(Tổ Quốc) - Trong thời đại mà trẻ nhỏ được tiếp xúc với công nghệ từ rất sớm thì những hệ thống "chống nghiện game" mà các studio ở Trung Quốc đang sử dụng dường như cũng không mang lại quá nhiều hiệu quả như kỳ vọng.
Trung Quốc là 1 trong những quốc gia đã ban hành nhiều điều luật, biện pháp hạn chế chơi game nghiêm khắc bậc nhất thế giới. Chính phủ tại đây đặc biệt chú trọng đến vấn đề nghiện điện tử của giới trẻ, nhất là trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên. Đó là lý do vì sao họ đã yêu cầu các công ty, studio phải áp dụng 1 số phương pháp như giới hạn thời gian chơi mỗi ngày, với trẻ dưới 18 tuổi là 90 phút/ngày hoặc 3 giờ/ngày trong các dịp nghỉ lễ.
Thế nhưng, trong thời đại mà trẻ em được tiếp xúc với công nghệ từ rất sớm thì các cô cậu nhóc này không hề thiếu cách để qua mặt các biện pháp nghiêm khắc trên đây. Không chỉ chơi điện tử thả ga, đã có không ít trường hợp thậm chí còn khiến cho phụ huynh phải khóc thét khi phát hiện ra con em mình “lỡ tay” ngốn cả đống tiền trong thẻ chỉ để mua vài vật phẩm trong game. Vấn đề đó nghiêm trọng đến nỗi trang Xinhua đã phải xuất bản hẳn 1 bài viết để chỉ trích nhiều công ty game đang cố tình ngó lơ thực trạng này, vì mục đích lợi nhuận mà đi ngược lại các điều luật của chính phủ.
Trẻ em Trung Quốc có rất nhiều "sáng kiến" để qua mặt các biện pháp hạn chế thời gian chơi điện tử trong ngày.
Chưa dừng lại ở đó, nếu điều luật ban hành càng phức tạp, càng khắt khe, trẻ nhỏ lại càng tìm ra nhiều cách tinh vi và sáng tạo hơn để có thể cày game thỏa thích. Daniel Ahmad, chuyên gia phân tích trong lĩnh vực gaming tại Niko Partners cho biết trẻ em đã và đang tận dụng các hệ thống đăng ký tài khoản bằng tên thật, ra mắt từ năm 2007, để có thể đánh lừa nhà sản xuất và từ đó chơi game không giới hạn thời gian: “Vì những giới hạn về mặt công nghệ nên các hệ thống này luôn tồn tại những lỗ hổng để trẻ có thể điền thông tin giả mạo, mua các tài khoản đáng lẽ là dành cho người lớn, hoặc sử dụng tài khoản của bố mẹ để qua mặt các điều luật hạn chế”.
Nhu cầu đến từ các game thủ nhí cao đến mức hiện nay đã hình thành hẳn 1 ngành công nghiệp chuyên cung cấp thông tin giả mạo (của người lớn) cho em để có thể vượt qua vòng đăng ký tài khoản. Đáng lo hơn nữa, việc mua những tài khoản giả này lại diễn ra hết sức đơn giản, dễ dàng, giống như khi chúng ta lên order hàng trên Taobao hay các nền tảng thương mại điện tử khác vậy. Mặt khác, nếu không muốn giao dịch phức tạp, trẻ cũng có thể tìm đến những quán smartphone arcade (hiểu đơn giản thì là quán net nhưng sử dụng điện thoại thông minh thay cho máy tính). Tại đây, các em có thể chơi game thỏa thích với mức giá chỉ khoảng 0,14 USD/giờ.
Bên cạnh đó, không phải nhà sản xuất game nào cũng tỏ ra nghiêm túc đối với những điều luật giới hạn của chính phủ Trung Quốc. Cuối năm ngoái, Hiệp hội Người tiêu dùng tại quốc gia này đã phát hiện ra 17 trong tổng số 50 tựa game phổ biến nhất có thể dễ dàng truy cập bằng số ID giả mạo mà không cần bất cứ hình thức xác minh phức tạp nào cả.
Sức hút từ những tựa game như Honour of Kings đã khiến cho giới trẻ Trung Quốc, đặc biệt là trẻ nhỏ, tìm mọi cách để qua mặt những biện pháp "chống nghiện game" của chính phủ.
Thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát cũng là khi ngành công nghiệp gaming bùng nổ, và vấn đề trên đây lại trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết tại Trung Quốc. Rất nhiều phụ huynh đã phát hiện ra con em mình đã tự tiện sử dụng điện thoại của họ để chơi game trên chính những file save mà họ đang chơi dở (tức là chơi với tài khoản người lớn để khỏi bị hạn chế thời gian).
Một hội đồng bảo vệ người tiêu dùng tại Thâm Quyến đã tiếp nhận số lượng ý kiến phàn nàn tăng đến 360% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là tập trung vào vấn đề trẻ nhỏ tốn quá nhiều thời gian cho việc cày game khi phải ở trong nhà cả ngày để thực hiện giãn cách xã hội. Khoảng 14% số ý kiến này cho biết con em họ đã tiêu tốn hơn 1.400 USD để thực hiện các giao dịch trong game.
Thực trạng tiêu cực rõ ràng như vậy, nhưng để khắc phục nó thì lại không hề đơn giản chút nào. Tháng 11/2019, Trung Quốc đã tiếp tục ban hành thêm luật hạn chế cả thời gian chơi game mỗi ngày và số tiền mà trẻ em có thể sử dụng trong trò chơi của mình. Các công ty lớn như Tencent hay NetEase cũng đã bắt đầu áp dụng nhiều điều khoản giới hạn của riêng mình để xoa dịu chính phủ. 2 tựa game phổ biến nhất nhì ở Trung Quốc hiện nay, Honour of Kings và PUBG Mobile, đều đã thực hiện công đoạn kiểm tra chéo số chứng minh thư của người chơi với cơ sở dữ liệu mà cảnh sát cung cấp. Ngoài ra, họ còn cho phép phụ huynh có thể “kick” con em mình ra khỏi game bất cứ lúc nào.
Riêng Tencent thậm chí còn sử dụng những công nghệ cao cấp hơn như machine learning hay nhận diện khuôn mặt để buộc trẻ nhỏ phải tuân theo các điều luật giới hạn. Quá trình quét gương mặt người chơi đã được áp dụng cho Honour of Kings kể từ năm 2018 nhưng lại từng bị giới truyền thông gọi là “trò hề nguy hiểm” vì những rủi ro về mặt bảo mật mà nó có thể gây ra.
Tuy nhiên, ngay cả những biện pháp công nghệ tối tân này nhiều khi cũng không thể ngăn cản nổi sự tinh quái của những “con nghiện game” trẻ tuổi. Tencent đã từng đưa ra báo cáo về tình trạng trẻ em đã đăng ký tài khoản dưới tên bố mẹ, rồi dùng smartphone quét gương mặt họ khi ngủ để có thể vào game chơi thỏa thích. Láu cá hơn nữa, có em thậm chí còn nhờ người lạ, như nhân viên tại siêu thị, quán nước chẳng hạn, giả vờ làm phụ huynh của mình và thuyết phục nhân viên chăm sóc khách hàng của các studio game loại bỏ những điều khoản giới hạn. Nếu thất bại, nhiều em thậm chí còn cố tình bóp méo giọng để tự giả dạng làm ông bà của mình để thuyết phục lại.
Sự láu cá của trẻ nhỏ đang khiến các studio game đau đầu tìm cách hạn chế thời gian chơi game mỗi ngày.
Mới đây, Tencent đã cập nhật lại hệ thống “chống nghiện game” của mình và khẳng định họ sẽ dần ra mắt trong các tựa game sắp tới. Trước đó, công ty này cho biết họ sẽ sử dụng machine learning để xác định độ tuổi của người chơi thông qua các thao tác và hành vi của người đó trong game. Để hạn chế những mẹo qua mặt mà trẻ em có thể nghĩ ra, Tencent sẽ giữ bí mật toàn bộ những tiêu chí đánh giá mà họ sử dụng cho công nghệ của mình.
Daniel Ahmad cho biết: “Trẻ nhỏ sẽ luôn tìm cách khai thác các lỗ hổng trong hệ thống trò chơi để có thể vượt qua các điều luật hạn chế thời gian. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ sớm chấm dứt, hay ít nhất là trở nên khó khăn hơn bởi các giải pháp công nghệ “chống nghiện game” đang ngày càng trở nên hiện đại và phức tạp hơn rất nhiều”.
Trái với Tencent và NetEase, những studio game nhỏ lẻ lại gặp khá nhiều khó khăn trong việc tự phát triển hệ thống “chống nghiện game” cho riêng mình. Vì vậy, trong tương lai, nhiều khả năng họ buộc sẽ phải dựa vào chính Tencent - hiện đang làm việc để cấp phép cho hệ thống machine learning của họ, để kiểm soát thời gian chơi game của trẻ. Đến cuối tháng này, các cơ quan quản lý sẽ bắt đầu rà soát những tựa game không tuân thủ điều luật hạn chế mà chính phủ đưa ra. Và nếu chưa có giải pháp nào khả thi, các studio nhỏ sẽ buộc phải chi tiền bản quyền để sử dụng công nghệ mà Tencent cung cấp.
Theo SCMP
DG