(Tổ Quốc) - Dùng đũa gỗ, thớt gỗ với bất cứ loại đồ ăn, thức uống nào cũng đều cần phải rửa thật kỹ. Không chỉ là phòng tránh nguy cơ nhiễm bệnh ung thư mà còn cả nguy cơ nhiễm hóa chất độc hại từ nước rửa chén. Nhưng có nhóm thực phẩm này bạn cần kỹ càng hơn.
Sử dụng đũa gỗ, thớt gỗ nếu bị nấm mốc, nhiều người lo ngại nguy cơ bị nhiễm chất gây ung thư cũng như nhiều bệnh tật nguy hiểm khác. Trong thực tế, dùng 2 món đồ gỗ này với loại thực phẩm khác nhau thì khả năng hình thành nấm mốc khác nhau, trong trường hợp chưa được rửa kỹ. Vậy, đũa gỗ, thớt gỗ khi sử dụng với những thực phẩm nào thì nên rửa kỹ, tránh mầm mống ung thư?
Chúng ta cùng trao đổi với PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) về chủ đề này ngay dưới đây!
PV: Thưa chuyên gia, như hôm trước chúng ta đã đề cập, đũa gỗ, thớt gỗ bị nấm mốc có gây ung thư gan hay bất cứ loại ung thư nào khác cần phải xem xét đó là nấm mốc loại nào. Nếu là nấm mốc từ những loại tinh bột như gạo, ngô, lúa mì bám vào thì có khả năng bị nhiễm chất gây ung thư Aflatoxin - nguyên nhân gây ung thư gan không?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Nói chung, tất cả những loại nấm mốc đều gây ra độc dù chưa chắc chứa chất gây ung thư Aflatoxin - nguyên nhân gây ung thư gan hàng đầu. Riêng nấm mốc hình thành trên những loại tinh bột như gạo, ngô, lúa mì... thì có khả năng gây ung thư cực cao. Bây giờ, chúng ta cho đũa gỗ, thớt gỗ tiếp xúc với những loại nấm mốc sinh sôi trên những thực phẩm này, rồi vô tình ăn phải thì nguy cơ ung thư là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.
PV: Đũa gỗ, thớt gỗ vốn là đồ dùng, dụng cụ trong nhà bếp, tiếp xúc với thực phẩm là chuyện đương nhiên. Có một trường hợp thực tế như này, khi chúng ta cho đũa gỗ vào hỗn hợp đậu phộng và dầu ăn, rửa sơ bằng nước máy, để ở nhiệt độ thường. Sau 4 ngày, người ta nhận thấy trên các đôi đũa xuất hiện một số đốm mốc màu trắng nhỏ li ti. Nấm mốc xuất hiện trong trường hợp này là do những nguyên nhân nào thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Nguyên tắc hoạt động của nấm mốc là phải có dinh dưỡng để nó phát triển. Đũa gỗ, thớt gỗ sau khi dùng để gắp thức ăn, thái chặt thực phẩm... nếu chưa rửa kỹ, phơi khô như trường hợp vừa nêu thì chuyện nó lên nấm mốc là đương nhiên. Lúc này, bề ngoài của đũa gỗ, thớt gỗ vẫn còn chất dinh dưỡng từ thức ăn còn sót bám vào. Đây chính là nguồn gây nấm mốc.
Chưa kể, nấm mốc có rất nhiều trong không gian sống nên đây cũng là một nguyên nhân khiến chúng sinh sôi. Khi bề mặt đũa gỗ, thớt gỗ còn sót chất dinh dưỡng từ đồ ăn bám vào do chưa rửa kỹ, để bên ngoài môi trường sống, chúng sinh sôi nảy nở nấm mốc là chuyện khó tránh. Không cứ gì trường hợp nêu bên trên, chỉ cần rửa không kỹ sau khi tiếp xúc thực phẩm thì chắc chắn đều tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển.
PV: Từ trường hợp ví dụ bên trên, theo ông, đũa gỗ, thớt gỗ khi dùng với những loại thực phẩm nào thì cần rửa thật kỹ để tránh nhiễm độc tố Aflatoxin?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Theo tôi, dùng đũa gỗ, thớt gỗ với bất cứ loại đồ ăn, thức uống nào cũng đều cần phải rửa thật kỹ. Không chỉ là phòng tránh nguy cơ nhiễm bệnh ung thư mà còn cả nguy cơ nhiễm hóa chất độc hại từ nước rửa chén nữa.
Mặc dù vậy, ai cũng nên nhớ nguyên lý nói về sự phát triển của nấm mốc: nấm mốc phát triển mạnh ở môi trường dinh dưỡng cao hơn và ngược lại, chúng ít phát triển ở môi trường dinh dưỡng thấp hơn.
Ví dụ như cùng là kiểu rửa thớt gỗ qua loa nhưng so sánh giữa việc thái rau trên thớt gỗ với thái thịt, cá trên thớt gỗ thì những loại thực phẩm như thịt cá sẽ sản sinh nấm mốc nhiều hơn, nhanh hơn. Tóm lại, thực phẩm càng giàu dinh dưỡng, giàu đạm, chất béo… thì càng cần lưu tâm rửa, làm khô kỹ càng.
PV: Theo ông, ngoài việc rửa kỹ đũa gỗ, thớt gỗ sau khi dùng các loại thực phẩm như trên để tránh nhiễm độc tố Aflatoxin, chúng ta cũng cần rửa kỹ trong các trường hợp nào? Vì sao?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Người dân nên rửa kỹ đũa gỗ, thớt gỗ sau khi dùng để gắp, thái… bất cứ thực phẩm nào. Đặc biệt là thịt cá. Bởi lẽ, ngoài việc sản sinh nấm mốc nhanh chóng nếu không rửa kỹ bề mặt, chúng còn có mùi hôi thối khó chịu. Nguyên nhân là do sự phân giải chất dinh dưỡng trong đó.
PV: Khi rửa thật kỹ đũa gỗ, thớt gỗ, chúng ta cần rửa như thế nào để đảm bảo tránh bị nấm mốc tấn công?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Việc này cũng đơn giản không có gì phức tạp quá đâu! Chúng ta cần xối nước, sử dụng miếng giẻ lau bằng sợi kim loại hoặc miếng nhám, cho chất tẩy rửa vào đó rồi đánh sạch bề mặt đũa gỗ, thớt gỗ. Sau đó cần để nơi thoáng đãng cho ráo nước và làm khô hẳn. Hoặc cẩn thận hơn có thể lau khô, sấy khô ngay khi rửa xong rồi để vào vị trí của chúng trong nhà bếp. Thớt gỗ, đũa gỗ, đồ đạc nói chung phải khô thì mới không bị mốc được.
Tóm lại, có 2 nguyên tắc quan trọng để phòng tránh đũa gỗ, thớt gỗ bị lên nấm mốc. Một là các loại thức ăn không bám trên bề mặt. Hai là không để bề mặt bị ẩm. Như vậy, bạn sẽ không phải lo lắng nấm mốc sinh sôi, gây bệnh cho gia đình.
PV: Ngoài ra, người dân nên sử dụng loại đũa gỗ, thớt gỗ đạt những tiêu chí như thế nào để tránh trường hợp thức ăn dễ bị bám vào, gây nấm mốc?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Với đũa gỗ, tốt nhất nên chọn những loại làm từ tre, trúc già; với thớt gỗ nên chọn loại gỗ lâu năm. Tất cả cần có bề mặt phẳng mịn, không có xơ. Hiện nay, ngoài thị trường bán rất nhiều những loại đũa gỗ sơn son đều làm từ chất liệu tốt, sơn son vào để chống hút ẩm, nâng cao hạn sử dụng. Nếu có bị ẩm cũng chỉ bị bên ngoài, nguy cơ nấm mốc từ bên ngoài nên có thể rửa sạch, phơi khô dùng bình thường.
Ngược lại, những loại đũa dùng một lần làm từ tre non. Chỉ nên dùng đúng 1 lần rồi bỏ. Vì những loại gỗ này thì nấm mốc có khả năng xâm nhập cả bên trong. Khuyến cáo tuyệt đối không dùng hàng ngày trong các gia đình.
PV: xin cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ!
TH