(Tổ Quốc) - Chính vì vậy nó khiến người xem có cảm giác đoạn phim mới được ghi lại bằng smartphone hiện đại chứ không phải được quay từ năm 1895.
Những đoạn phim cổ dù không có nội dung gì đặc biệt nhưng nó lại rất giá trị khi lưu lại những khoảnh khắc của một thời kỳ vẫn còn thiếu thốn các thiết bị điện tử công nghệ. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa bạn khó có thể kỳ vọng vào những khung hình đẹp và sắc nét như được quay bằng các thiết bị hiện đại.
Nhưng một YouTuber và cũng là một nhà phát triển phần mềm, Denis Shiryaev đã tìm ra cách cải thiện vấn đề này. Bằng cách sử dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo "đa mạng lưới thần kinh nhân tạo" (several neural networks), YouTuber này đã biến một đoạn phim ngắn nổi tiếng của Pháp được quay vào năm 1895 nhưng có chất lượng giống như được ghi bằng một chiếc điện thoại hiện đại ngày nay.
Clip cảnh đoàn tàu vào ga La Ciotat quay năm 1895.
Có tên gọi "L’arrivée d’un train en gare de La Ciotat" (Một chuyến tàu đến ga La Ciotat), đoạn phim tài liệu dài 50 giây của Pháp ghi lại cảnh một đoàn tàu đến ga La Ciotat.
Bộ phim này nổi tiếng vì nó bị cáo buộc làm người xem trong rạp hát phải hoảng sợ vì nghĩ rằng đoàn tàu này sẽ đâm xuyên qua màn hình và lao thẳng vào họ. Cho dù câu chuyện huyễn hoặc này đã bị nhiều người bác bỏ, nó vẫn cho thấy tác động của nó to lớn như thế nào đối với những người chưa từng xem các hình ảnh chuyển động trên màn hình trước đó.
Cảm thấy giá trị kinh điển của kiệt tác này cần được nâng cấp mạnh về chất lượng, Shiryaev đã sử dụng kỹ thuật "đa mạng lưới thần kinh nhân tạo" để upscale hình ảnh của bộ phim này lên độ phân giải 4K với tốc độ khung hình 60 fps. Kết quả tạo ra thật đáng kinh ngạc, nếu không muốn nói choáng váng:
Link 4K 60 FPS tại đây
Dùng trí tuệ nhân tạo, YouTuber upscale đoạn phim quay từ năm 1895 lên 4K, còn có cả âm thanh
Trong khi đoạn video gốc không có tiếng, đoạn video upscale này còn có cả âm thanh để tăng thêm độ chân thực của nó. Tuy vậy vẫn chưa rõ Shiryaev sử dụng những mạng lưới thần kinh nhân tạo nào, nhưng dường như việc upscale video được tạo ra bằng thuật toán GANs (mạng đối nghịch chung: generative adversarial networks) tương tự như những gì đã làm nên các video Deepfakes.
Mặc dù vậy, phải thừa nhận rằng việc upscale độ phân giải hình ảnh lại khiến đoạn video này mất đi sự hấp dẫn của một đoạn phim cũ kỹ, cũng như một số hình ảnh giả tạo do AI tạo ra. Tuy nhiên nó cũng là một minh chứng cho thấy sức mạnh của thuật toán GANs trong việc thao túng các video.
Các chuyên gia từng cảnh báo về việc AI thao túng các đoạn video có thể bị sử dụng cho các mục đích bất chính, nhưng đoạn video lại là một bằng chứng cho thấy nếu được sử dụng đúng cách, công nghệ này sẽ mang lại cho chúng ta những lợi ích bất ngờ.
Tham khảo The Next Web
Nguyễn Hải