(Tổ Quốc) - Dù không hề chỉ đích danh đơn vị ăn cắp song công chúng đều hiểu nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường ngầm tố cáo BH Media.
Mới đây, thông tin nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường - tác giả của rất nhiều ca khúc nổi tiếng về Hà Nội bất ngờ đăng tải thông tin về việc tác phẩm Nồng nàn Hà Nội bị đánh bản quyền trên MXH YouTube khiến những người yêu âm nhạc không khỏi xôn xao.
Nam nhạc sĩ anh cho biết anh phát hiện ra điều này một cách tình cờ, khi đang tải những tác phẩm của mình lên YouTube vào kênh chính thức của mình.
Đặc biệt, theo nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường, bên "đánh cắp" tác phẩm của anh là một "đơn vị chuyên nghiệp" và cũng từng gây xôn xao khi đánh bản quyền một loạt tác phẩm nổi tiếng như "Quốc ca" và "Giấc mơ trưa" của nhạc sĩ Giáng Son, cùng rất nhiều các tác phẩm khác.
Anh cũng cho biết thêm, bản thân chưa từng có bất kỳ một ký kết nào với đơn vị đã kinh doanh "đứa con tinh thần" của mình trong suốt thời gian qua.
Dù không hề chỉ đích danh đơn vị ăn cắp song công chúng đều hiểu đơn vị đánh bản quyền trái phép sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường chính là BH Media. Bởi trong thời gian qua, chỉ có đơn vị này dính với loạt lùm xùm đúng như những gì mà nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường chia sẻ với truyền thông như đánh bản quyền "Quốc Ca" hay ca khúc của nhạc sĩ Giáng Son.
Về những trường hợp này, đơn vị này từng giải thích rằng họ chỉ sở hữu quyền bản ghi được đề cập, còn quyền tác giả họ không xâm phạm. Tuy nhiên, trong trường hợp ca khúc Nồng nàn Hà Nội, nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường mất cả quyền bản ghi và quyền tác giả của tác phẩm.
Trong bối cảnh 15 năm qua, anh đã thoải mái để các nghệ sĩ thể hiện ca khúc này mà không cần xin phép, cũng không thu một đồng tiền nào, hoàn toàn phi lợi nhuận. Nguyên nhân bởi "Nồng nàn Hà Nội" được sáng tác như một món quà, một tình yêu dành cho thành phố mà anh đang sinh sống và đem lòng yêu mến. Nhưng bất ngờ đứa con tinh thần của mình đã trở thành công cụ kiếm tiền cho một đơn vị khác trên YouTube từ bao giờ khiến anh không thể chấp nhận.
Thông tin trên Dân trí, tác giả ca khúc Nồng nàn Hà Nội còn cho biết thêm, anh sẽ có hành động thiết thực để "đòi lại sự công bằng".
"Luật sư đại diện của tôi đang tiến hành các thủ tục với sự hỗ trợ của Trung tâm Bảo vệ Quyền Tác giả Âm nhạc Việt Nam để có biện pháp đòi lại công bằng cho đứa con tinh thần của mình. Cụ thể thế nào tôi sẽ có thông báo chính thức trên trang cá nhân trong vài ngày tới", nam nhạc sĩ khẳng định.
BH Media (Bihaco) là công ty cổ phần thương mại và dịch vụ truyền thông chuyên về nội dung số tại Việt Nam. "Công ty đa kênh" này nhờ hệ thống Content ID trong suốt thời gian qua đã "huyên náo" bản quyền cả cõi YouTube Việt Nam.
BH Media sở hữu hàng loạt ứng dụng, trang web, Fanpage, trang thương mại điện tử, phần mềm... Hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực từ SEO - SEM Marketing, Social Media Marketing đến Digital Marketing.
Đơn vị này nổi danh trên Facebook khi chuyên reup các sản phẩm phim ngắn, phim hoạt hình,...
Theo VTV, BH Media đã âm thầm khai thác trái phép các sản phẩm không thuộc quyền sở hữu của mình. Nhờ Content ID (một hệ thống quét bản quyền) của YouTube mà trên nền tảng này BH Media đã báo cáo vi phạm các bên sử dụng nhạc mà họ đã đăng ký bản quyền với YouTube.
Trước khi khiếu nại ca khúc Quốc Ca mà VTV sử dụng trong đám tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp "thuộc quyền sở hữu của mình", BH Media đã đánh gậy bản quyền ca khúc Giấc mơ trưa với nhạc sĩ Giáng Son trong khi đây chính là bài hát do nhạc sĩ này sáng tác.
Đại diện BH Media sau đó đã tổ chức họp báo về vấn đề "Bản quyền âm nhạc trên môi trường số". Theo đó, giải trình về vụ việc "đánh bản quyền ca khúc của nhạc sĩ Giáng Son", phía BH Media cho biết: “Đây là cơ chế quét bản quyền tự động của YouTube. Nhạc sĩ Giáng Son nhận thông báo từ YouTube chứ không phải từ BH Media. Thông báo đó nhằm mục đích để chủ sở hữu các bản ghi đối soát bản quyền với nhau và thông báo đó không làm ảnh hưởng đến quyền up bản ghi của nhạc sĩ Giáng Son. Chỉ cần nhạc sĩ Giáng Son làm thao tác phản hồi là chủ sở hữu bản ghi kia sẽ xác minh lại và gỡ xác nhận bản quyền khỏi video".
PV