẹ hãy lựa chọn sao cho phù hợp nhé!

Easy

San San

Tin mới