(Tổ Quốc) - Hôm ngồi bàn nhậu, lúc tôi đứng lên cáo lỗi vì về sớm, tôi thấy ối ông lườm nguýt tôi rằng thì "đàn ông hèn", "sợ vợ"...
Đi làm vẫn còn sướng chán so với việc quanh quẩn với 1 đứa nhỏ chỉ ọ ẹ không nói, không cười
Có ông còn nói nguyên 1 bài diễn văn thế này: "Ông đúng là đồ sợ vợ. Ông cứ ngồi im đó cho tôi xem nào, lúc về nhà mọi việc sẽ được giải quyết hết. Kinh nghiệm tôi 3 đứa con đây, cứ lo như ông thì ông nào ngồi nhậu được. Mụ vợ càm ràm 1 lúc thì thôi, chứ ăn thịt được mình à? Đi mãi thành thói quen đến lúc mụ sẽ chán nói và rồi sẽ yên thân thôi. Giờ ông về sớm, mai ông vẫn về sớm, ngồi thế mất cả vui".
Các ông thấy đấy, vốn đã lâu tôi không còn ngồi nhậu. Nhưng hôm đó là liên hoan công ty nên tôi tham gia, khi thấy đủ tôi sẽ quả quyết đứng lên. Tôi biết đằng sau các ông vẫn xì xào về cái bệnh hèn của tôi. Ừ, thì tôi hèn, tôi sợ vợ nhưng là có nguyên do của nó. Hôm đó không tiện để nói rõ nay tôi nói ra để các ông xem có nên hèn không nhé.
Dù người ta bảo sinh con là thiên chức của đàn bà, là 1 việc đáng tự hào. Nhưng lúc chứng kiến vợ sinh cái Mít tôi đã thề sẽ không bao giờ phải để vợ buồn. Nhìn cô ấy đau đớn trên bàn đẻ và ai đó so sánh mỗi lần sinh nở bằng việc "bẻ gãy 20 cái xương sườn" thì tôi hiểu phần nào. Đó là việc, tôi không thể làm thay cô ấy, nhưng nếu bỗng dưng có ai hỏi có can đảm chuyển nỗi đau đó sang các ông chồng không thì mấy ông dám gật đầu? Mà dù thế nào cũng không đau thay được vợ để có cái Mít, cái Mật thì lúc hàng ngày hãy chung tay cùng cô ấy, việc đó đâu có khó.
Có hôm đi làm về, tôi thấy cô ấy ôm con ngủ gục, la liệt xung quanh nào là chậu tắm, bình sữa, quần áo... Tôi đã cố ý xem camera 1 ngày của cô ấy và nhận ra cô ấy không hề được nghỉ ngơi lúc nào. Đi làm vẫn còn sướng chán so với việc quanh quẩn với 1 đứa nhỏ chỉ ọ ẹ không nói, không cười.
Sau này Mít, Mật lớn lên thì nào là lo cho con cái ăn uống, cô ấy thường là người ăn sau cùng. Tôi cũng đã muốn tranh phần cho con ăn thay cô ấy nhưng lũ trẻ lại chỉ thích mẹ. Tuy nhiên, có tôi ở nhà cùng, cùng làm mọi việc thì cô ấy vui hẳn. Ánh mắt lấp lánh như thể mọi việc mình làm đều là có ích vậy. Nhưng có 1 lần tôi cũng vì mải vui và cố dấn ngồi với chiến hữu, lúc tôi về nhà đúng là mọi việc xong xuôi hết thật, nhưng cô ấy chưa hề ăn cơm, tôi chảy nước mắt quên rằng mình đã từng nghĩ không khi nào để cô ấy phải buồn.
Vợ không chỉ là vợ mà còn là chuyên gia
Tôi cũng phục cô ấy vì cách xử lý công việc 3 đầu 6 tay. Cô ấy có thể như chuyên gia giáo dục biết trường nào có ưu điểm gì, cô nào là cô giáo tốt. Lúc khác cô ấy lại là chuyên gia sức khỏe khi đọc đúng bệnh của con y xì như bác sĩ. Thậm chí đơn thuốc mà cô nói cũng không khác gì so với bác sĩ kê.
Cô ấy bảo tìm hiểu là biết thôi, nhưng trẻ con khó nói, mình cũng chỉ là chẩn đoán, có thể đúng, có thể sai nên phải cậy nhờ vào bác sĩ. Lúc sửa nhà cô ấy nói vanh vách các loại sàn gỗ với ưu nhược điểm của từng loại, kết hợp màu sắc nội thất ra sao... khiến tôi cứ mắt chữ A, mồm chữ O vì phục. 1 cô vợ mà kiêm hết cả chuyên gia các thể loại từ chuyên gia tiêu dùng, chuyên gia tâm lý, chuyên gia giáo dục, chuyên gia làm mẹ... Có vẻ điều gì cô ấy muốn là cô ấy sẽ tìm hiểu và có thể xử lý mọi việc. Đó là việc tôi không thể hoặc rất khó khăn để làm. Vì thế tôi phải dành cho cô ấy 1 chữ phục.
Từ sau khi lấy chồng, sinh con cô ấy đã phải gạt bỏ các cuộc vui với bạn bè để về nấu cơm tối, bỏ thú vui mua sắm cho mình để mua sắm cho chồng con. Thời gian nằm đắp mặt, dưỡng da nay đã dành cho việc cân đối thu chi trong nhà, dạy dỗ con cái học tập, dọn dẹp sắp xếp nhà cửa... Thời gian dường như là chẳng bao giờ đủ cả, hết giờ làm là cô ấy lại làm vợ, làm mẹ mà đâu có lương đâu.
Vậy lý gì các ông chồng hết giờ làm là bia bọt, bóng đá, tập gym, tennis, golf còn thì kệ vợ xoay con xoay cái, xoay bếp núc, dọn dẹp nhà cửa. Có ông hết giờ còn ngồi nán lại chơi vài ván game chờ đường bớt tắc, chờ cơm nước xong xuôi, chờ cho đỡ phải làm việc nhà, đâu để ý đến vợ mình vừa cố hoàn thành xong cái báo cáo cho kịp giờ đón con.
Xưa kia vợ tôi cũng xinh đẹp như hoa khôi mà đến 1 ngày tôi nhận ra khóe mắt vợ có nếp nhăn, trên gò má đã xuất hiện thêm vài vết nám, vẻ tàn phai của sắc đẹp hiện rõ. Lấy chồng, sinh con rồi cuộc đời cứ cuốn trôi theo những lo toan, cơm áo, gạo tiền, theo những bận bịu gia đình, mưu sinh mà còn chẳng để ý được mình đã không còn xinh đẹp được như xưa.
Lúc các ông vỗ đùi nói rằng là như bị lừa, khi lấy vợ thì eo thon, mông nở, quần áo đẹp, nước hoa thơm, rồi lấy về bỗng thành vợ thành bà nội trợ bụng ngấn mỡ và mặc những bộ quần áo tuềnh toàng. Các ông có nghĩ đến 9 tháng mang nặng đẻ đau, đến những khi sấp ngửa đến nhà vơ tạm cái gì để mặc mà tất tả cơm nước, miễn đồ mặc phải thoải mái để vừa tiện nấu cơm vừa tiện trông con. Ối ông lại so sánh vợ với cô Mơ, cô Mận khi xưa, 15 năm sau vẫn ngời ngời như gái 18, còn vợ mình thì... Hãy hỏi chồng cô ấy là ai để cho cô ấy 1 dung nhan như thế?
Phụ nữ, họ bỏ quên cái tuổi xuân tươi đẹp sau khi lấy chồng, sinh con. Ngoại hình ấy là đánh đổi cho những đứa trẻ đáng yêu mà ông gọi là con. Họ chấp nhận ngoại hình thay đổi, gác lại những đam mê để làm vợ, làm mẹ, lo cho gia đình. Còn các ông lại chê bai cái thân hình ngấn mỡ, cái bụng đã chảy xệ theo thời gian mà chẳng chịu nghĩ đến vì đâu vợ mình thành ra thế.
Có hôm tôi ốm, mẹ tôi đã già không thể chăm sóc. Vẫn chỉ là cô ấy, tất tả gửi con sang nhà ngoại, rồi chăm sóc chồng kĩ càng đến mức ông bệnh nhân bên cạnh cô đơn 1 mình chảy nước mắt bảo: "Ông thật may mắn, tôi đã không còn cái diễm phúc ấy".
Khi xưa các ông hứa sẽ mang lại hạnh phúc cho vợ mình, thế rồi có được cô ấy rồi, đến lúc như 1 thói quen các ông chẳng hề để ý đến cảm nhận của cô ấy, nói gì đến việc đem lại niềm vui. Không ít các ông còn gia trưởng cho rằng vợ là thứ có thể thay thế còn mẹ các ông mới là duy nhất. Nhìn người ta khổ sở vì cảnh mẹ chồng - nàng dâu các ông cũng mặc kệ như mình là kẻ vô can.
Cô ấy còn hạnh phúc là chúng ta còn có cơ hội được hạnh phúc
Người ta bảo phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng, câu này cũng không phiến diện đâu nhé. Phận đàn bà may mắn gặp được ông chồng tâm lý thì nở mày nở mặt, dù có vất vả có cực nhọc họ cũng thấy đáng. Còn nếu gặp phải gã đàn ông tồi thì tự mình mà lau nước mắt, tự mình mà mạnh mẽ, tự mình mà học cách yêu thương mình.
Đàn bà ấy mà họ không ngại hy sinh chỉ có điều rằng nó có đáng không. Nếu họ cảm thấy hạnh phúc thì việc họ làm chẳng gọi là hy sinh. Còn nếu họ thấy đau khổ thì kể cả gọi nó là hy sinh cũng không đáng.
Các ông cố ngồi với nhau mấy bữa nhậu rồi chẳng để ý đến cảm giác của vợ rồi có ngày khi đã cạn kiệt sức lực và yêu thương có lẽ cô ấy sẽ chẳng cần, tội gì mà yêu thêm 1 thằng đàn ông vô tâm nữa. Thà yêu lấy chính mình còn nhẹ nhàng hơn nhiều. Rồi các ông sẽ có cơ hội ngồi nhậu hết ngày này qua ngày khác, đến mức có lẽ chẳng buồn trở về, vì còn NHÀ đâu mà về. Căn nhà khi xưa chỉ còn lại cái xác chứ hơi ấm thì cô ấy đã mang đi cả rồi.
Nói thế để thấy các ông có gọi tôi là "hèn" thì tôi cũng chấp nhận. Hãy về sớm, san sẻ với vợ từ việc nhỏ đến việc lớn, cô ấy còn hạnh phúc là mình có cơ hội được hạnh phúc. Mà còn giữ được vợ, giữ được mẹ cho con thì còn lý tưởng để phấn đấu. Còn nếu mất tất cả, mọi việc ông làm chẳng phải vô nghĩa sao, ngay cả bữa nhậu hôm ấy cũng vậy thôi!
Các ông cứ thấy phụ nữ đòi nữ quyền là hậm hực nhưng nếu còn giữ thái độ kiểu như vậy thì hỏi sao phụ nữ không phải đấu tranh nữ quyền.
Còn nói gần hơn, chẳng người phụ nữ nào muốn làm 1 nữ cường nhân đâu, hãy chìa bờ vai ra để cô ấy dựa vào, đừng để cô ấy sẽ không bao giờ phải hối hận vì đã từng nắm tay ai đó bước vào lễ đường.
Nhiều ông than phiền phụ nữ có đến 2 ngày để tôn vinh, còn đàn ông chẳng có lấy 1 ngày. Cô ấy chắc cũng chẳng mong ngày 8/3 hay 20/10 để được tôn vinh đâu. Phụ nữ ấy mà họ cần gì tôn vinh một ngày, họ cần tôn trọng hàng ngày cơ!
ĐX