(Tổ Quốc) - Suốt 3 tháng nay, không tháng nào chi tiêu tiền điện nhà chị Hạ, 40 tuổi ở Bà Triệu, Hà Đông, Hà Nội lại không phải chi trả từ 2,5 triệu đến 3 triệu hóa đơn tiền điện.
Trong căn nhà 5 tầng, vợ chồng chị Hạ hàng ngày sống cùng bố mẹ chồng, 1 cô em chồng và 1 con nhỏ. Tổng gia đình chị Hạ có tất cả 5 người lớn và 1 trẻ nhỏ.
Những tháng ngày mùa đông, chi tiêu tiền điện của gia đình chị Hạ chỉ hết khoảng 900 ngàn đồng. Thế nhưng những tháng mùa hè, tiền điện nhà chị Hạ luôn tăng gấp đôi, gấp 3 lần.
"Ban ngày, vợ chồng mình và cô em chồng đều đi làm hết. Mọi người ở nhà cũng chủ trương tiết kiệm điện. Ti vi và điều hòa chủ yếu sử dụng ban tối. Thế nhưng tháng nào tiền điện cũng hết 2,5 đến 3 triệu. Mỗi khi trả tiền điện xót hết cả ruột, phát điên lên vì choáng quá", chị Hạ nói.
Theo chị Hạ cho biết, nguyên nhân có lẽ tại nhà chị đông người và nhiều phòng quá nên tiền điện những ngày hè dâng lên cao như vậy.
Các thiết bị điện trong nhà chị Hạ:
1 điều hòa phòng 2 vợ chồng chị bật 24/24 (vì con nhỏ).
1 điều hòa phòng bố mẹ chồng: Những hôm cao điểm nắng nóng thì gia đình sẽ bật thêm 1 điều hòa ở phòng bố mẹ chồng. Phòng bố mẹ chồng chị Hạ rộng nên em gái chồng cũng chui vào ngủ dưới sàn cho tiết kiệm tiền điện.
1 bình nóng lạnh bật lúc tắm: Mỗi ngày chỉ bật khoảng 10-20 phút vì mẹ chồng, em chồng và con nhỏ phải tắm bằng nước ấm.
1 tủ lạnh bật 24/24
3 ti vi: Buổi tối từ 21h trở đi là 3 ti vi sử dụng liên tục vì mỗi người có sở thích xem các kênh khác nhau.
2 máy tính: Được sử dụng khá thường xuyên vì bố mẹ chồng chị Hạ rất thích vào mạng xem tin tức, đọc báo. Ngoài ra chồng chị Hạ cũng hay phải làm việc buổi tối.
Đèn, quạt các phòng: Hầu như mỗi phòng 1 -2 chiếc đèn và quạt trần hoặc quạt treo tường hay quạt cây.
"Mỗi tháng lương 2 vợ chồng mình được 17 triệu. Cộng với em chồng đóng góp 1 triệu tiền ăn và tiền điện. Tiền điện mỗi tháng hè đóng đinh trong khoảng 1,5-2 triệu đồng. Ngoài ra là chi tiêu gia đình nên lương tháng nào hết sạch tháng ấy", chị Hạ kêu ca.
Dù cho 1 năm chỉ có mấy tháng hè tiền điện tốn kém, nhưng do quá choáng váng với hóa đơn tiền điện phải đóng mỗi tháng, nên người phụ nữ này đang có dự kiến đi tách khẩu để làm 2 công tơ điện riêng : "Đầu tháng này, chắc vợ chồng mình sẽ đi tách hộ khẩu và làm 2 công tơ điện riêng. Hy vọng tiền điện giảm đáng kể khi có 2 công tơ điện".
Ngoài dự định trên, chị Hạ cho biết, hàng ngày nhà chị vẫn luôn thực hành nhắc nhau tiết kiệm điện để giảm hóa đơn tiền điện và tiết kiệm cho gia đình 1 khoản chi tiêu bằng những biện pháp thiết thực sau:
Luôn rút nguồn các thiết bị điện tử khi không sử dụng
Sau khi đã tắt máy như máy tính, ti vi, quạt, lò vi sóng… vẫn phải rút nguồn để giúp các thiết bị này không tiêu tốn năng lượng, lại an toàn cho gia đình.
Luôn sử dụng các bóng đèn loại tiết kiệm điện năng
Sử dụng các loại bóng đèn như Compact, đèn tuýp, đèn chữ U sẽ tiết kiệm điện năng hiệu quả hơn. Thay bóng khi có dấu hiệu chập chờn đảm bảo khả năng đốt nhiên liệu hiệu quả và tiết kiệm.
Luôn ngắt aptomat khi ngắt điều hòa và không bật tắt điều hòa liên tục
Sử dụng điều hòa theo chị Hạ đừng bật/tắt liên tục. Như vậy vừa giảm độ bền, hãy luôn bật máy và tắt trước khi định ra ngoài khoảng 30 phút là hợp lý.
Khi không sử dụng, ngoài dùng điều khiển từ xa để tắt máy, hãy ngắt luôn Aptomat (công tắc nguồn điện vào máy) vì thực tế, khi tắt bằng điều khiển, máy vẫn tiêu thụ điện ngầm.
Luôn chú ý đặt tủ lạnh nơi thoáng mát và điều chỉnh nhiệt độ tủ lạnh hợp lý
Tầng 2 là nơi rất thoáng mát nên chị Hạ đặt tủ lạnh để đảm bảo không ảnh hưởng đến khả năng tản nhiệt, không làm điện hao nhiều.
"Ngoài ra, khi thực phẩm trữ lạnh trong tủ không nhiều, mình hay điều chỉnh cấp độ làm lạnh ở mức trung bình hoặc thấp để tiết kiệm điện hơn. Nói chung với ngăn đông lạnh, nhà mình hay điều chỉnh nhiệt độ ở mức -18ºC thay cho -22º là vừa", chị Hạ chia sẻ.
Minh Anh