(Tổ Quốc) - Câu chuyện của cô gái chia sẻ đã khiến nhiều người làm công tác nhân sự suy nghĩ, cân nhắc nhiều hơn về cung cách ứng xử với nhân viên trong tổ chức.
Duy trì và quản lý nguồn nhân lực của công ty là một trong những trách nhiệm mà bộ phận nhân sự phải đảm trách. Cụ thể, người làm nhân sự đóng vai trò như chiếc cầu nối giữa lãnh đạo doanh nghiệp và tập thể, anh chị em nhân viên trong công ty. Vì đứng ở giữa, cho nên để có thể chu toàn cho đôi bên, người làm nhân sự buộc phải khéo léo và linh động. Bởi lẽ, quá nghiêng về một bên sẽ tạo nên sự mất cân bằng và bất mãn cho bên còn lại.
Tuy nhiên, việc người làm công tác nhân sự quá sợ cấp trên mà tạo nên những áp lực và bất mãn cho những bộ phận còn lại là không hề hiếm có. Đơn cử, vừa mới đây, trong một hội nhóm được đông đảo dân văn phòng quan tâm, theo dõi trên mạng xã hội, một nàng công sở đã có dịp chia sẻ những khó khăn, áp lực mà bản thân phải đối mặt khi “chạm trán” một chị nhân sự soi mói. Cụ thể, cô bộc bạch:
“Mình sinh năm 1997, cũng mới bon chen đi làm được vài ba tháng thôi. Hôm nay nhân dịp thứ 7 rảnh rỗi, xong hết việc rồi nên muốn tâm sự nhẹ với mọi người. Số là ở công ty mình theo quy trình sau, mọi việc các boss (sếp) sẽ nói cho leader (trưởng phòng), rồi leader sẽ phân công lại cho mình nên tính ra mình chỉ làm việc dưới trướng của leader thôi.
Bổ sung thêm là công ty mình dân số hơi già, toàn 7x 8x thôi nên hơi khó tánh một chút. Được cái leader mình cũng 9x, cũng khá tưng tưng nên không áp lực nhiều, áp lực nằm ở chỗ chị HR ạ.
Mình thì tính hơi bay nhảy (di chứng của thời sinh viên nên chị HR hay nhắc nhở mình nhiều lắm. Nào là đầu tóc (phải búi lên cho gọn gàng, kẹp mái lên cho sáng sủa,...), không được mặc đầm ngắn quá, không được đeo kính tròn phải đổi gọng vuông, đi đứng bớt chạy nhảy,…
Mình làm theo hết, mình thấy chẳng có gì, đi làm thì theo quy định của công ty là điều đương nhiên. Đỉnh điểm ở chỗ, có 1 ngày mình đuối ơi là đuối, lúc về mệt phờ người nên đeo luôn khẩu trang lếch thếch đi về. Vậy mà chị HR từ đâu ra nói mình chừng nào ra công ty mới được vậy, rồi không được trùm kín mít,...
Nói thật, bữa đó mình nản lắm luôn, mình thấy như bị ghét vậy. Bình thường chẳng nghĩ gì đâu, mà tại bữa đó đuối nên hơi tiêu cực một chút. Nói chung mình chỉ muốn nhắn nhủ nhẹ đến các anh chị HR rằng HR là cầu nối giữa nhân viên với sếp. Biết là làm vừa lòng dân và vua thì khó khăn lắm nhưng hãy yêu thương nhân viên với ạ, đừng cái gì cũng cố lấy lòng sếp.
Mình cũng muốn nhắn nhủ với các bạn mới đi làm và hay bị la như mình là gặp gì cũng suy nghĩ lạc quan lên. Gì chứ đi làm mình bị la hoài luôn, leader mình nói nghe tai này lọt tai kia đi, để bụng làm gì”.
Nhiều người vẫn nghĩ, để làm tốt công việc nhân sự, chỉ cần bản thân họ thích làm việc với con người cũng như muốn giúp đỡ và phát triển tiềm năng trong họ. Tuy nhiên, mọi việc không hề đơn giản như vậy. Bên cạnh các khía cạnh như quản lý nhân tài, đào tạo và phát triển, xây dựng mối quan hệ giữa những người lao động cũng như tạo nên văn hoá tích cực cho công ty, người làm nhân sự cần nhiều hơn những kiến thức giáo khoa cơ bản.
Sự đồng cảm là chìa khóa
Điều mà một người làm nhân sự thực sự cần là sự đồng cảm, đó là cách chúng ta thấu hiểu và chia sẻ cảm nhận với mọi người. Mặc dù thỉnh thoảng sẽ rất khó khăn, nhưng đó lại là điều mà công ty cần để vận hành trơn tru. Làm việc với sự đồng cảm và làm cho những nhà lãnh đạo khác cũng có được sự đồng cảm đó sẽ góp phần tạo nên sự khác biệt.
Giữ cho mọi thứ cân bằng
Bên cạnh đó, người làm nhân sự phải giữ cho tất cả mọi thứ cân bằng nếu muốn duy trì môi trường công bằng. Trái lại, nếu làm không tốt, nó có thể trở thành sự thiên vị và góp phần tạo ra việc một số cá nhân tránh né công việc khó nhằn. Đây là điều mà không một công ty nào muốn gặp phải. Giúp đỡ và quan sát quá trình trưởng thành của mọi người là một điều tuyệt vời. Nhưng giúp đỡ và quan sát công ty dần phát triển thông qua những con người đã lao động hăng say để đạt được điều đó còn là một điều quan trọng và trọn vẹn hơn nữ.
Hữu Long