(Tổ Quốc) - Đầu tháng "thả phanh" chi tiêu đã tay, cuối tháng lại lao đao với chiếc "ví đói" là tình trạng rất nhiều người mắc phải.
"Chưa hết tháng đã hết tiền" là tình trạng rất nhiều người gặp phải mà nguyên nhân phần lớn do cách ăn tiêu không hợp lý. Vậy giải pháp nào là tối ưu giúp chiếc ví của bạn luôn giữ được "phong độ" rủng rỉnh không phải trải qua những ngày "đói khát"?. Dưới đây chính là cách khiến ví tiền của bạn không bao giờ cạn kiệt.
Tiết kiệm trước khi chi tiêu
Thường thì chúng ta sẽ tiết kiệm những khoản còn dư lại sau khi đã chi trả, mua sắm mọi thứ đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình, người thân. Tuy nhiên tỷ phú giàu thứ hai thế giới – Warren Buffett đã có bài học về chi tiêu như sau: "Không nên tiết kiệm những khoản còn lại sau chi tiêu, mà hãy tiêu những khoản còn lại sau khi tiết kiệm". Thực tế được chứng mình bằng chính sự giàu có của vị tỷ phú này.
Hàng tháng mỗi khi lương đổ về tài khoản, việc đầu tiên mà bạn nên làm là lập tức trích 1 khoản vào sổ tiết kiệm. Sau đấy là tính tới các khoản điện nước, nhà trọ. Cuối cùng với số dư còn lại bạn mới quan tâm tới vé xem phim, rủ bạn bè đi ăn, đi du lịch. Làm được như vậy đảm bảo chắc chắn rằng chiếc ví của bạn sẽ luôn giữ được phong độ rủng rỉnh tới ngày cuối tháng.
Ghi lại những khoản đã chi tiêu
Việc ghi lại những khoản đã thu – chi trong tháng tưởng như là động tác thừa nhưng thực tế nó lại có tầm quan trọng rất lớn. Bởi trí nhớ của bạn dù có tốt đến đâu cũng sẽ có lúc nhớ lúc quên. Để tránh tình trạng phải ngồi vò đầu gãi tai lẩm bẩm câu "hình như…" khi nhớ lại đầu tháng mua gì thì tốt nhất bạn nên sắm cho mình 1 cuốn sổ cầm tay, note những chi tiêu hàng ngày của mình vào đó.
Thói quen này sẽ giúp bạn quản lý sát sao, chặt chẽ được chi tiêu hàng ngày của mình. Cuối tháng mở sổ, bạn biết được mình đã sa đà vào ăn uống, mua sắm, hay giải trí để có sự điều chỉnh cho hợp lý. Có như thế, đến cuối tháng bạn mới còn tiền tiêu.
Lập danh sách những thứ cần thiết phải mua
Nếu cứ nhận lương là đi siêu thị, bạn sẽ khó kiểm soát được "cảm xúc" mua sắm của bản thân. Bởi các trung tâm thương mại có vô số những sản phẩm khiến bạn chỉ nhìn thôi đã muốn "rút ví" liền.
Để tránh tình trạng "vung tay quá trán" trước khi cầm ví ra khỏi cửa, bạn cần note lại những thứ thật sự cần thiết cho cuộc sống của mình. Như thế không chỉ giúp bạn tiết kiệm thời gian mua đồ mà còn tránh mua những thứ không thiết thực cho bản thân.
Tiết kiệm từ những đồng lẻ nhất
Đôi khi đi chợ, bạn sẽ bỏ qua những đồng tiền lẻ. Người bán rau trả lại bạn 2k, 5k bạn không cầm trong khi có những ngày trong ví bạn không có nổi 1k.
Bạn đừng bao giờ coi thường những đồng tiền lẻ ấy. Tuy giá trị của chúng không lớn song sau mỗi buổi đi chợ, bạn hãy gom tiền lẻ vào 1 chiếc hộp, cuối tháng mở ra đảm bảo bạn sẽ phải ngạc nhiên với những gì mình tích cóp được trong 1 thời gian ngắn.
Không mua đồ xa xỉ
Bạn có biết, tỷ phú Bloomberg là cựu thị trưởng của thành phố New York, ông chỉ sử dụng 2 đôi giày để đi lại trong vòng 10 năm. Vậy nên khi chúng ta không phải là tỷ phú lại càng phải biết tiết kiệm và sống tối giản hơn. Người xưa vẫn có câu: "Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm", mọi kế hoạch chi tiêu đều phải dựa trên hoàn cảnh thực tế của bản thân. Những đồ hàng hiệu, hàng xa xỉ rất rễ khiến bạn cháy túi nên với điều kiện ví tiền còn eo hẹp, tốt nhất bạn nên dứt khoát nói không với chúng.
Giang Nguyễn