(Tổ Quốc) - Mua được một mặt hàng giảm giá có vẻ là điều tuyệt vời nhưng không phải lúc nào nó cũng giúp bạn tiết kiệm tiền.
Theo các chuyên gia tài chính, nếu giao dịch mua của bạn đáp ứng đủ 5 tiêu chí sau đây thì nó mới thực sự là quyết định mua sắm thông minh và tiết kiệm.
1. Bạn có đủ tiền trả cho món hàng không?
Điều đầu tiên mà bạn cần xác định là mình có thể thanh toán đầy đủ cho mặt hàng đó mà không bị mắc nợ không? Nếu kế hoạch của bạn là mua trả góp bằng thẻ tín dụng, tốt nhất hãy bỏ qua quyết định mua sắm này.
Lauren Bringle, cố vấn tài chính tại Self Financial, nói: “Nếu bạn đang mua một thứ gì đó theo ý muốn chứ không phải nhu cầu và sử dụng chương trình 'mua ngay, trả sau', vậy thì điều đó không đáng. Bởi vì món hàng ấy sẽ khiến bạn phải trả nhiều tiền phí lãi suất thẻ tín dụng trong tương lai”.
Giải pháp đúng đắn hơn cả: Bạn hãy mua mặt hàng giảm giá đó bằng thẻ tín dụng, thanh toán hết và nhận phần thưởng cho giao dịch mua của mình.
2. Đó có phải là món đồ bạn sử dụng thường xuyên hay dự định sử dụng thường xuyên không?
Một sản phẩm được sử dụng thường xuyên sẽ giúp bạn tiết kiệm tiền. Ví dụ bạn có thể tích trữ sản phẩm chăm sóc da yêu thích khi nó được giảm giá, miễn là tính toán kỹ để dùng hết trước khi chúng hết hạn sử dụng.
Đối với các mặt hàng chúng ta chưa từng sử dụng hoặc không có ý định sử dụng thường xuyên thì việc giảm giá không có ý nghĩa.
Nếu bạn mua một đôi giày trị giá 100 USD và chỉ đi nó một lần, bạn đã chi 100 USD cho một lần sử dụng. Ngoài ra điều đó còn khiến căn nhà trở nên lộn xộn vì chứa quá nhiều đồ.
Trường hợp bạn mua món gì đó đang giảm giá mà sử dụng trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, bạn đã tiết kiệm được tiền theo thời gian.
3. Trước đó bạn có ý định mua nó không?
Thật sai lầm khi mua thứ gì đó chỉ vì thấy nó đang được giảm giá, trong khi trước đó bạn không hề có ý định mua.
Không có kế hoạch mua từ đầu nghĩa là bạn không cần dùng đến hoặc rất ít nhu cầu sử dụng nó. Bởi vậy cho dù có được giảm giá thì giao dịch mua này cũng chỉ khiến bạn lãng phí tiền.
4. Đó có phải là mức giá thấp nhất sau khi bạn đã thực hiện so sánh giá?
Muốn biết liệu bạn có đưa ra một quyết định mua sắm tiết kiệm hay không, hãy đảm bảo đã nghiên cứu và tham khảo giá của sản phẩm ở những nơi khác. Hiện nay với các ứng dụng và trang web so sánh giá thì không khó để bạn làm được điều đó.
Một mặt hàng có thể được bán với mức giá chênh lệch ở các cửa hàng khác nhau. Vậy thì việc chi ít tiền hơn để sở hữu được nó chắc chắn là giao dịch mua tiết kiệm.
5. Nó có cản trở các mục tiêu tài chính khác của bạn không?
Hãy xem mặt hàng bạn định mua có phù hợp với những ưu tiên và mục tiêu tài chính khác hay không. Nếu nó nằm trong ngân sách ở tháng đó, bất kể nó thuộc về nhu cầu hay mong muốn thì vẫn là một quyết định mua sắm đúng. Song khi quyết định mua hàng khiến chúng ta vượt quá ngân sách thì tốt hơn hết là bỏ qua.
Các chuyên gia tài chính cá nhân khuyên bạn nên dành chút thời gian để tự hỏi mình xem món đồ ấy giúp bạn sớm đạt được hay cản trở mục tiêu tài chính khác. Chẳng hạn như bạn đang tiết kiệm để mua nhà. Hãy suy nghĩ liệu bạn có nên tiết kiệm số tiền đó để sớm sở hữu căn nhà cho riêng mình hay không.
Theo: realsimple
An Du