(Tổ Quốc) - Câu chuyện thật của một anh chàng ở Hà Nội khi để "cái tính nết" chi phối không hẳn là xấu nhưng cũng có nhiều bài học hay rút ra dành cho bạn.
Bán được hàng mà vẫn lỗ
Bán hàng online như thế nào để thành công, mà nói đơn giản hơn thì là có lãi, giàu được thì cũng là đã khó. Có thể bạn có đam mê bán hàng online nhưng như thế là chưa đủ.
Cũng không thiếu trường hợp người bán hàng online còn lỗ nặng, thậm chí trong tình thế rất nhiều khách mua hàng mà vẫn lỗ. Câu chuyện đó chẳng ở đâu xa mà của Trần Bơm (đã từng bán online) ở Hà Nội kể về chính chuyện buôn bán của mình.
Vốn có "máu" kinh doanh từ nhỏ, nên khi thấy hình thức bán hàng online phát triển Trần Bơm đã thử bắt đầu buôn bán. Mặt hàng mà Trần Bơm bán khá đa dạng, từ quần áo tới giày dép và thậm chí cả đồ ăn. Tuy nhiên dù yêu thích đến mấy, nỗ lực đến mấy thì Trần Bơm cũng nhận ra 1 điều rằng bản thân không hợp với chuyện kinh doanh bởi 1 lý do đơn giản duy nhất: CÁI TÍNH NẾT.
"Ví dụ một ngày đẹp trời, khách nhắn tin với mình hỏi mua hàng với giọng ngọt ngào, thưa gửi đàng hoàng, rõ ràng, lịch sự. Nói chuyện một lúc thì thấy hợp cạ thế là mình discount (chiết khấu) cho khách hẳn 50% với lý do nhà cháu đông khách lắm, cứ mỗi khách mở hàng cháu giảm sâu", Trần Bơm chia sẻ.
Cứ thế là sau 2 tuần, Trần Bơm bán hết sạch sẽ đống hàng đã nhập về. Tính toán xong thì thấy lỗ hơn 10 triệu chỉ vì cái bản tính cứ hễ gặp khách dễ thương là lại bớt tiền hay discount.
Sau lần lỗ tương đối này Trần Bơm hết vốn kinh doanh nên đành nghỉ buôn bán.
Hàng chả ngon mà vẫn hết veo
Sau khi nghỉ bán hàng, Trần Bơm yên phận chuyển sang làm một người khách hàng. Nhưng CÁI TÍNH NẾT oái oăm đấy vẫn không buông tha cho cậu bạn.
"Hôm đó, trời vẫn đẹp nhưng mà đói nên mình tìm đồ ăn vặt ở trên mạng. Không hiểu duyên nợ thế nào mình tìm được người bán chân gà sả ớt. Mình nhấc máy gọi chân gà, ngồi nghe chị nói khoảng 3 - 5 câu mà sướng, vì giọng chị bán hàng ngọt như mía lùi. Mình cứ u u mê mê mãi thôi vì giọng nói là thứ rất quan trọng khi bán hàng.
Không chỉ mỗi giọng nói, mà chị bán hàng còn nói chuyện rất đúng kiểu để người ta phải mua thêm chân gà của chị. Ngồi nói chuyện khoảng 20 phút thì mình mua hẳn 5 hộp chân gà của chị trong sự hân hoan mà chẳng hiểu vì sao. Tối hôm đó chị còn nhắn tin hỏi han dặn dò rất chu đáo.
Nhưng phải nhận xét thật là chân gà nhà chị vừa khô, quắt lại cong, không ngon chút nào. Nước chấm nhà chị thì cũng ổn nhưng ăn chung với chân gà không hợp vì nó là nước chấm bún chả", Trần Bơm chia sẻ vui.
Thế nhưng Trần Bơm vẫn rất kiên trì đặt và ăn chân gà của chị bán hàng. Vì đã nói rồi: Quá thích cái cách chị chăm sóc khách hàng. Mấy tháng liền Trần Bơm đều ăn chân gà này. Đến mức còn rủ cả nhà, cả hàng xóm để gom đơn mua. Mà ngặt nỗi càng ngày chân gà nhà chị ăn càng chán.
Không hiểu quảng cáo lâu ngày mưa dầm thấm đất thế nào mà mẹ Trần Bơm cũng xuất tiền đặt mua liền mấy hộp về ăn thử. Nhưng chân gà về đến nơi, cầm miếng chân gà lên ăn thì không nuốt nổi vì chán. Vài tuần sau Trần Bơm cũng không ăn chân gà của chị bán hàng nữa vì bị mẹ chửi no.
Câu chuyện của Trần Bơm cho chúng ta thấy hai khía cạnh. Một là người ta thường hay quên đi CÁI TÍNH NẾT tốt bụng, dễ dãi của con người. Kể cả trong câu chuyện bán hàng hay mua hàng. Bởi đâu đó nó vẫn có thể tác động không nhỏ tới hiệu quả mua bán của hai bên.
Và thứ hai, cách chăm sóc khách hàng vẫn luôn là điều cốt lõi trong câu chuyện kinh doanh. Dù dịch vụ của bạn không hơn người khác nhưng cách chăm sóc khách hàng có thể khiến bạn bán được nhiều hơn họ gấp nhiều lần.
Bài viết được ghi trên lời chia sẻ từ trải nghiệm thật của Trần Bơm
Hồng Nhung