Dùng IELTS xét tuyển Đại học: Đề cao quá mức hay sự quẩn quanh của ngành Giáo dục?

(Tổ Quốc) - IELTS chỉ giúp nhà trường chọn được các thí sinh có nền tảng tiếng Anh nhất định, chứ không chắc là người có khả năng tốt ở các môn học khác.

Tuy cả đại diện Bộ Giáo dục, phía nhà trường lẫn 1 số giảng viên đã lên tiếng ủng hộ việc dùng IETLS xét tuyển Đại học. Nhưng việc IELTS được nhiều Đại học sử dụng như 1 tiêu chí tuyển sinh, thậm chí tuyển thẳng có lẽ chỉ là 1 sự quẩn quanh trong chính sách Giáo dục.

IELTS là gì và sự kiếm khuyết của IELTS?

IELTS là viết tắt của cụm từ International English Language Testing System (tạm dịch là hệ thống kiểm tra tiếng Anh quốc tế). Theo Bristish Council (Hội đồng Anh): "Bài thi được phát triển bởi các chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực khảo thí và đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh của thí sinh thông qua tất cả các kỹ năng – nghe, nói, đọc và viết. Bài kiểm tra phản ánh cách bạn sẽ sử dụng tiếng Anh để học tập, làm việc và sinh sống trong môi trường sử dụng tiếng Anh".

Ngay từ lời giới thiệu của Bristish Council có thể thấy IELTS phát huy tác dụng tốt nhất khi bạn muốn học tập, làm việc và sinh sống trong môi trường sử dụng tiếng Anh. Thế nên, việc sử dụng IETLS để làm tiêu chí tuyển sinh cho môi trường học thuật bằng tiếng Việt chưa hẳn đã hợp lý.

Hơn nữa, bản chất của IELTS là để đánh giá năng lực tiếng Anh. Nó không phải là bài thi đánh giá trình độ ở các lĩnh vực chuyên môn khác. Vì thế, việc sử dụng chứng chỉ IELTS để tuyển thẳng có thể mang nhiều sai số. IELTS chỉ giúp nhà trường chọn được các thí sinh có nền tảng tiếng Anh nhất định, chứ không chắc là người có khả năng tốt ở các môn học khác.

Dùng IELTS xét tuyển Đại học: Đề cao quá mức hay sự quẩn quanh của ngành Giáo dục? - Ảnh 1.

Nhiều trường Đại học danh tiếng tại Việt Nam đưa IELTS trở thành một trong những tiêu chí tuyển thẳng. (Ảnh minh họa)

Sở dĩ chỉ nói là nền tảng tiếng Anh nhất định, vì ngưỡng nhiều trường đưa ra để tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS là khá thấp chỉ 5.0 hay 6.0. Với mốc điểm này khó có thể khẳng định đây sẽ là người giỏi tiếng Anh. 

Bởi IELTS là 1 bài thi được thiết kế theo một format cụ thể. Có rất nhiều mẹo, thủ thuật có thể áp dụng để giúp nâng điểm thí sinh lên 1 ngưỡng vừa phải như 5.0 – 6.0. Chỉ cần 1 thời gian ngắn có điều kiện ôn luyện phần lớn đều có thể chinh phục mục tiêu này. IELTS thực sự chỉ có sự phân hóa về năng khiếu và trình độ ở những thang điểm từ 7.0 đến 9.0 .

Ngay cả khi cho rằng chứng chỉ IELTS ở mức 5.0 – 6.0 trở lên là đủ để tuyển chọn những thí sinh có năng lực tiếng Anh tốt trong mặt bằng học sinh THPT Việt Nam, thì xét cho cùng tiếng Anh chỉ là 1 loại công cụ hỗ trợ cho việc học các kiến thức khác. Không thể chỉ vì công cụ mà bỏ qua những yếu tố nền tảng cốt lõi. Mới đây, Bộ Nội vụ còn bỏ quy định về Chứng chỉ Ngoại ngữ trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

Thực tế, Chương trình học bổng AAS của Chính phú Úc tại Việt Nam (Australia Awards Scholarship)  không hề đặt nặng tiêu chí IELTS khi tuyển ứng viên (dù những người được chọn sẽ học ở Úc). Đã có những ứng viên trúng tuyển dù chỉ có thể trả lời phỏng vấn bằng tiếng Việt thay vì tiếng Anh. 

Có lẽ vì Hội đồng tuyển chọn quan tâm đến năng lực tư duy, chuyên môn... của ứng viên hơn là ngoại ngữ. Họ cho rằng khoảng thời gian vài tháng được học tiếng Anh trước khi đi du học sẽ cung cấp đủ nền tảng cho ứng viên để theo học ở Úc. Trong khi những yếu tố về chuyên môn, kinh nghiệm làm việc,... thì không phải là thứ dễ có được trong 1 thời gian ngắn. Còn chúng ta thì đang làm ngược lại!

IELTS và sự quẩn quanh của chính sách giáo dục

Là 1 người từng được học bổng của Chính phủ Úc, chứng kiến nhiều bạn xuất phát điểm với nền tiếng Anh rất thấp, nhưng khi có môi trường học và sử dụng đã thăng tiến rất nhanh, đạt đủ điều kiện học tập, làm việc ở Úc, người viết cho rằng điểm số IELTS chỉ phản ánh điều kiện cũng như quá trình được học, sử dụng ngoại ngữ của học sinh THPT chứ không phải cái gì quá ghê gớm (trừ những bạn được điểm IELTS tuyệt đối hoặc gần tuyệt đối).

Dùng IELTS xét tuyển Đại học: Đề cao quá mức hay sự quẩn quanh của ngành Giáo dục? - Ảnh 2.

Thí sinh thi IELTS phải đóng một khoản lệ phí khá cao. (Ảnh minh họa)

Nhìn chung, IELTS mang đến ưu thế rất rõ ràng cho học sinh các thành phố lớn, gia đình có kinh tế tương đối. Trong khi, những học sinh ở vùng sâu, vùng xa, gia đình không có điều kiện lại hoàn toàn thất thế, do năng lực của giáo viên, môi trường sử dụng, học tập,... đều hạn chế hơn nhiều.

Việc đề cao IELTS trong việc tuyển sinh đại học cũng phơi bày tư duy quẩn quanh trong chính sách Giáo dục. Chúng ta đã cố gắng cải cách để giảm tải áp lực cũng như lãng phí trong thi cử. Nhưng việc trao cho IELTS quá nhiều quyền lợi lại đi ngược lại chủ trương ấy.

Trước hết IELTS là 1 kỳ thi vô cùng tốn kém. Để được cấp chứng chỉ IELTS, thí sinh sẽ phải tham dự 1 kỳ thi với lệ phí lên tới 4.750.000 đồng trả cho các tổ chức nước ngoài (theo công bố của Hội đồng Anh) – một con số không hề nhỏ. Nhất là khi 1 thí sinh có thể phải thi tới vài lần để đạt được mục tiêu. Mức phí này là gia tài với nhiều gia đình ở nông thôn.

Ngoài ra, dù hiện nay kỳ thi này đã được mở rộng đáng kể nhưng hiện mới chỉ có mặt ở Hà Nội, TP. HCM và hơn 20 tỉnh, thành phố. Do đó, nếu muốn tham dự kì thi nhiều thí sinh sẽ buộc phải đi sang tỉnh/thành phố khác hoặc di chuyển về tỉnh lỵ của địa phương mình để dự thi. Nó gợi nhớ cảnh hàng năm thí sinh và gia đình phải vất vả khăn gói về các thành phố lớn để thi Đại học trong quá khứ.

Dùng IELTS xét tuyển Đại học: Đề cao quá mức hay sự quẩn quanh của ngành Giáo dục? - Ảnh 3.

IELTS mang đến ưu thế rất rõ ràng cho học sinh các thành phố lớn, gia đình có kinh tế tương đối. (Ảnh minh họa)

Tất nhiên, ai đó có thể lý giải rằng vẫn còn nhiều con đường khác để thí sinh vào Đại học phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế thay vì chạy theo chúng chỉ IELTS. Nhưng việc tạo cho chứng chỉ IELTS quá nhiều đặc quyền hoàn toàn có thể tạo ra 1 cuộc chạy đua trong tương lai gần (hiện tại cũng đã manh nha). 

Ngay cả khi nếu cuộc đua lãng phí ấy may mắn không trở thành sự thật, thì tuyển sinh bằng chứng chỉ IELTS đơn giản là vẫn cướp đi các cơ hội, suất vào Đại học của những thí sinh gia đình ít có điều kiện hơn.

Một chính sách được đưa ra để tiếp tục mang đến lợi thế lớn cho nhóm người vốn đã có ưu thế trong xã hội dĩ nhiên là một chính sách cần phải được xét lại. Nên chăng IELTS chỉ nên là tiêu chí phụ được xét đến khi có 2 thí sinh bằng điểm tuyển sinh, thay vì quá coi trọng chứng chỉ này!

Đức Phan

Tin mới