Đừng mắc bẫy "chi phí chìm" trong chi tiêu vì nó sẽ khiến bạn nợ càng thêm chồng nợ

(Tổ Quốc) - Chuyên gia tài chính cá nhân Kim Liên sẽ phân tích kĩ hơn về chi phí chìm ảnh hưởng tới chi tiêu của các gia đình theo hướng tiêu cực như thế nào.

Chi phí chìm là gì?

Chi phí chìm là khoản chi phí đã mất thì không lấy lại được.

Ví dụ: 

Bạn mua vé xem một buổi hòa nhạc nhưng trời thì mưa mà bạn lại đang ốm. Nhưng cuối cùng bạn vẫn quyết định tới buổi diễn vì tiếc tiền mua vé.

Đó chính là lúc bạn trở thành nạn nhân của “ngụy biện chi phí chìm”.

Vì sao ư? Bạn đã mua vé và dù có tới buổi hòa nhạc hay không thì vẫn không thể lấy lại số tiền đó. Nhưng nếu bạn đi và bị ốm nặng hơn thì chẳng phải vừa tốn tiền vừa hại tới sức khỏe hay sao.

Bạn có thường xuyên trở thành nạn nhân của “ngụy biện chi phí chìm”?

Câu trả là ai cũng sẽ có, thậm chí là rất thường xuyên. Nếu để ý một chút, bạn sẽ nhận ra rằng rất nhiều quyết định của mình chịu ảnh hưởng của sự ngụy biện chi phí chìm.

“Tôi phải ăn hết chỗ thức ăn này vì đã mất tiền mua chúng”

“Tôi phải cố gắng học nốt khóa học vô bổ đó vì đã đóng toàn bộ học phí”

Chẳng phải đây là những câu nói mà chúng ta hay nghe sao.

Đừng mắc bẫy

Chị Kim Liên hiện đang là Founder của Amy Advise - Chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân

Chị Kim Liên cũng từng là nạn nhân của chi phí chìm khiến hai vợ chồng mất 2 năm để trả nợ. "Trước khi lấy chồng, công việc đầu tư của mình cũng không thuận lợi, lỗ đến toàn bộ số vốn vay để đầu tư, chỉ là kỳ hạn vay dài nên vẫn chưa phải trả ngay. 

Nhưng áp lực trả góp nợ hàng tháng vẫn ngốn gần hết số thu nhập của mình. Mình đã không dám thừa nhận sai lầm đó của bản thân, và nghĩ rằng còn nhiều thời gian để làm lại. Và mình sợ chồng không cho phép đầu tư tiếp nên không dám chia sẻ vấn đề tài chính mà tự chịu áp lực trả nợ 1 mình".

Việc này kéo dài đến tận khi chị Liên có bầu con đầu lòng và đã thực sự quá mệt mỏi, ngày nghỉ sinh sắp đến gần và chị sẽ không còn thu nhập để tiếp tục trả nợ. Lúc này chị bắt buộc phải nói ra với chồng.

"Trước khi nói, mình đã tự tưởng tượng ra mọi kịch bản tệ hại nhất và chuẩn bị sẵn tinh thần. Vì chồng mình là người rất ghét nợ nần. Thế mà phản ứng của chồng mình khá bất ngờ. Anh cũng bị chững lại vài giây nhưng không trách móc mình thêm nữa và bảo mình phải tất toán luôn toàn bộ số nợ còn lại, giải tán việc đầu tư. Anh cũng sẽ trả nợ thay mình số còn lại". 

Sau đó hai vợ chồng chị Kim Liên đã mất 2 năm để trả xong số nợ đó.

Làm thế nào để thoát khỏi ảnh hưởng của tâm lý “ngụy biện chi phí chìm”?

Chúng ta rơi vào sự ngụy biện chi phí chìm vì chúng ta đã đầu tư rất nhiều tiền bạc, thời gian, cảm xúc… vào một thứ gì đó trong quá khứ. Sự đầu tư này trở thành cái lý để chúng ta tiếp tục, ngay cả khi ta phải đối mặt với thất bại. Càng đầu tư nhiều, chi phí chìm càng tăng lên và bạn càng khó để thoát ra. 

Do vậy, điều quan trọng nhất là bạn phải chấp nhận sự thật rằng mình đang rơi vào ngụy biện chi phí chìm. Bằng cách đó, bạn sẽ nhận ra điều đang cản trở suy nghĩ của mình để từ đó đưa ra những quyết định sáng suốt.

Nguyên tắc quản lý cho các gia đình 

- Chia sẻ thu nhập, tài sản với nhau một cách trung thực, không phán xét

- Lên kế hoạch thực hiện các mục tiêu tài chính đã đề ra (kế hoạch 1 năm, 5 năm, 10 năm, 30 năm)

- Lập kế hoạch chi tiêu thường xuyên còn lại của gia đình sau khi đã cất riêng phần tiết kiệm

- Phân chia tỷ lệ đóng góp cho các khoản dựa trên tỷ trọng thu nhập của mỗi người

Đừng mắc bẫy

Ví dụ: 

Thu nhập của chồng 15 triệu, của vợ 12 triệu. Tổng thu nhập của gia đình là 27 triệu/tháng. 

Tổng chi tiêu thường xuyên đặt hạn mức là 15 triệu, tiết kiệm 12 triệu/tháng. 

Có nghĩa là tỉ lệ tiết kiệm hàng tháng của chồng là 6,6 triệu (=15/27x12) và  của vợ là 5.4 triệu. 

Mỗi khi nhận lương, 2 vợ chồng sẽ tự giác chuyển vào tài khoản tiết kiệm gửi góp chung mà cả 2 cùng đăng nhập được. Còn số tiền chi tiêu còn lại của cả 2 thì tiền ai nấy tiêu. Làm như thế này thì cả 2 vẫn đều duy trì được việc tiết kiệm, mà vẫn giữ được sự "độc lập tài chính" của riêng mình.

"Mình quan sát thấy nhiều gia đình lựa chọn phương pháp tiết kiệm lương của 1 người, còn người còn lại sẽ chi hết. Như ở ví dụ trên, lương của vợ cũng có thể tiết kiệm hết cho đơn giản, chỉ tiêu lương của chồng thôi. 

Nghe thì có vẻ đơn giản hơn cách "chia theo tỷ trọng đóng góp thu nhập". Nhưng thực tế, êm ấm thì không sao, nhưng khi có khúc mắc thì 1 người cảm thấy cái gì cũng phải lo cho cả gia đình, 1 người thì lại chỉ bo bo tiết kiệm, không phải tiêu pha bao giờ, dễ có nhiều quyết định chi tiêu/đầu tư sai lầm khi đang được giao trọng trách giữ cục tiền tiết kiệm của cả gia đình.

Hoặc có những gia đình, chỉ có 1 nguồn thu nhập từ chồng/vợ. Điều này là không nên hoặc chỉ được diễn ra trong những lúc gap-year, sinh nở. Còn về lâu dài, mỗi người đều cần có thu nhập của riêng mình, để duy trì sự độc lập cũng như trách nhiệm tài chính cần thiết, cũng là không trở thàng "gánh nặng" với người còn lại.

Cả 2 người cùng nên đóng góp tiết kiệm và cùng tự trách nhiệm về việc chi tiêu của mình. Nếu thiếu thì mới biết là cần phải tăng thu nhập hay không", chị Kim Liên chia sẻ.

*Thông tin bài viết dựa trên sự tư vấn của chị Kim Liên hiện đang là Founder của Amy Advise - Chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân

Hồng Nhung

Tin mới